Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự - Hà Bắc: Những người 'gác bút nghiên lên đường đánh giặc'

Các thành viên Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự - Hà Bắc là những người thầy, tấm gương sáng tiêu biểu cho truyền thống yêu nước hiếu học của dân tộc.

Niềm vui của các nhà giáo - chiến sĩ trong ngày gặp mặt (năm 2022).

Niềm vui của các nhà giáo - chiến sĩ trong ngày gặp mặt (năm 2022).

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có dịp trò chuyện với Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Nguyễn Văn Thêm. Nghe anh nhấn nhá đọc mấy câu thơ: Các anh đi mai mốt các anh về/ Các anh đi, miền Nam tha thiết gọi/ Các anh đi, khăn gói sẵn lên đường/ Các anh đi, trong trăm mến ngàn thương… (Tác giả: Ngô Trí Nhạ, cố Trưởng ty Giáo dục Hà Bắc), chúng tôi thấm thía hơn niềm tự hào của thế hệ nhà giáo đã “gác bút nghiên lên đường đánh giặc”…

Từ bục giảng ra thao trường

Lần theo lời kể của thầy Nguyễn Văn Thêm, chúng tôi may mắn tìm được Trung tá, nhà giáo Ngô Văn Sích, Trưởng ban liên lạc Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự - Hà Bắc.

“Năm 1991, tôi về hưu và sinh sống tại Hà Nội. Khoảng năm 2000, một lần về thăm quê, tôi gặp lại thầy Ngô Trí Nhạ. Trong lúc ôn lại những ký ức một thời trai trẻ, biết được niềm mong mỏi và ước muốn của thầy là tìm gặp lại những người đồng đội cũ, nên khi trở về, tôi cùng một số đồng chí còn giữ liên lạc đã hẹn nhau và thành lập lại ban liên lạc những người thầy cầm súng” - ông Sích bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.

Ký ức của hơn 50 năm về trước ùa về. Xoa vầng trán cao và mái tóc bạc thầy Sích chậm rãi kể: Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và pháo biển.

“Lúc ấy, tôi mới ngoài hai mươi tuổi, đang là giáo viên cấp 2 dạy môn Toán của trường Hiên Vân - Từ Sơn (Hà Bắc) nay là TP Từ Sơn (Bắc Ninh). Theo tiếng gọi của Tổ quốc và hưởng ứng sáng kiến của thầy Nhạ, Đại đội gồm các giáo viên đang giảng dạy và công tác tại các trường cấp 1, cấp 2 cùng với giáo sinh đang học tại các trường Sư phạm 7+3 và 10+2 của tỉnh Hà Bắc được thành lập để lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam” - ông Sích cho hay.

Ngay sau khi thầy Nhạ đưa ra sáng kiến, ngày 20/7/1967, một Đại đội được thành lập và bàn giao quân tại xã Cao Thượng, huyện Tân Yên (Hà Bắc), nay là tỉnh Bắc Giang. Đại đội lấy tên “Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự - Hà Bắc”. Đây là đại đội đầu tiên của ngành Giáo dục được thành lập.

“Đến tận bây giờ, những vần thơ của thầy Nhạ vẫn còn vang vọng trong mỗi chúng tôi: Các anh đi mai mốt các anh về/ Các anh đi, miền Nam tha thiết gọi/ Các anh đi, khăn gói sẵn lên đường/ Các anh đi, trong trăm mến ngàn thương/ Các anh đi, quê hương chờ tin chiến thắng...”. Những vần thơ mộc mạc ấy đã hiệu triệu 155 thầy giáo, giáo sinh tạm gác bút nghiên để lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngay sau khi bàn giao quân, 155 thầy giáo, giáo sinh của tỉnh Hà Bắc đã được biên chế thành 12 tiểu đội thuộc Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự và bắt đầu đưa vào huấn luyện.

“Bởi trước đó đang là những người thầy, hoặc sinh viên nên khi bước vào thao trường, phải làm quen với chế độ huấn luyện nghiêm khắc, quả là khá hà khắc đối với chúng tôi.

Tuy nhiên, với tinh thần “Các anh đi quân thù thất bại/ Mai mốt các anh về trở lại mái trường xưa” mọi vất vả đều như chẳng thấm gì với chúng tôi trước tiếng gọi của tiền tuyến”, ông Sích bồi hồi nhớ lại.

Cũng theo lời ông Sích, sau lễ bàn giao quân, Đại đội của ông đã hành quân 2 ngày đêm để đến xã Tân Lập, huyện Gia Lương (nay là các huyện: Lương Tài, Gia Bình, Bắc Ninh) bước vào kỳ huấn luyện.

“Tại đây, chúng tôi được học tập và huấn luyện kỹ thuật sử dụng binh khí, đào hầm, ngụy trang, sử dụng thuốc nổ, kỹ chiến thuật cá nhân, tiểu đội, trung đội, đại đội đánh địch ở đồng bằng…

Kết thúc giai đoạn huấn luyện ở đồng bằng, đơn vị hành quân 3 ngày đêm lên vùng núi Nghĩa Phương (huyện Lục Nam) để tiếp tục huấn luyện dã chiến, huấn luyện đánh địch ở vùng núi. Hành quân huấn luyện đường đèo, cuối cùng là dã ngoại bằng cách vượt đèo Chê, dốc Đũa, Bồ Đề…

“Từ rừng núi huyện Lục Nam và huyện Sơn Động (Bắc Giang), chúng tôi qua Đông Triều (Quảng Ninh) về Hải Dương. Sau hơn 3 tháng huấn luyện, chúng tôi đã được trang bị đầy đủ tố chất của một anh lính Cụ Hồ, sẵn sàng bước vào trận chiến, chi viện cho miền Nam ruột thịt…”, ông Sích nói.

Ngay khi kết thúc khóa huấn luyện, những người lính mang tinh thần “mình đồng da sắt” ấy được nghỉ 10 ngày để về thăm gia đình, chia tay bạn bè, người thân trước lúc đi B.

 Nhà giáo Ngô Văn Sích, Trưởng ban liên lạc Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự - Hà Bắc ôn lại những kỷ niệm cùng đồng đội ở chiến trường.

Nhà giáo Ngô Văn Sích, Trưởng ban liên lạc Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự - Hà Bắc ôn lại những kỷ niệm cùng đồng đội ở chiến trường.

Tổ quốc vẫy gọi

Đúng ngày đã định (15/12/1967), 155 thầy giáo, giáo sinh ngày nào đã tập hợp đầy đủ để hành quân vào chiến trường. “Tháng 3/1968, chúng tôi có mặt tại chiến trường Trị Thiên - Huế. Do yêu cầu nhiệm vụ, nhiều người được phân công sang các đơn vị khác để làm các công việc như: Tham mưu, hậu cần, thông tin, trinh sát, vệ binh…

“Tôi và đồng chí Vũ Đình Mai, trước đó là giáo sinh của Trường Sư phạm 7+3 Hà Bắc được bổ sung vào Tiểu đoàn 1 Đặc công thành Huế. Tại đây, chúng tôi tham gia các trận đánh Đồng Tòa, Tân Ba, sân bay Phú Bài. Trong các trận đánh đó, trận nào đồng chí Mai cũng được tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Chỉ đến trận Đồi Đá, Mai đã dừng lại mãi mãi bởi vũ lực địch quá mạnh. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, anh vẫn động viên anh em đồng đội quyết tâm chiến thắng để hoàn thành nhiệm vụ…”, ông Sích rơm rớm nước mắt, nghẹn giọng khi kể về người thầy, người đồng đội cũ.

Ký ức như thước phim chiếu chậm trước mắt người lính già, ông ngậm ngùi nói tiếp: “Đồng chí Nguyễn Văn Tưởng, trong một trận đánh khi bị thương và hết đạn đã bị địch bắt. Chúng giở đòn bạo lực tra khảo anh nhưng không khai thác được gì. Sáng hôm sau, chúng đưa anh lên vùng giáp ranh tẩm xăng thiêu sống. Anh em trinh sát phát hiện, tập kích để cứu nhưng không kịp. Lúc ấy toàn thân thể anh bốc cháy như bó đuốc.

Mưu trí, sáng tạo như đồng chí Trần Anh Quyết, bị địch bao vây quyết bắt sống, đưa lên trực thăng chở về căn cứ quân sự của chúng. Anh cùng hai chiến sĩ khác dùng ám hiệu với nhau, dũng cảm nhảy xuống sông để trốn thoát.

Đồng chí Thạch Công Luận thì nổi tiếng bởi sự bình tĩnh, gan dạ. Khi đánh vào cứ điểm Đồng Tòa, anh Luận bị thương rồi lạc đơn vị. Anh đã tìm cách bò vào một ngôi làng và được một người mẹ đưa giấu xuống hầm bí mật.

Sáng hôm sau, Mỹ đi càn, lùng sục khắp nơi, chúng đóng quân cả tuần để hòng bắt được anh nhưng bất lực. Hoàng Minh Tuân cũng vậy, chốt trên đồi và dùng B40 để bắn cháy trực thăng của địch.

Chiến công thì nhiều lắm, như những chiến sĩ tử tù ở Côn Đảo, Phú Quốc chẳng hạn. Hơn 60 đồng chí của Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự ngày nào đã nằm xuống, hóa thân thành cỏ cây, hoa lá” - ông Sích liệt kê những tấm gương đồng đội.

Còn với ông Sích, sau những trận đánh nảy lửa, năm 1971, ông được cử về học sĩ quan đặc công ở Xuân Mai (Hà Nội). Sau một năm rèn giũa thêm, ông được bổ sung về Tiểu đoàn 27, Bộ Tư lệnh Đặc công để tiếp tục chi viện cho chiến trường Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh và chiến trường Tây Nam.

Năm 1978 ông Sích trở về học trường quân sự ở Đà Lạt. Sau 3 năm theo học, ông được phân công về làm giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 đóng tại Sơn Tây - Hà Nội. Xuất sắc hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, năm 1991 ông về hưu với quân hàm Trung tá.

Nói về ý tưởng và việc thành lập Ban liên lạc Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự, ông Sích cho biết, để nguôi ngoai nỗi nhớ về các thầy, các đồng đội trong Đại đội ngày ấy, nhà văn Nguyễn Quang Hà - Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương khi đó - anh Kiều Đình Đán, anh Đăng Độ, Trần Độ, Giáp Văn Chì đã bỏ thời gian, công sức tìm kiếm và chắp nối thông tin.

Trong đó, anh Trần Độ và anh Giáp Văn Chì đã tìm gặp lại thầy Ngô Trí Nhạ. Từ đây, được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Sở GD&ĐT của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và các ban, ngành, Ban liên lạc đã được thành lập và lấy ngày 17/7 hàng năm làm ngày gặp mặt.

“Lần đầu gặp mặt sau chiến tranh, tại hội trường nhà máy phân đạm Hà Bắc, chúng tôi có 34 đồng chí. Và cũng ở nơi đây, chúng tôi được gặp lại Trưởng ty Giáo dục Hà Bắc, người có sáng kiến thành lập Đại đội của chúng tôi, cũng như tác giả bài thơ “Các anh đi, mai mốt các anh về” hào hùng suốt một thời”.

 Ông Nguyễn Văn Thêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang (bìa trái) và đại diện Ban liên lạc trao quà cho người thân của một số chiến sĩ Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự - Hà Bắc.

Ông Nguyễn Văn Thêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang (bìa trái) và đại diện Ban liên lạc trao quà cho người thân của một số chiến sĩ Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự - Hà Bắc.

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

Từ ý tưởng đã khởi xướng, ông Sích cùng một số đồng chí, đồng đội còn giữ liên lạc với nhau đã bàn bạc thống nhất cơ chế hoạt động của Ban liên lạc và ông được tín nhiệm cử làm trưởng ban phụ trách.

“Ban đầu, chỉ có dăm người nhưng chúng tôi vẫn quyết định thành lập. Cứ liên lạc, kết nối được ai thì bổ sung vào. Khó khăn nhất trong duy trì hoạt động là liên kết thường xuyên được với những người ở xa, người bị thương nặng và đặc biệt là eo hẹp về nguồn kinh phí”, ông Sích chia sẻ.

Tuy nhiên, với tinh thần đã được tôi luyện qua khắp các chiến trường khốc liệt, cộng với sáng kiến của những nhà giáo tâm huyết một thời, mọi khó khăn trước mắt các ông coi như hạt cát.

“Sau khi đã liên lạc được với nhau, chúng tôi phát động mỗi người viết ra một câu chuyện của đời mình để tập hợp lại, biên tập thành sách và từ đó vận động nguồn kinh phí ủng hộ cho Ban liên lạc duy trì hoạt động. Phần lớn kinh phí đó chúng tôi dùng vào việc thăm hỏi, động viên và tổ chức sinh hoạt giao lưu cùng nhau”.

“Đến hẹn lại lên”, ngày 17/7 năm nào cũng vậy, ông Sích lại tất bật cùng các đồng đội trong Ban liên lạc Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự năm xưa xây dựng kế hoạch, chuẩn bị chương trình và những phần quà để viếng thăm, động viên những đồng đội cũ.

“Việc tổ chức gặp mặt thường niên đối với chúng tôi không phải chỉ là gặp mặt thông thường mà là những cuộc gặp mặt giàu ý nghĩa, có tính mục đích rõ ràng để giáo dục thế hệ trẻ, bồi dưỡng nhận thức cho lớp con cháu hiểu được giá trị của cuộc sống hòa bình.

Khi thế hệ trẻ hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh, các cháu sẽ hiểu được lý tưởng đẹp đẽ của Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự, hiểu được tinh thần hy sinh của những người thầy đã phải gác bút lại, lao vào cuộc chiến sống còn để giành lấy tương lai cho nhân dân, cho Tổ quốc.

Chứng kiến ân tình những người đồng đội dành cho nhau, những thế hệ tiếp nối sẽ hiểu sâu sắc hơn tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ và lối sống giản dị nhưng trọn tình, trọng nghĩa với đồng chí của ông, cha mình.

Nay, các thầy, các đồng chí cũng đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau khắc phục mọi khó khăn, giữ vững bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ, người thầy giáo, chiến sĩ trên mặt trận quê hương”, ông Sích tự hào bộc bạch.

Chia sẻ với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Nguyễn Văn Thêm bày tỏ: Các thành viên Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự - Hà Bắc luôn là những người thầy, tấm gương sáng tiêu biểu cho truyền thống yêu nước hiếu học của dân tộc.

“Những thầy giáo - chiến sĩ của Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự - Hà Bắc năm xưa đã không tiếc máu xương để chiến đấu và giành chiến thắng, góp phần đem lại cuộc sống thanh bình hôm nay. Các thầy là những tấm gương sáng để truyền lửa cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên, thầy cô công tác trong ngành Giáo dục hôm nay”. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Nguyễn Văn Thêm

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dai-doi-giao-duc-ngo-gia-tu-ha-bac-nhung-nguoi-gac-but-nghien-len-duong-danh-giac-post692139.html