'Đại gia' chiếm cổ phần lớn nhất Vissan là ai?
Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đang là cổ đông lớn nhất của Vissan với tỉ lệ sở hữu là 67,76%.
Theo báo cáo tại ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan (Vissan, UPCoM: VSN) tháng 4/2019, hiện vốn điều lệ của Vissan là 809 tỷ đồng.
Trong đó, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đang là cổ đông lớn nhất của Vissan với tỉ lệ sở hữu là 67,76%, cổ đông lớn nữa là Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế Anco với tỉ lệ sở hữu là 24,94%.
Trong năm 2020, sau khi Satra xây dựng xong danh mục đầu tư sẽ đưa ra đề án tái cơ cấu và trong đó sẽ thoái vốn khỏi các công ty con, trong đó có Công ty Vissan.
Đại diện Vissan chia sẻ: “Về đề án tái cơ cấu sẽ được thực hiện sau năm 2020 khi Satra đã cổ phần hóa xong”. Hiện các đề án này Satra đang trình đơn vị chủ quản là UBND TPHCM phê duyệt.
Nhiều năm nay, Vissan hoạt động khá tốt dưới sự quản lý của Satra và đơn vị này sẽ tiếp tục chờ để được Satra thoái vốn.
Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn thành lập ngày 02/11/1995, với 27 doanh nghiệp thành viên. Vốn điều lệ 893,5 tỷ đồng.
Trải qua hơn 20 năm phát triển, đến nay, Tổng Công ty có hơn 70 công ty thành viên bao gồm các công ty con, công ty liên kết và liên doanh. Hiện tại, Satra chủ yếu hoạt động ở 4 lĩnh vực chính bao gồm thương mại, sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ.
Về hoạt động thương mại, Satra đã phát triển một hệ thống bán lẻ rộng khắp bao gồm chợ trung tâm Bình Điền và hơn 284.000m2 cửa hàng Satrafoods, siêu thị Satramart, trung tâm mua bán, trung tâm thương mại CENTRE MALL tại khắp các quận, huyện ở TP HCM.
Năm 2015, Tổng Công ty đạt doanh thu thuần gần 10.344 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.106 tỷ đồng.
Về CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế - Anco (Masan đang nắm 80.8% vốn), năm 2018 đơn vị này thực hiện được 2,025 tỷ đồng doanh thu thuần và 39 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Với kết quả đó, Anco đặt kế hoạch 2019 với doanh thu thuần trong khoảng 3,680-5,600 tỷ đồng, còn lợi nhuận từ 0-100 tỷ đồng.