Đại gia gặp may, gom đầy túi tiền giữa thời đại dịch
Gặp vận may trong thời điểm kinh tế toàn cầu đang lao đao vì Covid-19, những tỷ phú phất lên trông thấy.
Tỷ phú giàu nhất mọi thời đại
Jeff Bezos, ông chủ Amazon đã lập kỷ lục khi "đút túi" 6,4 tỷ đô chỉ sau một ngày sau khi cổ phiếu Amazon tăng trên mức cao nhất mọi thời đại. Cổ phiếu Amazon nhảy vọt 5,3% vào ngày 14/4, đạt mức kỷ lục mới là 2.283 USD mỗi cổ phiếu.
Cổ phiếu này hiện tăng hơn 20% trong năm nay. Sếp Amazon đang sở hữu khối tài sản tương đương 138 tỷ USD, vượt xa các tỷ phú giàu có khác trên thế giới.
Theo Chỉ số tỷ phú Bloomberg, tài sản của nhà sáng lập Amazon hiện vào khoảng 129,5 tỷ USD. Ông sở hữu khoảng 12% cổ phần của Amazon và đây cũng là nguồn tài sản lớn nhất của ông. Ngoài ra, ông còn nắm giữ một lượng lớn cổ phần ở Công ty hàng không vũ trụ Blue Origin với giá trị khoảng 6,2 tỷ USD.
Amazon đã hưởng lợi khi nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dùng ngày càng tăng cao trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bị mắc kẹt trong nhà, người tiêu dùng giờ đây lại càng phải dựa vào Amazon của tỷ phú Jeff Bezos nhiều hơn bao giờ hết.
Ngoài thương vụ thâu tóm Whole Food, Amazon còn mua một dịch vụ giao rau củ riêng biệt Amazon Fresh. Cả hai đang sẵn sàng hưởng lợi từ việc người dân đều phải ở nhà. Người phát ngôn của Amazon không ngần ngại bày tỏ rằng: "Thời gian này rất thú vị".
Theo Forbes, tài sản ròng của tỷ phú Jeff Bezos vừa tăng gần 5% sau khi cổ phiếu Amazon tăng trên mức cao nhất mọi thời đại.
Theo báo cáo tài chính, thu nhập ròng của Amazon trong quý IV vừa qua tăng lên 3,3 tỷ USD, qua đó nâng mức lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của tập đoàn lên 6,47 USD, cao hơn so với mức EPS 6,04 USD của cùng kỳ năm trước.
Tính cả năm 2019, Amazon có doanh thu ròng tăng 20% so với năm trước đó, lên 280,5 tỷ USD và thu nhập ròng tăng lên 11,6 tỷ USD, hoặc tỷ lệ EPS đạt 23,01 USD.
Trong lĩnh vực dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ Amazon Web Services (AWS) ghi nhận doanh thu ròng quý IV/2019 tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm trước đó, đạt 9,954 tỷ USD. Doanh thu dịch vụ AWS cả năm 2019 đạt 35 tỷ USD, tăng 9,34 tỷ USD so với năm 2018.
Nhà sáng lập Amazon cho biết, ông sẽ hỗ trợ 100 triệu USD cho Feeding America, một tổ chức phi lợi nhuận với mạng lưới hơn 200 ngân hàng thực phẩm, nuôi sống hơn 46 triệu người trên khắp nước Mỹ.
Sau đó, Feeding America sẽ nhanh chóng phân phối tiền đến mạng lưới ngân hàng thực phẩm và kho thực phẩm của tổ chức để giúp đỡ các gia đình khó khăn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Người vợ cũ của ông, MacKenzie Bezos, cũng có thêm 8,2 tỷ USD nhờ 4% cổ phần ở Amazon được chia sau khi ly hôn, giúp bà có khối tài sản 45,3 tỷ USD và xếp hạng thứ 18 trong danh sách của Bloomberg. Bà đứng trên cả Mukesh Ambani và Carlos Slim (lần lượt là người giàu nhất Ấn Độ và Mexico).
Hưởng lợi từ gói kích cầu
Không chỉ ông chủ Amazon mà nhiều tỷ phú khác khác hoạt động trong lĩnh vực đầu tư hay quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân được hưởng lợi, một phần nhờ gói kích thích khổng lồ mà các chính phủ và ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang tung ra.
Cổ phiếu của Walmart cũng tăng giá, làm lợi cho gia tộc giàu nhất thế giới. Alice, Jim và Rob Walton giờ có tổng tài sản 169 tỷ USD, tăng gần 5% kể từ đầu năm đến nay.
CEO Elon Musk của Tesla cũng có thêm 10,4 tỷ USD. Cổ phiếu của nhà sản xuất ôtô điện Tesla tăng hơn 100% kể từ đầu tháng 1, giúp nhà đồng sáng lập và CEO của hãng - Elon Musk - “bỏ túi” 18 tỷ USD. Ông cũng là tỷ phú có tài sản tăng mạnh nhất từ đầu năm, theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index.
Tài sản của nhà sáng lập ứng dụng họp trực tuyến Zoom - Eric Yuan - tăng hơn gấp đôi, lên 7,4 tỷ USD. Cổ phiếu Zoom vì thế cũng tăng gần gấp đôi so với đầu năm khi người dân sử dụng công cụ này cho mọi việc, từ học tập đến hội họp. Tuy vậy, giá cổ phiếu Zoom vài phiên gần đây đi xuống do phần mềm này bị cảnh báo lỗ hổng bảo mật.
Theo ngân hàng UBS, các tỷ phú đang tăng cường đi vay để tận dụng mức lãi suất siêu thấp, tìm kiếm những khoản vay thế chấp bằng bất động sản để có được dòng tiền đi trả nợ các khoản vay khác, đầu tư kinh doanh hay thâu tóm tài sản.
Theo hãng tin Bloomberg, trong năm qua, 500 người giàu nhất thế giới đã bổ sung thêm tổng cộng 1.200 tỷ USD vào tổng tài sản của họ. Trong đó, các tỉ phú làm giàu từ hai lĩnh vực công nghệ và hàng hóa xa xỉ là những người dẫn đầu danh sách tăng thêm tài sản trong năm 2019.