Đại diện Saigon Co.op, Lotte lý giải vì sao nhiều hàng Việt chưa được hợp tác phân phối
Chưa nghiên cứu kỹ về thị trường tiêu thụ là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều hàng Việt chưa được chấp nhận phân phối tại các hệ thống siêu thị hiện đại.
“Khi đi làm việc với tỉnh Quảng Ninh về các sản phẩm OCOP, tôi nhận ra một vấn đề lớn từ sản phẩm trà đinh lăng và trà hoa vàng. Không biết nhà sản xuất có đánh giá nhu cầu tiêu thụ của thị trường hay không khi từ Bắc chí Nam, không thiếu người trồng đinh lăng để làm trà. Còn trà hoa vàng gói 50g lại có giá 15 triệu đồng thì ai sẽ là người mua và lại đi chào hàng với chuỗi siêu thị thuộc phân khúc trung bình khá như chúng tôi”, bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc phòng Giao dịch nhà cung cấp Saigon Co.op chia sẻ về vấn đề chọn sai sản phẩm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng được tiêu thụ.
Sở Công Thương tỉnh Bến Tre vừa phối hợp Sở Công Thương TP.HCM tổ chức tổ chức hội thảo "Giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre" nhằm đẩy mạnh kết nối, xúc tiến đưa đặc sản của tỉnh Bến Tre đến gần hơn với người tiêu dùng, phục vụ phát triển du lịch địa phương.
Tham dự Hội thảo này có các lãnh đạo tỉnh Bến Tre như ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Châu Văn Bình, Giám đốc Sở Công thương,…do đó, đại diện các nhà phân phối như Saigon Co.op, Lotte Mart,.. chia sẻ thẳng thắn về các vướng mắc khi hợp tác tiêu thụ sản phẩm địa phương.
Theo đó, là chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm đặc trưng, việc chọn sản phẩm nào không chỉ đáp ứng yêu cầu đặc trưng vùng miền đưa vào OCOP mà còn phải đảm bảo khả năng được thị trường tiêu thụ.
Thiếu 1 trong 2 yếu tố này đều rất khó cạnh tranh, dù tại chợ truyền thống hay kênh bán hàng hiện đại như các chuỗi siêu thị.
Ngoài ví dụ 2 sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh đề cập phía trên, bà Phạm Thị Thanh Tuyền lo ngại, trong 59 sản phẩm OCOP tỉnh Bến Tre có 2 sản phẩm là chả lụa và rau dấp cá. Vị này đặt câu hỏi, đây có phải đặc sản vùng miền hay không?
Với chả lụa, người dân mỗi vùng đều có khẩu vị không giống nhau, còn rau dấp cá được trồng khắp mọi miền.
“Nếu chọn sai sản phẩm OCOP thì sẽ có hậu quả nghiêm trọng. Do đó, cần xem xét lại để các đơn vị là nhà phân phối như chúng tôi có thể tiến hành đồng bộ mà vẫn đảm bảo hiệu quả là được thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng doanh nghiệp sản xuất còn siêu thị không phối hợp tiêu thụ lại lời ra tiếng vào”, vị này chia sẻ thêm.
Việc chọn sản phẩm nào để phát triển kinh doanh không chỉ áp dụng khi tham gia chương trình OCOP mà còn là chiến lược phát triển đường dài của doanh nghiệp.
Chia sẻ thêm về khó khăn khi hợp tác với doanh nghiệp địa phương, đại diện Lotte Mart Việt Nam cho biết, họ được chào hàng nhiều sản phẩm nhưng chủ doanh nghiệp lại thiếu sự chuẩn bị.
Ví dụ với bưởi da xanh, đơn vị cung cấp không rõ đặc tính, khả năng giao hàng, nguồn hàng có ổn định hay không?
Giám đốc chiến lược sản phẩm Lotte Mart Việt Nam đánh giá, nhiều nhà cung cấp chỉ có sản phẩm địa phương mà chưa định hình được đối tượng khách hàng tiêu thụ.
Nếu làm chương trình khuyến mại, chắc chắn không hiệu quả.
"Chưa kể, bao bì, dung tích sản phẩm được tiêu thụ tại kênh hiện đại cũng khác tại chợ truyền thống. Đây là vấn đề gần như bị nhiều doanh nghiệp Việt bỏ ngỏ. Dù rất muốn làm nhiều nhãn hàng riêng với doanh nghiệp Việt nhưng chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì họ lo mất thị phần, không bán được hàng mang thương hiệu của mình khi hợp tác với chuỗi ngoại, đơn cử như Lotte”, ông Tuấn nói.
Gian hàng trưng bày mỗi loại sản phẩm tại siêu thị đều có diện tích giới hạn cũng như đều có các đơn vị cùng ngành đang cung cấp.
Do đó, với doanh nghiệp mới sản xuất, đi chào hàng lần đầu, liệu có điểm nào khác đối thủ và trở thành lợi thế cạnh tranh khi đàm phán với chuỗi siêu thị phân phối?
Thêm vào đó, hồ sơ chào hàng của nhiều doanh nghiệp tại địa phương được đánh giá còn “đơn giản và sai sót nhiều”, trong khi hướng dẫn chào hàng về các quy định, bao bì,..đều được đăng tải trên website hệ thống phân phối như Saigon Co.op.
Đáp ứng các yêu cầu này trước khi đi chào hàng, ví dụ về bao bì không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn tránh lãng phí khi phải hủy hết lô bao bì và thực hiện lại từ đầu.
Đại diện phòng giao dịch nhà cung cấp SaiGon Co.op còn lưu ý, trong lần đầu đi chào hàng, lãnh đạo doanh nghiệp nên trực tiếp tham gia, thay vì giao nhân viên để hiểu rõ yêu cầu còn thiếu sót, hồ sơ cần bổ sung hay góp ý cho sản phẩm để chào hàng lần sau.
“Đặc biệt, hiện có một số đối tượng “cò”, đứng bên ngoài văn phòng chúng tôi, khi thấy người ở tỉnh lên, họ sẵn sàng cam kết chào được hàng nên Saigon Co.op thường đề nghị trong hồ sơ, người đại diện đi chào hàng phải có giấy giới thiệu của công ty để xác định danh tính. Hồ sơ được đăng tải đầy đủ trê website nên doanh nghiệp làm theo sẽ bán được cho khắp nơi, chứ không riêng cho Saigon Co.op”, đại diện phòng Giao dịch nhà cung cấp Saigon Co.op cho biết thêm.