Đại gia Nguyễn Cao Trí đi tập tễnh tới phiên xét xử các cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng

Sáng nay 16-1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 10 bị cáo trong vụ án Sài Gòn Đại Ninh về các tội 'Nhận hối lộ', 'Đưa hối lộ', 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ'.

Theo ghi nhận, lúc 7 giờ 40 phút, các cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng gồm ông Trần Đức Quận (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng); Trần Văn Hiệp (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) được dẫn giải tới tòa.

Đi cùng xe, đại gia Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh) cũng được dìu vào phòng xét xử với bước chân tập tễnh.

Các bị cáo và những người liên quan phải đi qua cửa kiểm tra an ninh.

Tại phần kiểm tra căn cước các bị cáo, theo thông báo, bị cáo Nguyễn Hồng Giang vắng mặt do sức khỏe yếu, bị liệt nửa người.

Trong khi đó, bị cáo Mai Tiến Dũng dáng vẻ mệt mỏi, khi được yêu cầu lên bục khai báo, bị cáo Dũng khó đứng dậy, chủ tọa Trần Nam Hà cho phép bị cáo Dũng được đứng tại chỗ trả lời về nhân thân.

 Bị cáo Mai Tiến Dũng được dìu vào phòng xét xử. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Bị cáo Mai Tiến Dũng được dìu vào phòng xét xử. Ảnh: ĐỖ TRUNG

 Bị cáo Mai Tiến Dũng tại tòa. Ảnh: GIA KHÁNH

Bị cáo Mai Tiến Dũng tại tòa. Ảnh: GIA KHÁNH

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, bị cáo Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh) bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại điều 364, khoản 4, Bộ luật Hình sự.

Các bị cáo: Trần Đức Quận (sinh năm 1967, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng); Trần Văn Hiệp (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng); Lê Quốc Khanh (sinh năm 1982, cựu Phó Cục Trưởng Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 - Cục II, Thanh tra Chính phủ); Hoàng Văn Xuân (sinh năm 1974, cựu Thanh tra viên chính Cục II, Thanh tra Chính phủ); Nguyễn Ngọc Ánh (sinh năm 1969, cựu Thanh tra viên chính, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng); Nguyễn Nho Định (sinh năm 1983, cựu Thanh tra viên Cục II, Thanh tra Chính phủ) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại điều 354, khoản 4, điểm b, Bộ luật Hình sự.

Các bị cáo: Mai Tiến Dũng (sinh năm 1959, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ); Nguyễn Hồng Giang (sinh năm 1963, cựu Cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ); Trần Bích Ngọc (sinh năm 1968, cựu Vụ trưởng Vụ theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - Vụ I, Văn phòng Chính phủ) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại điều 356, khoản 3, Bộ luật Hình sự.

Có tổng số 26 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho 10 bị cáo. Trong đó, bị cáo Nguyễn Cao Trí có 6 luật sư bào chữa và là người có nhiều luật sư bào chữa nhất trong số 10 bị cáo. Tiếp đó là bị cáo Trần Văn Hiệp có 4 luật sư bào chữa, bị cáo Mai Tiến Dũng có 3 luật sư bào chữa…

 Bị cáo Trần Đức Quận tới phiên tòa. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Bị cáo Trần Đức Quận tới phiên tòa. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Hội đồng xét xử cũng đã triệu tập 38 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Trong đó, có đại diện các cơ quan, đơn vị: UBND tỉnh Lâm Đồng, Thanh tra Chính phủ, Công ty Sài Gòn Đại Ninh, Công ty TNHH thương mại xây dựng kinh doanh nhà ở Phương Nam, Công ty TNHH Một thành viên Sài Gòn Đại Ninh Lavender…

Theo hồ sơ, năm 2010, Công ty Sài Gòn Đại Ninh được thực hiện Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (dự án) tại tỉnh Lâm Đồng. Quá trình thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2018, Thanh tra Chính phủ xác định, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có nhiều vi phạm. Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án.

 Bị cáo Nguyễn Cao Trí tới tòa. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Bị cáo Nguyễn Cao Trí tới tòa. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Biết việc này, bị cáo Nguyễn Cao Trí thỏa thuận mua lại dự án. Sau đó, bị cáo Nguyễn Cao Trí lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết với một số cá nhân ở Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy Lâm Đồng và UBND tỉnh Lâm Đồng để thực hiện hành vi thay đổi, điều chỉnh trái pháp luật quyết định của Nhà nước.

Biết việc này, bị cáo Nguyễn Cao Trí thỏa thuận mua lại dự án. Sau đó, bị cáo Nguyễn Cao Trí lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết với một số cá nhân ở Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy Lâm Đồng và UBND tỉnh Lâm Đồng để thực hiện hành vi thay đổi, điều chỉnh trái pháp luật quyết định của Nhà nước.

Việc này khiến một số cá nhân tại Thanh tra Chính phủ thực hiện hành vi trái pháp luật khi ban hành báo cáo mới, hủy bỏ kiến nghị thu hồi dự án. Một số cán bộ tại tỉnh Lâm Đồng cũng đồng ý thay đổi đăng ký kinh doanh, chuyển dự án cho bị cáo Nguyễn Cao Trí rồi đồng thuận không thu hồi dự án. Những hành vi trên khiến dự án đáng lẽ phải thu hồi trở thành cho giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện và người hưởng lợi là bị cáo Nguyễn Cao Trí.

 Công tác an ninh được thắt chặt trước phiên tòa. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Công tác an ninh được thắt chặt trước phiên tòa. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Quá trình can thiệp của một số cán bộ nhà nước, bị cáo Nguyễn Cao Trí nhiều lần đưa hối lộ, như đưa cho ông Trần Văn Minh (cố Phó Tổng Thanh tra Chính phủ) tổng số 10 tỷ đồng. Đưa tiền cho một số cá nhân ở Thanh tra Chính phủ và Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng… Bị cáo Nguyễn Cao Trí cũng đưa hối lộ cho cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận 5 lần tổng số tiền 2,1 tỷ đồng; đưa cho cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp 7 lần tổng số tiền 4,2 tỷ đồng...

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dai-gia-nguyen-cao-tri-di-tap-tenh-toi-phien-xet-xu-cac-cuu-lanh-dao-tinh-lam-dong-post778021.html