Đại dự án cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ 'vỡ trận' vì khan hiếm đất
Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, nhu cầu vật liệu đất đắp (sau khi đã điều phối vật liệu dọc tuyến) cho toàn bộ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam khoảng 52 triệu m3.
Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT thông tin, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 bao gồm 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài khoảng 653km.
Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, nhu cầu vật liệu đất đắp (sau khi đã điều phối vật liệu dọc tuyến) cho toàn bộ 11 dự án khoảng 52 triệu m3.
Hiện đang có 6/11 dự án triển khai. Trong đó, 3 dự án là Mai Sơn - QL45, Mỹ Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết- Dầu Giây đã xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu. Nếu không nhanh chóng cấp phép lại cho các mỏ đã hết hạn thì nguy cơ thiếu vật liệu là điều hiện hữu.
Theo số liệu khảo sát mỏ vật liệu của các đơn vị Tư vấn thiết kế, tổng số lượng mỏ cung cấp cho 11 dự án khoảng 143 mỏ.
Trong đó bao gồm 81 mỏ đang khai thác (tổng trữ lượng khoảng 63,2 triệu m3), 12 mỏ đã hết thời hạn khai thác đang chờ gia hạn (tổng trữ lượng 28,8 triệu m3) và 82 mỏ trong quy hoạch nhưng chưa cấp phép khai thác (tổng trữ lượng khoảng 101,3 triệu m3), đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu vật liệu đất đắp cho toàn bộ 11 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban QLDA 7 thông tin, nhu cầu toàn dự án cần 8 triệu m3 vật liệu. Trong khi đó, thực trạng hiện nay các mỏ đã được cấp phép khai thác chỉ được khoảng hơn 1 triệu m3. Như vậy nguồn cung cấp đang thiếu nghiêm trọng.
Địa phương đang tổ chức đấu giá và khả năng sắp tới đây các mỏ đáp ứng được nhu cầu của dự án khoảng hơn 4 triệu m3 nếu tính cả 3 nguồn: các mỏ đã có đủ giấy phép khai thác, các mỏ đã chuẩn bị hoàn thiện giấy phép khai thác và các mỏ mới đấu giá.
“Theo tính toán thì thời gian hoàn thiện cấp phép một mỏ khoảng 6 – 8 tháng. Trong khi đó tiến độ chúng tôi vạch ra từ nay đến cuối năm 2021 phải hoàn thiện toàn bộ tuyến đường với tổng nhu cầu khoảng 8 triệu m3 vật liệu. Vì thế, khả năng bị chậm tiến độ rất lớn nếu không có giải pháp căn cơ”- ông Khoát lo ngại.
Tương tự, ông Đỗ Quang Hưng – Đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay, theo tính toán, dự án Cam Lộ - La Sơn cần 1,8 triệu m3 vật liệu, trong đó các mỏ đã có giấy phép đang khai thác cung cấp hơn 400 nghìn m3. Như vậy, dự án thiếu khoảng 1,3 triệu m3.
Đáng lo ngại, ông Hưng cho hay, vướng mắc nhất với 1,3 triệu m3 này hiện nay là thủ tục cấp phép khai thác mỏ rất chặt chẽ. Ban đã phối hợp với địa phương khai thác hai mỏ nhưng việc cấp phép vẫn chậm nên ảnh hưởng công tác triển khai, thi công. Dự án đang sử dụng đất nhưng khi hết thì phải chờ khoảng 6 tháng sau, tiến độ sẽ chậm.
Còn tại dự án Nha Trang - Cam Lâm đang triển khai, tư vấn đang tính toán nhu cầu cần 5,5 triệu m3, các mỏ đang khai thác cấp được 2,49 m3 và thiếu khoảng 3 triệu m3.
Tại dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Phan Thiết – Vĩnh Hảo, đại diện đơn vị thi công cũng cho hay, vẫn còn thiếu 1,8 triệu m3 đất đắp nữa nhưng chưa biết tìm ở đâu.
“Nếu tháng 6 này mà chúng tôi không bù đắp được 80% thì nguy cơ vỡ trận rất cao, không còn cách nào tháo gỡ. Chúng tôi đã báo cáo Ban QLDA Thăng Long và Bộ GTVT, đó là khó khăn quá lớn của nhà thầu.
Thiệt hại cho chúng tôi rất lớn. Hàng trăm đầu thiết bị, hàng trăm con người, hết tháng 3 này chúng tôi đã hết đất điều phối thì chỉ nằm chờ và chưa biết chờ tới khi nào có thể thi công tiếp”- đại diện nhà thầu này lo ngại.