Dải Gaza rung chuyển trước không kích, người Palestine chỉ có 15 phút để sơ tán
Chỉ với 15 phút để sơ tán, người Palestine phải bỏ lại nhà cửa để tránh các cuộc không kích từ phía Israel.
Giao tranh giữa Israel và lực lượng thánh chiến Hồi giáo Palestine ở Dải Gaza tiếp tục diễn ra trong ngày 5/8 và 6/8. Đây là đợt bùng phát bạo lực tồi tệ nhất giữa hai bên kể từ cuộc xung đột thảm khốc kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas năm 2021.
Chỉ có 15 phút để sơ tán
Theo Reuters, chiến dịch quân sự của Israel chống lại lực lượng thánh chiến Hồi giáo Palestine ở Dải Gaza bước sang ngày thứ hai (bắt đầu từ 6/8), người dân Palestine chỉ được cảnh báo 15 phút trước khi các cuộc không kích diễn ra.
"Chúng tôi có thể làm gì với 15 phút?" Nadia Shamalakh – người mẹ (68 tuổi) đang chăm sóc 4 đứa khuyết tất ở Dải Gaza thốt lên trong tuyệt vọng. Bà Shamalakh cho biết họ chỉ có thể bỏ lại mọi thứ để kịp sơ tán.
Trong một tuyên bố ngày 6/8, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết nước này tiếp tục tăng cường các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu được cho của nhóm Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ). Tuy nhiên các quan chức IDF lại từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có cảnh báo cho người dân Palestine trước các cuộc tấn công hay không.
Cũng trong này 6/8, nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza cáo buộc Israel gây ra vụ nổ gần trại tị nạn Jabalya khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có 6 trẻ em, nâng tổng số thương vong sau hai ngày giao tranh lên 24 người chết và 204 người bị thương.
Phía Israel bác bỏ thông tin này, khẳng định vụ nổ bắt nguồn từ một rocket của nhóm Jihad gặp sự cố sau khi rời bệ phóng. Không quân Israel cũng tiếp tục tấn công nhiều khu dân cư ở Dải Gaza với lý do đây là những nơi giấu kho vũ khí của các tay súng Palestine.
Jihad được cho đã phóng hơn 400 quả rocket về phía Israel, buộc nước này kích hoạt còi báo động và các hệ thống phòng không. Phần lớn các quả đạn bị đánh chặn, số còn lại rơi xuống lãnh thổ Israel nhưng dường như không gây thiệt hại về người.
Giới chức Ai Cập thông báo đang đối thoại với cả hai bên để hạ nhiệt xung đột. Phái đoàn tình báo Ai Cập đã tới Israel hôm 6/8 và dự kiến đặt chân đến Dải Gaza, các nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết Cairo muốn hai bên ngừng bắn trong một ngày để tổ chức đàm phán.
Dù vậy Jihad mới đây đã bác bỏ đề xuất của Ai Cập về việc tạm thời ngừng bắn với Israel.
Còn lực lượng phòng vệ Israel thông báo chiến dịch tại Dải Gaza có thể kéo dài một tuần. Người phát ngôn IDF nói đàm phán ngừng bắn chưa thể diễn ra.
Nhóm Jihad Hồi giáo Palestine là ai?
Nhóm Jihad Hồi giáo Palestine (Jihad) là một trong hai nhóm chiến binh Palestine chính ở Dải Gaza và có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Hamas. Tuy nhiên, Jihad có hỗ trợ tài chính cũng như sự hậu thuẫn quân sự trực tiếp từ Iran, và trở thành lực lượng chủ chốt tham gia vào những cuộc tấn công bằng tên lửa cùng các cuộc đối đầu khác với Israel.
Hamas, đã giành quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007 từ chính quyền Palestine được quốc tế công nhận, thường bị hạn chế về khả năng hành động vì lực lượng này phải chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động hàng ngày của vùng lãnh thổ nghèo khó này.
Jihad không phải cáng đáng những trách nhiệm như vậy và đã nổi lên như một phe chủ chiến, thậm chí đôi khi làm suy yếu quyền lực của Hamas.
Nhóm này ra đời vào năm 1981 với mục đích thành lập một nhà nước Palestine Hồi giáo ở Bờ Tây, Gaza và những nơi ngày nay là Israel.
Bộ Ngoại giao Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số chính phủ khác liệt Jihad vào danh sách tổ chức khủng bố.
Jihad cũng có chung mục tiêu với Hamas là chống lại sự chiếm đóng của Israel ở Dải Gaza.
Trong những năm gần đây, Jihad đã phát triển một kho vũ khí ngang bằng Hamas, với các tên lửa tầm xa hơn có khả năng tấn công khu vực trung tâm thủ đô Tel Aviv của Israel.
Mặc dù căn cứ chính của Jihad là Gaza, lực lượng này cũng có đội ngũ lãnh đạo ở Beirut (Lebanon) và Damascus (Syria), những nơi vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với các quan chức Iran.
Một trong những mục tiêu của Israel trong chiến dịch quân sự mới ở Dải Gaza chính là loại bỏ các chỉ huy cao cấp Jihad. Có thông tin cho thấy IDF đã tiêu diệt chỉ huy cánh vũ trang Saraya al-Quds của Jihad trong cuộc không kích hôm 5/8.
Đây không phải là lần đầu tiên Israel tìm diệt các thủ lĩnh Jihad ở Gaza. Vị chỉ huy Jihad mà Israel đã tiêu diệt ngày 5/8 được cho là Taiseer al-Jabari. Ông Al-Jabari, 50 tuổi, là thành viên "hội đồng quân sự" của Jihad, cơ quan “đầu não” đưa ra các đường lối hoạt động của lực lượng này ở Gaza.
Cái chết của Al-Jabari xảy ra sau vụ Israel bắt giữ Bassam al-Saadi - một chỉ huy cấp cao khác Jihad ở Bờ Tây vào đầu tuần này.
Zvika Haimovich, cựu lãnh đạo lực lượng phòng vệ Israel cho biết: “Một khi bạn bắn trúng chỉ huy, điều đó sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến toàn bộ tổ chức”. “Điều đó ngay lập tức gây hỗn loạn lớn trong Jihad”, ông nhấn mạnh.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Điều phối viên về nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, ngày 6/8, bà Lynn Hastings cho biết bà hết sức quan ngại về sự leo thang bạo lực nghiêm trọng xung quanh dải Gaza khiến ít nhất 15 người Palestine thiệt mạng và 125 người khác bị thương (theo số liệu của Liên hợp quốc).
Bà Hastings cũng kêu gọi Israel ngay lập tức cho phép LHQ và các đối tác nhân đạo vận chuyển nhiên liệu, lương thực, vật tư y tế và đưa nhân viên nhân đạo vào Gaza.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/8 tuyên bố hoàn toàn ủng hộ quyền tự vệ của Israel và kêu gọi các bên không leo thang thêm căng thẳng.
Còn theo TASS, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moskva cực kỳ quan ngại về bạo lực vũ trang giữa Israel và Palestine, đồng thời kêu gọi các bên khôi phục bền vững thỏa thuận ngừng bắn.