Đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh
PTĐT - Di sản vĩ đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cho mọi thế hệ người Việt Nam muôn đời sau - như nhận định của Đảng - là Thời đại Hồ Chí Minh.
PTĐT - Di sản vĩ đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cho mọi thế hệ người Việt Nam muôn đời sau - như nhận định của Đảng - là Thời đại Hồ Chí Minh. Đó là thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử vẻ vang hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Một trong những tổng kết lớn của Người, thể hiện tầm tư tưởng chiến lược của cách mạng Việt Nam, được minh chứng bởi thực tiễn lịch sử, trở thành chân lý và quy luật của phát triển, kết tinh giá trị bền vững làm nên sức mạnh Việt Nam là “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết” để “Thành công, Thành công, Đại thành công”. Tổng kết lý luận - thực tiễn cô đọng, hàm xúc trong 14 chữ đã trở thành danh ngôn điển hình nhất trong thời đại Hồ Chí Minh. Nó đủ sức vượt qua mọi thử thách của thời gian, là cẩm nang, kim chỉ nam hành động đối với toàn Đảng, toàn dân ta, đối với đồng bào các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc là cội nguồn sâu xa nhất làm nên sức mạnh Việt Nam, là động lực tổng hợp mãnh liệt nhất để xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới theo tâm nguyện Hồ Chí Minh.
Chăm lo gây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những thực hành bền bỉ, xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp của Người. Đoàn kết, đại đoàn kết không những là tư tưởng chính trị, phương pháp cách mạng của Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Mặt trận trong mọi thời kỳ lịch sử mà còn thấm nhuần trong đạo đức, phong cách của Người. Là một con người hành động, Người chú trọng thực hành, nêu tấm gương mẫu mực tự thực hành đoàn kết trong việc làm, trong lối sống và ứng xử.Là lãnh tụ của Đảng, của Dân, suốt đời gắn bó máu thịt với nhân dân, thấu hiểu cuộc sống, tâm trạng, nguyện vọng của dân, Người nỗ lực tuyên truyền, giác ngộ dân chúng, vận động thuyết phục dân làm cách mạng, ủng hộ Việt Minh, đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật, chớp lấy thời cơ, làm cuộc tổng khởi nghĩa giành lấy chính quyền trong cả nước, cứu lấy giống nòi ra khỏi cảnh nước sôi lửa nóng. Đó là những lời kêu gọi thống thiết của Người gửi toàn quốc đồng bào trong giờ phút trọng đại bên thềm cách mạng Tháng Tám.
Người nêu cao chữ “Đồng” để thực hành đoàn kết, đại đoàn kết: Đồng tâm, đồng chí, đồng lòng để đồng hành. Việc nước là việc chung, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, giàu nghèo, sang hèn, hễ là người Việt Nam, có lòng yêu nước, mong cho nước nhà độc lập tự do, Người đều thức tỉnh, quy tụ họ thành lực lượng dưới lá cờ đỏ sao vàng để thực hành cứu quốc.Người công phu giáo dục rèn luyện cán bộ đảng viên, làm cho đội ngũ của Đảng thực sự là những con người ưu tú, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, vì lợi quyền của dân chúng, suốt đời thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đặt việc nước việc dân lên trên hết, trước hết. Muốn vậy, phải nêu cao trách nhiệm trước dân, tận tụy hy sinh, đánh bại chủ nghĩa cá nhân - “giặc nội xâm” nguy hiểm nhất thường ẩn nấp trong mỗi con người. Đã làm cách mạng vì Tổ quốc và nhân dân thì phải có dũng khí, kiên định lý tưởng, không màng danh, hám lợi, không ham địa vị chức quyền, chỉ có một điều ham “ham học, ham làm, ham tiến bộ”, thực sự là tấm gương cho quần chúng tin tưởng, noi theo.Bởi thế, để thực hành đoàn kết, đại đoàn kết, trước hết phải nêu cao đoàn kết trong Đảng, phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, nhất là khi Đảng đã cầm quyền để thúc đẩy đoàn kết toàn dân.Xuất phát từ các nhiệm vụ chính trị, dựa trên tự phê bình và phê bình để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, sửa chữa sai lầm, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Để dân tin tưởng, ủng hộ Đảng, giúp đỡ cách mạng, cán bộ đảng viên phải ra sức và thường xuyên nêu gương, “một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn, tuyên truyền”. Để tạo nên đồng tâm nhất trí, theo Hồ Chí Minh phải nêu cao quyết tâm và giữ vững tín tâm trong lòng dân. Bằng việc làm, bằng thái độ ứng xử trong quan hệ với dân, cán bộ đảng viên phải tỏ rõ sự chân thành, trung thực, khiêm tốn, tận tụy và hy sinh. Phải gần dân, tin dân, kính trọng, lễ phép với dân, học dân, hỏi dân, hiểu dân để vì dân.Những chỉ dẫn đó của Người bao quát toàn diện những nội dung và yêu cầu về sự tu dưỡng, rèn luyện suốt đời đối với mỗi người cách mạng, mỗi cán bộ đảng viên để thực hành lý tưởng cao quý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.Nổi bật trong những chỉ dẫn của Người là vấn đề đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, toàn tâm toàn ý vì Nước vì Dân. Để có được phẩm chất đạo đức trong sáng đó, mỗi cán bộ đảng viên của Đảng Cộng sản lãnh đạo và cầm quyền, như đã nói, phải có dũng khí và bản lĩnh đánh bại chủ nghĩa cá nhân, “giặc nội xâm”, kẻ thù vô hình nguy hiểm nhất, ẩn nấp ngay trong lòng mình. Cuộc chiến đấu đó theo đuổi suốt đời ở mỗi người và thường xuyên diễn ra trong đời sống của Đảng, thấm nhuần trong toàn bộ nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng - một Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là một Đảng cách mạng chân chính, “Đảng là đạo đức, là văn minh”. Chiến đấu chống chủ nghĩa cá nhân sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng, bởi chiến đấu chống lại chính mình, rũ bỏ khỏi mình những sự tầm thường, xấu xa, hư hỏng trước những cám dỗ của tính tham, lòng tham, những dục vọng, tham vọng bất chính vô minh, từ ý nghĩ đến việc làm và lối sống xa lạ với nhân dân và lý tưởng phục vụ nhân dân. Đạo đức cách mạng là điều kiện tối cần thiết, có thể nói là quyết định để đoàn kết toàn dân, để dân tin tưởng, noi theo và nhờ đó, việc thực hành đại đoàn kết toàn dân tộc tạo ra sức mạnh của phong trào cách mạng, sức mạnh vô địch bảo vệ cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, phục vụ nhân dân để mỗi cán bộ đảng viên thực sự là đầy tớ trung thành và công bộc tận tụy của dân.Cùng với đạo đức, theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, muốn đoàn kết với nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế, còn phải có hiểu biết khoa học, có tri thức, học vấn để nhận thức đúng vai trò to lớn, quyết định của dân trong mọi hoạt động sáng tạo lịch sử, từ đó tin tưởng dân, dựa vào dân, có phương pháp và phong cách dân vận đúng và khéo, phát huy mọi khả năng, sáng kiến, tài trí của dân trong mọi phong trào sản xuất, chiến dấu và thi đua ái quốc.Đoàn kết toàn dân còn là vấn đề quan điểm, phương hướng chính trị, là điều cốt yếu của đường lối cách mạng do Đảng lãnh đạo. Tựu trung lại, đó là sức mạnh tổng hợp của văn hóa, trong đó cốt lõi là đạo đức.Suy đến cùng, có thuyết phục và đoàn kết được quần chúng nhân dân đông đảo hay không thì trên cơ sở có phương hướng, đường lối chính trị đúng đắn, sáng suốt, khoa học, phải có tấm lòng chân thành, thành thật, tôn trọng và tin cậy dân chúng, với tinh thần khoan dung độ lượng, vị tha nhân ái để quy tụ lòng dân, sức dân. Hồ Chí Minh nói, có thiên thời địa lợi chưa đủ, phải có nhân hòa nữa, mà nhân hòa là gốc. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong hòa bình xây dựng, trong đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, đoàn kết, đại đoàn kết để có sức mạnh, để phát triển và thành công trong mọi lĩnh vực luôn luôn là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, có ý nghĩa lâu dài và bất cứ lúc nào, ở đâu cũng có tính thời sự.Thấu hiểu điều đó, Hồ Chí Minh suốt đời dành tâm sức trí lực cho việc gây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết, cả trong nước lẫn quốc tế. Vào những năm cuối đời, khi viết và sửa chữa Di chúc, Người đặc biệt nhấn mạnh đoàn kết và thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Đó là truyền thống quý báu của Đảng, của dân tộc phải luôn được phát huy. Người còn đau đáu nỗi niềm về đoàn kết quốc tế. Trước tình trạng xảy ra những bất hòa trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trong quan hệ giữa các Đảng anh em, Người tỏ rõ nỗi đau lòng, dằn vặt, lo âu. Người căn dặn Đảng ta phải làm hết sức mình để củng cố tình đoàn kết quốc tế và tin tưởng rằng, các Đảng anh em rồi nhất định sẽ phải đoàn kết lại, trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, có lý, có tình.Với đặc thù của Việt Nam - một quốc gia đa dân tộc, Người rất mực quan tâm tới sự đoàn kết, bình đẳng, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.Từ những ngày đầu gây dựng chính thể cộng hòa dân chủ, Người đã có thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp ở Plây Cu, tháng 4/1946. Người nêu rõ, đồng bào các dân tộc ở nước ta đều cùng cội nguồn, đều là con Rồng cháu Tiên của tổ tiên ta, đều cùng chung giang sơn Tổ quốc, Chính phủ, cùng chung số phận, cùng chia sẻ ngọt bùi. Dù cho sông cạn đá mòn nhưng tình đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau của chúng ta không bao giờ thay đổi.Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống miền rẻo cao, đã có công lao to lớn vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, là nơi gây dựng cái nôi của cách mạng, là phên dậu của Tổ quốc. Đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số đoàn kết một lòng để mưu cầu hạnh phúc lâu dài, muôn đời cho con cháu mai sau. Phải đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, cùng phát triển, cùng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc theo đường lối của Đảng. Tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc đang và sẽ mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì đổi mới, hội nhập và phát triển, vì mục tiêu cao quý dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
GS.TS Hoàng Chí Bảo
Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương