Đại dương tràn ngập khẩu trang, găng tay y tế vì COVID-19
COVID-19 đã giúp môi trường sạch hơn do lượng phát thải carbon giảm mạnh, song nó dường như cũng khiến các đại dương ngập ngụa khẩu trang y tế và găng tay sử dụng một lần.
Các nhà bảo tồn đã cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 có thể gây ra sự gia tăng ô nhiễm đại dương, khi một loạt rác thải nhựa như khẩu trang y tế một lần và găng tay cao su đang trôi nổi trên khắp bãi biển.
Các thợ lặn đã tìm thấy hàng chục đồ vật được mô tả là chất thải y tế, vốn được sử dụng để ứng phó với COVID-19, như găng tay, khẩu trang và chai, lọ dung dịch rửa tay bên dưới biển Địa Trung Hải, trộn lẫn với những chiếc cốc và lon sử dụng một lần.
Joffrey Pettie – một thành viên của tổ chứ Opération Mer Propre (Pháp) cho biết có những chiếc khẩu trang và găng tay được tìm thấy ở rất xa ngoài khơi. Ông lo ngại điều này là dấu hiệu của một loại ô nhiễm mới, sẽ trở nên phổ biến khi hàng triệu người trên thế giới chuyển sang sử dụng đồ nhựa một lần để chống lại COVID-19.
Chỉ riêng ở Pháp, số lượng khẩu trang được đặt mua để ứng phó với dịch bệnh, đã lên tới 2 tỷ chiếc. Một video về khẩu trang và găng tay vướng vào cụm tảo biển ở biển Antes đã được đăng tải trên mạng xã hội đã cho chúng ta thấy rằng, không chỉ nền kinh tế hay xã hội mà cả môi trường cũng đang phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng từ COVID-19.
“Tôi hi vọng những hình ảnh này sẽ khiến mọi người có thể tái sử dụng khẩu trang và găng tay cao su để giảm thiểu ô nhiễm. Lạm dụng các sản phẩm từ nhựa không phải là giải pháp duy nhất bảo vệ chúng ta khỏi COVID-19, hãy tái chế hoặc sử dụng các sản phẩm thay thế khác” – Peltier chia sẻ.
Trong các năm gần đây, các nhà môi trường học đã cảnh báo rằng ô nhiễm nhựa là mối đe dọa lớn đối với đại dương và các sinh vật biển. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc vào năm 2018, đã có tới 13 triệu tấn nhựa đi vào đại dương mỗi năm. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) thì tiết lộ 570.000 tấn nhựa đổ vào Địa Trung Hải hàng năm tương đương với việc 33.800 chai nhựa được vứt xuống biển mỗi phút.
Đầu năm 2020, tổ chức Oceans Asia có trụ sở tại HongKong, đã bắt đầu lên tiếng về những lo ngại tương tự, sau một cuộc khảo sát cho thấy quần đảo Soko, dù không có người sinh sống nhưng đã xuất hiện hàng chục khẩu trang dùng một lần. Cứ 100m bờ biển lại có tới 70 khẩu trang. Không dừng lại ở đó, những bãi biển xung quanh cũng có dấu vết khẩu trang.
Những con số trên hiện có khả năng gia tăng đáng kể khi các quốc gia trên thế giới đối mặt với đại dịch COVID. Khẩu trang y tế chứa các chất dẻo như polypropylen, cực kì khó để phân hủy và tuổi thọ của chúng lên tới 450 năm. Các sinh vật biển như cá heo, rùa biển có thể nhầm lẫn chiếc khẩu trang, găng tay với thức ăn và điều này gây ra hoại tử cho chúng.