Đại đoàn kết trong mùa dịch

ĐBP - Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay đã khác với mọi năm!Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận trong cộng đồng dân cư và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngày hội sẽ mang lại những giá trị tinh thần, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương.

Thường lệ trước đây, Ngày hội được tổ chức long trọng, rộn ràng với 2 phần: phần lễ (văn nghệ chào mừng, ôn lại ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, báo cáo kết quả hoạt động công tác mặt trận, khen thưởng gia đình, cá nhân tiêu biểu...) và phần hội (thể dục thể thao, trò chơi dân gian, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, “bữa cơm đoàn kết”...).

Năm nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động đến mọi lĩnh vực. Đời sống xã hội bị xáo trộn, hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng, nhất là với người dân nghèo; nhiều người mất việc làm, thu nhập... Hiện nay, dịch bệnh ngày càng khó lường khi có những biến chủng mới với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn.

Dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh mặc dù được kiểm soát song vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp nên Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2021 cũng có sự thay đổi theo tinh thần “linh hoạt, thích ứng”. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có hướng dẫn các địa phương căn cứ tình hình thực tế địa bàn để tổ chức phần lễ nhưng số lượng người tham gia phải phù hợp và đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế và của tỉnh. Không tổ chức tất cả các hoạt động của phần hội và “Bữa cơm đoàn kết”.

Ngày hội đại đoàn kết không được tổ chức đầy đủ là một thiệt thòi với người dân, nhất là các hoạt động sôi nổi của phần hội. Nhưng không vì thế mà ngày hội vơi đi ý nghĩa.

Giá trị, ý nghĩa đoàn kết toàn dân tộc đã được hình thành, duy trì và phát triển suốt hơn 90 năm qua. Bây giờ không khí ngày hội có thể không tưng bừng nhưng tinh thần đại đoàn kết dân tộc vẫn vẹn nguyên. Thậm chí, sự đoàn kết trong mỗi gia đình, cộng đồng dân cư và toàn xã hội còn lớn mạnh thêm trước đại dịch Covid-19.

Từ khi đại dịch bùng phát, trên tuyến đầu đã biết bao cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế, quân đội không quản khó khăn, nguy hiểm đi vào tâm dịch để cứu chữa cho người mắc Covid-19. Ở cơ sở, lực lượng công an cùng các cơ quan, đơn vị, đoàn thể tăng cường chốt chặn kiểm soát vùng dịch; truy vết, khoanh vùng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch. Cộng đồng xã hội cùng chung tay góp sức với những “gian hàng 0 đồng”, “bữa ăn miễn phí”, “chuyến xe thiện nguyện”... được các tổ chức, cá nhân vận động, quyên góp đã không ngừng lan tỏa khắp mọi miền. Mỗi người đều nỗ lực đóng góp công sức, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Mỗi người dân Việt Nam đang là một chiến sĩ; mỗi phường xã, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19”.

Trong trận chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 đầy cam go, thách thức cũng là lúc phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận Tổ quốc các cấp - là tổ chức đại diện của Nhân dân - càng phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, đoàn kết thống nhất hơn trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Thế nên, giảm một phần không khí lễ hội để phát huy mạnh mẽ hơn tinh thần đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đồng thuận xã hội để chiến thắng đại dịch Covid-19 cũng là điều xứng đáng.

Duy Bình

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/192133/dai-doan-ket-trong-mua-dich