Đại diện UNESCO: Khách sạn Mã Pì Lèng là 'bất ngờ đáng buồn'
Trao đổi với Zing.vn, giáo sư Guy Martini của UNESCO, nói ông rất ngạc nhiên với việc xây dựng khách sạn 7 tầng trái phép ở đèo Mã Pì Lèng. Vụ việc không được tham vấn với UNESCO.
Trao đổi với báo chí, chủ đầu tư công trình Mã Pì Lèng Panorama nói khách sạn 7 tầng gây tranh cãi được thực hiện vì "chuyên gia UNESCO khuyến nghị xây công trình".
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn với Zing.vn, giáo sư Guy Martini, Tổng thư ký Ban điều phối Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN) của UNESCO và là người trực tiếp gửi khuyến nghị cho tỉnh Hà Giang về phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn hồi tháng 2/2018, đã phủ nhận được tham vấn và nói việc xây dựng là “một bất ngờ đáng buồn”.
- Ông gợi ý cụ thể gì cho khu vực đèo Mã Pì Lèng và khu công viên đá Đồng Văn trong đề xuất tháng 2/2018?
- Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trong vài năm vừa qua có lượng tăng đáng kể du khách và cần sự phát triển bền vững ở khu vực này, khi phần lớn dân cư ở đây là dân nghèo. Lượng du khách tăng đặc biệt cao ở tuyến đường Mã Pì Lèng.
Chúng tôi đã thấy những cảnh rất nguy hiểm ở đây khi dân địa phương và du khách dừng đỗ xe hơi/xe máy ngay giữa đường, du khách đi bộ rất nguy hiểm trên đường.
Vì những lý do này và sau trao đổi đồng thuận với các chuyên gia Việt Nam, tôi đề xuất việc nghiên cứu và thiết lập, nếu có thể, khu vực đỗ xe kết hợp với điểm ngắm cảnh mà có thể chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh quan và ngắm một số yếu tố địa chất đặc trưng riêng của khu vực.
Trong chuyến thăm cuối tới đây, tôi đã thấy một số biến chuyển tích cực như việc xây bãi đỗ và điểm ngắm cảnh. Tôi cũng được thông báo là một quán café/bar nhỏ sẽ được dựng ở đó để cung cấp dịch vụ thêm cho du khách. Với tác động tương đối ít của những công trình nhỏ này, theo miêu tả (từ phía địa phương), phản ứng của chúng tôi là tích cực.
- Việc xây nhà nghỉ 7 tầng ở đây có giống như những gì ông đề xuất?
- Tôi chưa bao giờ được thông báo hay tham vấn về việc có thể xây nhà nghỉ 7 tầng ở đó. Vì vậy sự xuất hiện của khách sạn này là bất ngờ đáng buồn lớn đối với tôi.
Về mặt logic thì Ban quản lý Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ ra toàn bộ quyết định liên quan tới các công trình xây dựng trong khu công viên. Công việc của ban quản lý bao gồm cả việc kiểm tra thường xuyên tình hình thay đổi hiện trạng ở đây và các vùng đất xung quanh.
Tôi rất ngạc nhiên khi một công trình vi phạm pháp luật ở khu vực nhạy cảm vậy mà Ban quản lý Công viên Đồng Văn không phát hiện và ngăn chặn trước khi công trình hoàn thành.
Có lẽ Ban quản lý Công viên có thể nói rõ và giải thích thêm về vụ việc này.
- Việc cân bằng giữa nhu cầu phát triển và đảm bảo bảo tồn được cảnh quan thiên nhiên ở khu công viên đá Đồng Văn luôn là câu hỏi khó. Ông có lời khuyên nào cho việc xây dựng xung quanh những khu bảo tồn thiên nhiên để cân bằng được yếu tố này?
Khác với hai danh hiệu khác của UNESCO (Di sản thế giới và Khu dự trữ sinh quyển), Công viên địa chất UNESCO… là những khu vực phát triển bền vững (có thể xây dựng). Nhưng khu vực chính của di sản cần được bảo vệ.
Điều này đòi hỏi việc phân tích và cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và các vấn đề phát triển luôn là thách thức cho chúng tôi, trong nhóm phát triển Công viên địa chất UNESCO ở Việt Nam.
Chúng ta cần xây dựng và duy trì các trao đổi gần gũi và rõ ràng với các nhà đầu tư, chính quyền địa phương, với việc chú ý tới lợi ích của vùng đất và người dân ở đây.
Các trao đổi này đúng ra cần được bắt đầu từ rất lâu trước khi tiến hành bất cứ công trình nào và với tinh thần tích cực để tìm kiếm các phương án thay đổi mà bảo tồn được cảnh quan và đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Cá nhân tôi nghĩ các trao đổi này là rất cần và tôi tin rằng điều đó sẽ giúp tìm được ra giải pháp dung hòa cả hai giữa bảo tồn và phát triển kinh tế.
Quay trở lại Mã Pì Lèng, tôi và những chuyên gia đồng nghiệp Việt Nam, chưa bao giờ được tham vấn về dự án này.