Đại gia dạy con 'tự bơi' thế nào?
Những đứa trẻ được nuôi dạy bởi cha mẹ giàu có nhờ uy tín và thực lực sẽ luôn tự chủ, tự trọng. Chúng tự tin để chinh phục mọi rào cản để hiện thực giấc mơ tạo 'núi vàng' của riêng mình.
Bầu Đức, một đại gia giàu có nổi tiếng từng chia sẻ: Con gái tôi kể: “Bạn bè con nhiều đứa bảo chẳng cần vào đại học cũng giàu như Bill Gates, như ông Đức”. Nhưng các cháu không biết rằng, cơ hội vẫn dành cho số đông đến từ những người học hành nghiêm túc.
Hiện, cả ba người con của bầu Đức đều học tập và làm việc ở Singapore.
Lý giải cho việc không để con học ở Việt Nam, bầu Đức cho biết, ông muốn con cái đi học ở nước ngoài không chỉ vì môi trường giáo dục tốt, mà còn để con tự lập, tránh được tiếng con của đại gia. Chính vì vậy, sống hoàn toàn tách biệt với Việt Nam, nơi cha mình luôn được biết đến với danh hiệu một trong những người giàu nhất Việt Nam, các con bầu Đức học tập chăm chỉ và đạt được những thành tích đáng nể. Trong đó, cô con gái đầu lòng hiện làm trong một ngân hàng nước ngoài.
Mặc dù có bố là tỷ phú giàu có nhất nhì thế giới, các con của Bill Gates vẫn phải làm việc nhà và chỉ được thừa kế một phần nhỏ tài sản. Đó là bởi Bill Gates đã tuyên bố rằng con cái của ông sẽ chỉ được nhận “một phần nhỏ” trong số tài sản khổng lồ, phần còn lại vợ chồng ông sẽ dùng cho các hoạt động từ thiện.
Ông đưa ra quyết định này vì muốn con cái hiểu rằng, chỉ có tự thân làm việc mới có ý nghĩa, muốn các con đạt được những gì chúng muốn một cách độc lập. Vợ chồng ông đã trở thành tấm gương về lao động chăm chỉ và công tác thiện nguyện cho các con, được cả thế giới ngưỡng mộ.
Giám đốc Điều hành Facebook, Mark Zuckerberg từng trả lời phỏng vấn rằng, sẽ không cung cấp cho con mọi thứ và các con cần phải sống có trách nhiệm. Đây là cách nuôi dạy con cái của ông chủ Facebook khi thực tế ông có thể cho con bất cứ thứ gì về mặt vật chất.
Đồng thời, vợ chồng ông dự tính khi hai con lớn lên sẽ đưa con đến nơi làm việc để hiểu cha mẹ mình đang làm gì, để xem những gì cha mẹ đóng góp cho công ty. Từ đó, các con biết quý trọng những gì mình có, sẽ định hình sở thích và mục tiêu cho bản thân.
Có thể thấy, trong việc giáo dục con cái, cả ba nhà tỷ phú trên đều có chung quy tắc quan trọng nhất là tạo dựng uy tín với con cái của mình. Vị trí xã hội, sự giàu có của cha mẹ nếu tự xây bằng thực lực sẽ tạo ra những đứa trẻ tự chủ, không ỉ thế và hống hách.
Việc không phải lúc nào cũng đáp ứng mọi đòi hỏi của con, các nhà tỷ phú đã dạy con biết quý trọng những gì mình có, trân trọng hơn những thành quả mình đạt được. Họ dạy con phải biết làm việc mới có được thứ mình muốn và ngay từ nhỏ, con cái họ đã phải làm việc nhà và học tốt ở trường như bao đứa trẻ khác.
Thông thường, cha mẹ nào cũng muốn bảo vệ con cái khỏi những khó khăn, vất vả, hiểm nguy. Tuy nhiên, cha mẹ không thể bảo vệ con cái mình cả đời nên cách khôn ngoan nhất là dạy chúng đi bằng năng lực thực sự của chính mình.
Các nhà tỷ phú đã nhận ra điều này và áp dụng nó trong nuôi dạy con cái. Họ muốn con cái hiểu rằng, chỉ có tự thân làm việc mới đem lại cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa. Cả ba nhà tỷ phú đều coi trọng việc đầu tư giáo dục để con nâng cao khả năng và cho con các công cụ để phát triển bản thân, đạt được thành công theo cách của mình.
Núi vàng không bằng hướng đi!
Một thực tế cho thấy, uy tín của cha mẹ biểu hiện khá rõ ràng ở cách nuôi dạy con cái. Cha mẹ uy tín sẽ có nhiều cảm xúc tích cực truyền tới con, đưa ra những luật lệ phù hợp với lứa tuổi của con, sẵn sàng thảo luận, lắng nghe ý kiến của con mình.
Những cha mẹ này luôn sẵn sàng giúp đỡ con cái khi cần thiết, đồng thời tin tưởng vào sự thành công trong quá trình tự lập của con. Những đứa trẻ được dạy dỗ bởi cha mẹ đi lên bằng thực lực thường có khả năng thích ứng tốt, tự tin, tự kiểm soát và có uy tín về mặt xã hội.
Để có được uy tín, cha mẹ cũng phải rèn luyện thường xuyên để hoàn thiện mình. Trước tiên, cha mẹ phải là tấm gương tốt. Các hành vi, cử chỉ của cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy con cái.
Cách cha mẹ giao tiếp với người khác, nói về người khác như thế nào, cách biểu thị cảm xúc, tác phong, ăn mặc ra sao cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của con cái mình. Cha mẹ cần phải biết kiểm soát hành vi và luôn thể hiện sự tôn trọng với chính những thành viên trong gia đình.
Theo TS Nguyễn Tuyết Minh, founder The Myriad Eyes, ảnh hưởng tự thân từ cha mẹ chính là phương pháp giáo dục tốt nhất. Con cái thường quan sát rất kỹ những hành vi của người lớn và bắt chước theo. Vì vậy, để bảo đảm uy tín với con, cha mẹ cần tránh những thứ uy tín “ảo”. N
ếu người cha hay người mẹ giải quyết mọi thứ bằng tiền, bằng roi vọt, ăn nói hống hách và sẵn sàng trừng phạt bất cứ sai phạm nào để thể hiện quyền uy… thì con của họ cũng sẽ trở thành kẻ hống hách, thích thể hiện uy quyền kiểu “mày biết bố là ai không?”.
Cơ sở chính để hình thành nên uy tín của cha mẹ chỉ có thể là công việc và cuộc sống của chính họ, những hành vi và bộ mặt của cha mẹ trong xã hội.
Khi cha mẹ hành xử một cách trung thực và hợp lý, mục tiêu đặt ra là tốt đẹp, có ý nghĩa và kiểm soát được những việc làm và hành động của mình, có nghĩa là cha mẹ đã tạo dựng được uy tín với con cái mà không cần đến bất kỳ sự cố gắng giả tạo nào.
Nếu cha mẹ luôn cố gắng dạy con cái bằng tấm gương của chính mình thì con cái sẽ luôn tôn trọng và thừa nhận uy tín của cha mẹ.
Nhà văn Trương Thùy Chi (mẹ Tee), tác giả sách “Xắn tay áo lên… làm bố mẹ” chia sẻ, bà ngoại Tee luôn nới với cô rằng “Cho con một núi vàng, không bằng cho con một hướng đi”.
Cô cũng như nhiều bố mẹ không có núi vàng để cho con nhưng có thể cố gắng trở thành những cha mẹ uy tín, trao cho con một nhân cách tốt, lòng tự tin, sự bản lĩnh để con tự tạo ra một “núi vàng” của riêng mình.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/dai-gia-day-con-tu-boi-nhu-the-nao-ycaCaClMg.html