Đại diện cấp cao EU Borrell đối mặt sự giận dữ sau quyết định tẩy chay Hungary, Budapest ra 'tối hậu thư' cho Ukraine?
Nội bộ Liên minh châu Âu (EU) đang có những bất ổn xoay quanh vấn đề tẩy chay Hungary.
Ngày 23/7, tờ Daily News Hungary dẫn lời Ngoại trưởng nước này Peter Szijjarto cho biết, tại Hội nghị Ngoại trưởng EU ở Brussels (Bỉ) diễn ra trước đó một ngày, ông đã phải "lắng nghe những lời phàn nàn của những nhà ngoại giao trong khoảng 3,5 giờ".
Theo ông, các chính trị gia ủng hộ xung đột do Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell dẫn đầu "đã bộc lộ rõ ràng mọi sự thất vọng" về việc Thủ tướng Hungary Vicktor Orban, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, thực hiện "sứ mệnh hòa bình" trong những tuần gần đây.
Sau khi kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng EU, ông Borrell tuyên bố, hội nghị không chính thức của các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên, dự kiến diễn ra vào tháng 8 ở thủ đô Budapest của Hungary, sẽ chuyển sang tổ chức ở Brussels.
Ngoại trưởng Szijjarto cho biết, ông đã nói rõ với những người đồng cấp về địa điểm diễn ra hội nghị không chính thức trên, rằng Hungary "không coi là quan trọng" nếu các nhà ngoại giao EU gặp nhau ở Brussels thay vì Budapest. Nếu diễn ra ở Bỉ, ông sẽ đến tham dự.
Trong khi đó, theo báo DW (Đức), ông Borrell đã phải nhận sự chỉ trích gay gắt từ các ngoại trưởng của 5 quốc gia gồm Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Luxembourg vì hành động thiếu sự phối hợp về tuyên bố chuyển địa điểm trên.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha José Manuel Albares cho hay, nước này "không ủng hộ việc tẩy chay ở EU", trong khi người đồng cấp Luxembourg Xavier Bettel gọi ý tưởng này là "vô nghĩa", nhấn mạnh rằng, ông "thà đến Budapest và nói với người Hungary ý kiến của mình còn hơn là tẩy chay".
Ngoại trưởng Đức, Pháp, Hà Lan cũng bày tỏ không đồng tình với đề xuất của ông Borrell. DW không loại trừ khả năng ý tưởng tẩy chay hội nghị vào tháng 8 tại Budapest của ông Borrell sẽ thất bại.
Hungary đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU từ đầu tháng 7. Đây là cơ quan xác định phương hướng chính trị tổng thể và các ưu tiên của khối.
Sau khi Hungary đảm nhiệm vị trí này, Thủ tướng nước này Viktor Orban đã bắt tay vào cái mà ông gọi là "sứ mệnh hòa bình" Ukraine nhằm tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột bằng cách tổ chức các cuộc đàm phán với "5 nhân tố chính" gồm Ukraine, Nga, Trung Quốc, EU và Mỹ.
Là một phần của sứ mệnh, ông Orban đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow, gặp ông Donald Trump và có chuyến thăm Trung Quốc, khiến các nhà lãnh đạo EU phản đối.
Trong diễn biến khác liên quan, hãng tin Reuters cho hay, Hungary tuyên bố sẽ tiếp tục ngăn chặn quá trình giải ngân đợt tiếp theo của Quỹ hòa bình châu Âu cho đến khi Kiev cho phép tập đoàn Lukoil của Nga trung chuyển dầu mỏ qua lãnh thổ của Ukraine.
Trước đó, Kiev đã đưa Lukoil vào danh sách trừng phạt, dẫn đến tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu.
Hôm 22/7, Ngoại trưởng Szijjarto tuyên bố, Hungary và Slovakia sẽ tìm kiếm thủ tục tham vấn với Ukraine do Ủy ban châu Âu (EC) làm trung gian về việc này, cảnh báo rằng EC có 3 ngày để thực hiện yêu cầu.