'Đại gia' ngành điện Malaysia mua lại cổ phần 5 dự án điện mặt trời của Việt Nam
Một công ty con 100% vốn của Tập đoàn Điện lực quốc gia Malaysia Tenaga Nasional Berhad (TNB) sẽ mua 39% cổ phần trong 5 dự án điện mặt trời của Sunseap Group (Singapore) tại Việt Nam.
Thông tin trên được Dealstreet Asia, một trang thông tin về đầu tư tài chính có trụ sở ở Singapore, được sở hữu lớn cổ phần bởi Nikkei Asia, cho biết.
Các dự án này nằm ở miền Nam Việt Nam, tổng công suất 21,6 MWp, đã hoàn thành vào tháng 12 năm ngoái. Sunseap hiện nắm giữ 90% cổ phần tại 5 dự án này.
Sau khi hoàn tất thỏa thuận mua lại vào quý I năm nay, Sunseap sẽ sở hữu 51% cổ phần, trong khi đó, Sun Times Energy JSC – cổ đông còn lại, sẽ tiếp tục nắm giữ 10% vốn chủ sở hữu.
Frank Phuan, Giám đốc điều hành Sunseap cho biết giao dịch với TNB sẽ mở ra mối quan hệ kinh doanh lâu dài giữa doanh nghiệp và tập đoàn điện lực hàng đầu Malaysia, đồng thời, giúp TNB tham gia vào ngành năng lượng mặt trời trong khu vực.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của TNB Datuk Ir. Bahrain bin Din cho biết, thương vụ mua lại này sẽ giúp doanh nghiệp hiện diện tại Việt Nam và mở rộng sang thị trường năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh chóng ở đây.
Hôm 2/3, Sunseap và TNB đã công bố kế hoạch thành lập một liên doanh để tham gia đấu thầu thử nghiệm kéo dài 2 năm của chính phủ Singapore nhằm nhập khẩu 100 MW điện từ Malaysia.
Năm ngoái, công ty đầu tư Chính phủ Singapore Temasek Holdings và quỹ đầu tư ABC World Asia đã rót 36,8 triệu USD vào Sunseap. Năm 2019, doanh nghiệp này đã hoàn thành dự án trang trại năng lượng mặt trời tại Việt Nam trị giá 150 triệu USD.
Sunseap là một trong những công ty năng lượng mặt trời trên mái nhà hàng đầu ở Đông Nam Á và là công ty năng lượng mặt trời lớn nhất ở Singapore. Sunseap hiện sở hữu nhiều dự án ở Singapore, Úc, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan và Campuchia.
Trong khi đó, TNB có mặt ở Anh, Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Pakistan, Ấn Độ và Indonesia. TNB hy vọng sẽ nâng công suất sản xuất năng lượng tái tạo lên 8,3 GW vào năm 2025.
Các hoạt động mua bán sáp nhập trong lĩnh vực tái tạo năng lượng đã trở nên khá sôi động từ cuối năm 2018. Lý do là, giá mua điện của các dự án điện mặt trời vận hành trước ngày 30.6.2019 theo Quyết định 11/2017 tương đương 9,35 cent/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện đến các hộ tiêu thụ hiện ở mức bình quân 8 cent/kWh.
Trong các nhà đầu tư ngoại đang đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam, nhà đầu tư đến từ Thái Lan chiếm số lớn dự án. Cách đây hơn 1 năm đầu năm 2020, Super Enegry Corpration Public Company (Super Energy) đến từ Thái Lan đã chi 456,7 triệu USD để sở hữu cổ phần và đầu tư vào 4 dự án điện mặt trời tại Việt Nam tại các dự án Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW).
Trước đó, Gulf (Thái Lan) cũng nắm lượng lớn cổ phần trong dự án điện mặt trời của Tập đoàn Thành Thành Công. B. Grimm Group (Thái Lan) đầu tư vào Nhà máy Dầu Tiếng (công suất 420 MW) ở Tây Ninh và Nhà máy năng lượng mặt trời Phú Yên (công suất 257 MW).
Ngoài ra, AC Energy thuộc Tập đoàn Ayala (Philippines) đã thành lập Liên doanh BIM/AC Renewable để phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận…