Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên: Đẩy mạnh đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Với mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo của vùng và đất nước, Thái Nguyên đề ra mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 4.500 lao động phục vụ ngành bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Cụ thể hóa mục tiêu đó, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) đã xây dựng lộ trình phát triển phù hợp. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên trao đổi với PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Nhà trường.

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), tại Lễ tuyên dương sinh viên giỏi và xuất sắc.

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), tại Lễ tuyên dương sinh viên giỏi và xuất sắc.

P.V: Nhà trường là một trong ba cơ sở đào tạo của Đại học Thái Nguyên mở mới ngành đào tạo công nghệ bán dẫn và vi mạch trong năm học 2024-2025. Ông hãy cho biết quy mô đào tạo của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông?

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa: Năm học 2024-2025, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICTU) có quy mô đào tạo 10.000 sinh viên, trong đó 3.000 sinh viên theo học chuyên ngành công nghệ thông tin (CNTT). Hiện nay, Nhà trường đào tạo 24 chương trình, bao gồm các nhóm ngành như: CNTT, Kỹ thuật công nghệ số, Kinh tế quản trị số, Mỹ thuật truyền thông báo chí, các ngành liên kết quốc tế và chương trình chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hằng năm, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp tại ICTU luôn ở mức cao.

Đây là năm học đầu tiên Nhà trường tuyển sinh ngành đào tạo vi mạch bán dẫn với gần 50 sinh viên. Việc mở ngành đào tạo vi mạch bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường và phù hợp với chính sách phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt là chủ trương của tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 4.500 lao động phục vụ công nghiệp bán dẫn, CNTT và trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó đào tạo 2.000 người trình độ đại học, sau đại học, 500 người học trình độ cao đẳng trên 2.000 người học trình độ trung cấp ngành nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, CNTT, AI.

Điều này phù hợp với xu thế phát triển trong giai đoạn hiện nay, khi công nghiệp bán dẫn trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghệ điện tử và sự tiến bộ của xã hội.

P.V: Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông có nhiều ưu thế trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo nhân lực công nghệ bán dẫn vi mạch, CNTT. Ông có thể cho biết khái quát về điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo của Trường?

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa: Để đào tạo sinh viên trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn vi mạch, CNTT và Al, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông chú trọng đầu tư cơ sở vật chất khá đồng bộ, trong đó có: Phòng máy khoa học dữ liệu; phòng thí nghiệm thực hành điện tử ô tô; phòng thực hành điện - điện tử; phòng thực hành Robotic & CNC, in 3D; phòng thực hành các hệ thống IoT & AI và phòng Samsung Lab ICTU; phòng thực hành FPGA; mạng wifi phủ sóng toàn bộ khuôn viên, hệ thống điều hòa hiện đại các giảng đường.

Trường cũng đầu tư thêm các phòng thí nghiệm chuyên sâu cho thiết kế vi mạch, phần mềm thiết kế vi mạch, phần mềm thiết kế các mạch tích hợp và kiểm tra mô hình vi mạch...

Với đội ngũ 358 cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động, trong đó có 1 giáo sư, 5 phó giáo sư, 62 tiến sĩ, 178 thạc sĩ và 112 cán bộ các phòng chuyên môn, Nhà trường quan tâm bồi dưỡng chuyên môn cho các giảng viên và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn vi mạch, CNTT và AI; tham gia nghiên cứu và hợp tác với các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp trong và ngoài nước để cập nhật kiến thức mới nhất.

Trường đã và đang cử giáo viên đi đào tạo, tập huấn tại nước ngoài, như: Trường Đại học Minh Tân, Đại học Phùng Giáp (Đài Loan, Trung Quốc) và một số cơ sở đào tạo trong nước, như: Viện Công nghệ - Thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Đổi mới sáng tạo NIC...

Bên cạnh đó, ICTU tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn vi mạch, CNTT và công nghệ để tạo cho sinh viên cơ hội thực tập, thực tế và các hội thảo chuyên đề.

Nhà trường được chia sẻ cơ sở vật chất đào tạo về vi mạch bán dẫn của Viện Công nghệ - Thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội); liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, vi mạch (như các Tập đoàn HCL, Tập đoàn Hồng Hải, Samsung...) tuyển dụng và đào tạo sinh viên về vi mạch bán dẫn.

Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) đầu tư cơ sở vật chất khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu học tập, thực hành và nghiên cứu của sinh viên.

Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) đầu tư cơ sở vật chất khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu học tập, thực hành và nghiên cứu của sinh viên.

P.V: Nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đối với đào tạo nhân lực phục vụ công nghệ bán dẫn và vi mạch, công nghệ - thông tin, Al, xin ông cho biết kế hoạch của Trường trong thời gian tới?

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa: Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch, CNTT và AI, Nhà trường đã xây dựng lộ trình phát triển chiến lược: Mở rộng quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng tuyển sinh, dự kiến hằng năm tăng quy mô tuyển sinh lên khoảng 400 sinh viên theo học các chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn và AI; tăng cường chất lượng đầu vào thông qua các kỳ thi, phỏng vấn và hợp tác với các trường THPT trọng điểm để định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI vào hệ thống quản lý đào tạo, từ quản lý học liệu thông minh đến các nền tảng hỗ trợ sinh viên trong việc xây dựng lộ trình học tập cá nhân hóa, nâng cao chất lượng dạy học và đảm bảo sinh viên đạt được chuẩn đầu ra cao hơn, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật hiện đại.

Nhà trường tiếp tục mở rộng, nâng cấp các phòng thí nghiệm chuyên sâu, như phòng thiết kế vi mạch số, phòng AI và Big Data, cũng như trang bị thêm các phần mềm thiết kế và kiểm thử vi mạch tiên tiến. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin sẽ được hiện đại hóa để hỗ trợ các dự án nghiên cứu, ứng dụng AI trong đào tạo và thực hành.

Bên cạnh đó, Trường tiếp tục tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên thông qua các chương trình tập huấn chuyên sâu trong và ngoài nước; hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội thực tập, tham gia dự án thực tế và mở rộng cơ hội tuyển dụng, đảm bảo đầu ra cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp.

ICTU sẽ thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và AI. Sinh viên sẽ được tham gia các cuộc thi, dự án khởi nghiệp và nhận sự hỗ trợ từ các chuyên gia trong ngành để phát triển ý tưởng của mình thành sản phẩm thực tế.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Thảo Nguyên (Thực hiện)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202412/dai-hoc-cong-nghe-thong-tin-va-truyen-thong-thai-nguyen-day-manh-dao-tao-nhan-luc-nganhban-dan-0f32443/