Đại dương thứ 5 của thế giới - Nam Đại dương chính thức được công nhận
National Geographic vào ngày 8.6 thông báo rằng họ chính thức công nhận Nam Đại Dương là đại dương thứ năm của Trái Đất. Thông báo được đưa ra có chủ đích nhằm trùng với Ngày Đại dương Thế giới.
Khu vực Nam Cực băng giá là một vùng băng trắng và nước xanh, ảnh vào tháng 3 năm 2017.
Nam Đại Dương là ngôi nhà quan trọng của các hệ sinh thái biển và là tâm điểm của Nam bán cầu. Nó trực tiếp bao quanh Nam Cực, kéo dài từ đường bờ biển của lục địa đến 60 độ vĩ nam, không bao gồm Eo biển Drake và Biển Scotia. Biên giới của đại dương này tiếp xúc với ba trong số bốn đại dương khác tồn tại trên Trái đất - Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Nhưng điều làm cho Nam Đại Dương khác biệt với những vùng khác là thay vì được xác định bởi vùng đất bao quanh nó, chí có đại dương này là được xác định duy nhất bởi dòng chảy nằm bên trong.
Theo bài tweet của National Geographic: Ranh giới sinh thái của Nam Đại Dương nằm theo một đường hình sin quanh lục địa Nam Cực được gọi là Hội tụ Nam Cực hay còn gọi là Frông vùng cực.
Ranh giới vĩ độ 60 độ Nam của Nam Đại Dương gần giống với ranh giới của Dòng hải lưu Nam Cực (ACC), theo National Geographic, mang lại dòng nước lạnh hơn và ít mặn hơn so với những gì được tìm thấy ở phía bắc của khu vực. Dòng chảy ước tính khoảng 34 triệu năm tuổi này là yếu tố làm cho hệ sinh thái của Nam Đại Dương trở nên khác biệt, cung cấp môi trường sống độc đáo cho hàng nghìn loài sinh vật, National Geographic cho biết trên tạp chí của mình.
Đại dương này cũng đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi khí hậu của Trái đất. Nó là dòng chảy toàn cầu duy nhất của Trái đất và sử dụng nước từ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương để đưa nhiệt đi xung quanh hành tinh.
Tuy nhiên, National Geographic nói rằng nước di chuyển qua Dòng hải lưu Nam Cực đang ấm lên và tổ chức này hy vọng rằng sự công nhận mới sẽ giúp ích cho các nỗ lực bảo tồn đại dương. Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới cho biết trên trang web của mình rằng nhiệt độ của dòng nước dao động từ 10 độ C đến -2 độ C, và nếu Nam Đại Dương ấm lên chỉ 2 độ, nó có thể làm giảm tới 30% độ bao phủ của băng ở các khu vực quan trọng. Chim cánh cụt, các loài chim và các loài động vật khác đều dựa vào băng để sinh sản.
Theo mô tả trong National Geographic của nhà khoa học hàng hải Seth Sykora-Bodie của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, Nam Đại Dương đặc biệt ở chỗ "các sông băng xanh hơn, không khí lạnh hơn, những ngọn núi hùng vĩ hơn và cảnh quan quyến rũ hơn bất cứ nơi nào bạn đã từng đến".
Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cũng đã công nhận tên gọi của Nam Đại Dương vào đầu năm nay và Ủy ban Địa danh Mỹ đã công nhận đại dương này từ năm 1999.
Tuy nhiên, National Geographic cho biết trong thông báo vào ngày 8.6 rằng các nhà khoa học trên khắp thế giới đã cố gắng để đạt được quyết định chính thức trong nhiều năm. Năm 2000, các nước tham gia Tổ chức Thủy văn Quốc tế (IHO) không thể đi đến thống nhất về các ranh giới cho đại dương này. Trong khi các ranh giới vẫn còn đáng để tranh luận, nhiều thành viên của IHO đã đi đến sự đồng thuận chung rằng các vùng nước xung quanh Nam Cực là khác nhau. Nhiều thành viên của IHO, theo National Geographic, đã gọi Nam Đại Dương là Antartic Ocean (Nam Cực Đại Dương) hay Austral Ocean.
Là một phần trong kế hoạch công nhận tên gọi mới, National Geographic đang cập nhật các bản đồ và bản đồ atlat, thứ mà tổ chức này đã bắt đầu xuất bản vào năm 1915. Tổ chức này nói rằng đại dương mới sẽ được "xem trọng ngang ngửa với bốn đại dương truyền thống" và nó sẽ được đưa vào sách vở để trẻ em có thể tìm hiểu về các vùng nước trên thế giới.
Việc chính thức công nhận Nam Đại Dương diễn ra vào Ngày Đại dương Thế giới, một ngày được Liên hợp quốc chỉ định để nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của đại dương đối với sự sống trên Trái đất. Các đại dương trên thế giới, bao phủ hơn 70% diện tích hành tinh, sản sinh ít nhất một nửa lượng oxy trên Trái đất, là nơi sinh sống của phần lớn đa dạng sinh học trên Trái đất và theo Liên hợp quốc, là nguồn cung cấp thực phẩm chính và là yếu tố chủ đạo của các nền kinh tế thế giới.