Đại dịch song hành với nghệ thuật xuyên suốt lịch sử

Đại dịch là chủ đề xuyên suốt của nghệ thuật trong suốt lịch sử loài người. Và khi các tác phẩm lấy cảm hứng từ Covid-19 ra đời, nó cũng sẽ tiếp nối truyền thống lâu dài này.

Khi khách du lịch quay lại Florence, một số người sẽ đi vào nhà thờ Florence và ấn tượng với tác phẩm “Đài tưởng niệm cưỡi ngựa Niccolò da Tolentino” của Andrea del Castagno. Bức bích họa chỉ huy lính đánh thuê và con ngựa của ông được vẽ vào năm 1456 là một ảo ảnh quang học. Sơ đồ phối cảnh cho phép người xem nhìn bức bích họa từ các góc độ khác nhau. Một số khách du lịch ngưỡng mộ bức bích họa này có thể sẽ tự hỏi nếu không chết trong dịch bệnh ở Florence vào năm 1457 vào những năm 30 tuổi, del Castagno có thể thành công như thế nào.

Đại dịch và văn hóa đã song hành với nhau trong nhiều thiên niên kỷ. Andrea del Castagno đã chết do sự quay lại của “cái chết đen”, tên gọi của đại dịch dịch hạch xuất hiện ở châu Âu vào năm 1347. Đại dịch này đã khiến khoảng từ 1/3 đến 1/2 dân số tử vong. Tuy nhiên, nó cũng giúp dọn đường cho phong trào Phục hưng bằng cách thay đổi sâu sắc trật tự kinh tế và xã hội.

Đại dịch ảnh hưởng đến nghệ thuật

Cái chết đen không trực tiếp dẫn đến thời Phục hưng, ông John Henderson, tác giả của Florence Under Siege (tạm dịch Florence bị bao vây), một cuốn sách gần đây về bệnh dịch, nói. Nhưng nó đã dẫn đến của cải tập trung ở một nhóm nhỏ người. “Tiền lương tăng gấp đôi. Người giàu thậm chí còn trở nên giàu có hơn”, ông nói. Điều này cho họ phương tiện để tài trợ cho nghệ thuật.

Đại dịch thậm chí còn để lại dấu ấn trên các phong cách hội họa. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 14, Giotto, một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thời Phục hưng, đã tạo ra hàng loạt những bức bích họa sống động chưa từng có trong Nhà nguyện Arena ở Padua. Những bức bích họa của ông mô tả cảm xúc của con người theo cách đã trở thành một dấu ấn của nghệ thuật Phục hưng. Nhưng, như Leonardo da Vinci đã viết, “Sau Giotto, hội họa đã xuống dốc”. Trong một thời gian, các họa sĩ từ bỏ việc thể hiện chiều sâu và biểu cảm sinh động mà dùng phương thức thể hiện cổ xưa và cách điệu. Ông Henderson cho rằng sự khủng khiếp của bệnh dịch có thể đã khơi dậy cảm giác muốn quay lại những thứ quen thuộc, giống như nhiều người chuyển sang những cuốn tiểu thuyết họ thường đọc và những bộ phim cũ trong khi phải ở nhà do lệnh phong tỏa.

 Bích họa của Giotto trong nhà nguyện Arena ở Padua, Italy. Ảnh: Glennis McGregor.

Bích họa của Giotto trong nhà nguyện Arena ở Padua, Italy. Ảnh: Glennis McGregor.

Đại dịch cũng định hình sự sáng tạo theo những cách khác. Tác phẩm Mười ngày của Giovanni Boccaccio, trong đó mười người trẻ kể chuyện cho nhau nghe trong khi tránh “cái chết đen”, là ví dụ nổi tiếng nhất. Một trong những câu chuyện của Boccaccio đã được William Shakespeare mượn trong vở kịch All’s Well that Ends Well (tạm dịch Tiền hung hậu kiết). Những câu chuyện đó cũng đã truyền cảm hứng cho các vở opera, tác phẩm thơ và văn xuôi. Tiểu thuyết bằng tiếng Arab The Plague (tạm dịch Đại dịch) viết năm 1989 của Saad Elkhadem là một trong số đó.

Loại virus đã tàn phá Florence khi các nhân vật của Boccaccio kể chuyện đã trở lại nhiều lần. Lần cuối bệnh dịch hạch bùng phát ở châu Âu là vào năm 1743 tại Messina, Italy, nơi mà căn bệnh đã đến lục địa này gần bốn thế kỷ trước đó. Việc sống với mối đe dọa từ dịch bệnh đã tạo ra loại hình nghệ thuật đặc biệt với mục đích kêu gọi sự bảo vệ của Đức Mẹ đồng trinh Maria hoặc hai vị thánh có sức mạnh chống lại bệnh tật: thánh Sebastian và thánh Roch.

Trong khi đó, các bác sĩ và giáo sĩ từ lâu đã nhận ra tác dụng trị liệu của âm nhạc. Các bài thánh ca đã được hát trong các cuộc rước sám hối đi qua các thành phố của châu Âu trong thời kỳ bệnh dịch.

Điều này được lặp lại ở thời hiện đại. Trong giai đoạn đầu thực hiện phong tỏa vào tháng 3, người Italy đã ra ban công và sân thượng của họ để hát và chơi nhạc. Khi làm như vậy, họ đã vô tình bắt chước tổ tiên của họ. Theo tác phẩm “Dịch bệnh và âm nhạc thời Phục hưng” của Remi Chiu (2017), trong thế kỷ 16, lo ngại rằng cuộc rước sám hối tạo điều kiện cho bệnh lây lan, Tổng Giám mục Milan Carlo Borromeo, đã “khuyến khích người dân hát để thực hiện nghi lễ từ cửa ra vào và cửa sổ trong khi cách ly trong nhà”.

Các hình thức nghệ thuật khác đã phát triển mạnh mẽ trong hoặc sau các dịch bệnh. Cuốn tiểu thuyết hậu tận thế đầu tiên ra đời sau lần bùng phát đầu tiên của một trong ba đại dịch tả lớn của thế kỷ 19 tại Ấn Độ vào năm 1817. Tác phẩm Người đàn ông cuối cùng của Mary Shelley vào năm 1826 cho thấy tương lai loài người thậm chí còn nghiệt ngã hơn so với trong Cha và con xuất bản năm 2006 của Cormac McCarthy. Họa sĩ người Áo Egon Schiele đã vẽ người hướng dẫn của mình, ông Walter Klimt, khi ông hấp hối vì đại dịch cúm năm 1918. Bản thân Schiele cũng qua đời sau khi hoàn thành bản vẽ. Tác giả Virginia Woolf sau khi bị tổn thương tim do bệnh cúm đã chuyển căn bệnh của bà vào nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Bà Dalloway xuất bản năm 1925.

Chủ đề xuyên suốt của nghệ thuật

Điểm chung của những hình thức nghệ thuật này là gì? Nhiều chủ đề đã được lặp lại. Một trong số đó là quan niệm đại dịch “công bằng với mọi tầng lớp”. Đây là một mô típ phổ biến trong thể loại nghệ thuật Vũ điệu của cái chết vào thế kỷ 15. Nó cũng xuất hiện trong truyện ngắn lấy cảm hứng từ dịch tả Mặt nạ tử thần đỏ của Edgar Allan Poe xuất bản năm 1842. Trước khi một số nghiên cứu cho thấy người nghèo bị ảnh hưởng nặng nhất do Covid-19, một số người đã cho rằng đại dịch này ảnh hưởng mọi người như nhau.

Một quan niệm tuần hoàn khác là đại dịch làm lộ ra mặt tốt và xấu của nhân loại. Đây là một trong những chủ đề của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất thế kỷ 19 của Italy, Người được đính hôn của Alessandro Manzoni. Lấy bối bệnh dịch tại Milan năm 1629-1631, câu chuyện đã làm nổi bật sự tương phản giữa lòng vị tha anh hùng của Fra Cristoforo, một tu sĩ Phan Sinh, với sự hèn nhát và trần tục của linh mục Don Abbondio. Ngay sau khi Italy áp dụng phong tỏa vào tháng 3, Giáo hoàng Francis đã nói với các linh mục của mình: “trong thời gian xảy ra đại dịch không nên giống như Don Abbondios”. Đó là một lời trách móc đáng ngại. Trong tiểu thuyết, Don Abbondio sống còn Fra Cristoforo bị nhiễm bệnh và chết.

 Bức bích họa ở bức tường phía sau nhà nguyện Sv. Marija na krilinama ở thị trấn Beram của Istrian (1471) được vẽ bởi Vincent of Kastav, Croatia. Đây là một trong những tác phẩm mang mô típ Vũ điệu của cái chết. Ảnh: Daily Sabah.

Bức bích họa ở bức tường phía sau nhà nguyện Sv. Marija na krilinama ở thị trấn Beram của Istrian (1471) được vẽ bởi Vincent of Kastav, Croatia. Đây là một trong những tác phẩm mang mô típ Vũ điệu của cái chết. Ảnh: Daily Sabah.

Nhưng chủ đề phổ biến nhất vẫn là đại dịch được coi như hình phạt. Trong nhiều thiên niên kỷ, con người đã tìm cách lý giải thảm họa và họ đã tìm tới thần linh. Trong Illiad của Homer, thần Apollo trừng phạt người Achaea với đại dịch vì đã bắt những cô con gái của linh mục của Apollo và biến họ thành nô lệ tình dục. Trong kinh Cựu Ước, Chúa đã đưa dịch bệnh đến dân Do Thái tại những vùng đất mà vua David ra lệnh kiểm tra dân số.

Tín đồ Hồi giáo xem nạn nhân của đại dịch là những người tử vì đạo và sẽ lên thẳng thiên đàng. Nhưng hàng triệu tín đồ Cơ đốc giáo chết vì các bệnh truyền nhiễm tin rằng đó là lỗi của chính họ. Như Susan Sontag đã lập luận trong Bệnh tật như phép ẩn dụ vào năm 1978, việc đổ lỗi cho nạn nhân vẫn tiếp tục diễn ra trong thời hiện đại. Bệnh ung thư từng được xem là kết quả của cảm xúc bị dồn nén. Bệnh AIDS đã bị kỳ thị trong nhiều năm vì nó được xem là hình phạt cho những người có lối sống bừa bãi.

Vậy còn Covid-19 thì sao? Ralph Drollinger, lãnh đạo nhóm nghiên cứu kinh thánh của Nhà Trắng, đã nói Covid-19 là sự ghê tởm của Chúa với những người đồng tính và các nhà môi trường. Ngược lại, Jane Goodall, một nhà vận động môi trường hàng đầu, đã lập luận rằng “việc chúng ta phá hoại thiên nhiên, chặt phá rừng, đem con người và động vật lại gần nhau, săn bắn động vật và ăn thịt chúng đã khiến virus lây truyền từ động vật sang người”.

Các tiểu thuyết, tác phẩm nghệ thuật và âm nhạc lấy cảm hứng từ Covid-19 vẫn chưa thành hình. Và khi chúng xuất hiện, chúng sẽ tiếp nối truyền thống lâu dài trong lịch sử loài người.

Như Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-dich-song-hanh-voi-nghe-thuat-xuyen-suot-lich-su-post1088771.html