Đại học Đà Nẵng: Tạo môi trường để SV 'nghĩ sâu, làm lớn', sáng tạo, khởi nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 57- NQ/TW, Đại học Đà Nẵng chú trọng kiến tạo môi trường hun đúc tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên.

Giám đốc Đại học Đà Nẵng trao giải Nhất Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Đại học Đà Nẵng năm học 2023-2024.

Giám đốc Đại học Đà Nẵng trao giải Nhất Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Đại học Đà Nẵng năm học 2023-2024.

Trong bối cảnh cả nước ra sức thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Đại học Đà Nẵng càng chú trọng kiến tạo môi trường hun đúc tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, khi đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, đây là chìa khóa vàng, là thời cơ lịch sử và vận hội lớn cho sinh viên Đại học Đà Nẵng nuôi dưỡng khát vọng cống hiến, trưởng thành, “nghĩ sâu, làm lớn”.

Bên cạnh nỗ lực, tâm huyết của người thầy, chính động lực và sự chuyên tâm học tập, sáng tạo của sinh viên là nhân tố góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Tổ chức các “sân chơi” sáng tạo khởi nghiệp cho sinh viên

Đại học Đà Nẵng tập trung chỉ đạo các ban, phòng công tác sinh viên, các trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tích cực triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Bộ GD&ĐT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg.

Nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả có thể kể đến như: “Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Đại học Đà Nẵng”, “Festival Sáng tạo trẻ Đại họcĐà Nẵng”, “Cuộc thi Khởi nghiệp Công nghệ trong sinh viên” hay “Cuộc thi Khởi nghiệp Startup Runway” … Đây là các hoạt động nổi bật, được tổ chức bài bản, chu đáo từ cơ sở đến cấp Đại học vùng hàng năm khuyến khích, hỗ trợ sinh viên thi đua học tập, nghiên cứu khoa học. Nhiều kết quả nghiên cứu của sinh viên Đại học Đà Nẵng được công bố trên các bài báo, đăng trên các tạp chí uy tín trong nước, quốc tế (WoS/Scopus). Nhiều sản phẩm cụ thể, hữu ích được sinh viên sáng tạo có địa chỉ ứng dụng, thiết thực phục vụ cộng đồng.

 Sinh viên Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, ĐH Đà Nẵng đạt Giải Nhất “Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc” (SV- STARTUP 2024) do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Sinh viên Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, ĐH Đà Nẵng đạt Giải Nhất “Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc” (SV- STARTUP 2024) do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Nhờ sớm phát hiện, dày công bồi dưỡng các hạt nhân trong phòng trào sinh viên nghiên cứu khoa học, Đại học Đà Nẵng đã gặt hái nhiều quả ngọt, nổi bật như: Giải Nhất “Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc” (SV- STARTUP 2024) do Bộ GD&ĐT tổ chức với sản phẩm “Mực thực vật BINKS”. Đây cũng là sản phẩm đạt Quán quân “Giải thưởng Ý tưởng đổi mới sáng tạo toàn cầu” (KMAC - FTU 2024) với chủ đề “Khởi nghiệp xanh” do Hiệp hội Tư vấn Kinh doanh của Hàn Quốc tổ chức.

Sinh viên Đại học Đà Nẵng cũng liên tục đạt giải Nhất “Cuộc thi Thử thách Kinh doanh” (GBA Business Challenge) năm 2021 với Dự án “Chế phẩm Bio-Pro xử lý phụ phẩm công nghiệp sản xuất tôm”; giải Nhất “Giải thưởng Sáng tạo Trẻ GBA” (GBA Young Innovation Award) năm 2024 với Dự án "Chế biến thực phẩm vi sinh học COPEPODS". Các dự án của sinh viên Đại học Đà Nẵng tại “sân chơi” uy tín, vươn tầm quốc tế, được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) và Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) đã góp phần vào mục tiêu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững.

Các sản phẩm sáng tạo hữu ích của sinh viên Đại học Đà Nẵng còn được ứng dụng hiệu quả phục vụ cộng đồng, giải quyết các bài toán về phát triển đô thị thông minh, năng lượng xanh, bảo vệ sức khỏe và môi trường. Mới đây, sinh viên Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã đạt giải Nhất “Cuộc thi Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng” (EPICS) với “Công cụ hỗ trợ nông dân nhổ đậu”, triển khai ứng dụng thực tế tại các vườn rau Túy Loan (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Sinh viên của Trường trước đó cũng đã đạt giải Nhất EPICS với các sản phẩm “thông minh” khác như: Cánh tay robot, Gậy dò đường thông minh (năm 2018); Áo phao đa năng (năm 2020); Găng tay hỗ trợ phục hồi chức năng (năm 2022)…

Đưa kiến thức khởi nghiệp vào chương trình đào tạo

Để trang bị nền tảng kiến thức, kỹ năng vững vàng cho sinh viên nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp ngay trên giảng đường, các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đã triển khai các học phần cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình chính khóa. Đơn cử như, Trường Đại học Kinh tế đưa học phần “Khởi sự kinh doanh” giảng dạy cho sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh; Trường Đại học Bách khoa đưa học phần “Khởi tạo doanh nghiệp” vào Chương trình Kỹ sư Chất lượng cao Việt Pháp; Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn dạy học phần “Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” cho sinh viên hay Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh giảng dạy “Tư duy thiết kế” (Design Thinking) trong Chương trình “VNUK-Entrepreneurship Pathway Program”.

 Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trải nghiệm công nghệ tài chính (fintech) tại “Không gian sáng tạo số DUE-MB Digital Hub”.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trải nghiệm công nghệ tài chính (fintech) tại “Không gian sáng tạo số DUE-MB Digital Hub”.

Theo PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, việc đầu tư các nguồn lực để hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu cho sinh viên là giải pháp đòn bẩy. Nhà trường thường mời các chuyên gia, doanh nhân uy tín, tâm huyết làm mentor chia sẻ kinh nghiệm thực tế; tập huấn nâng cao năng lực, phương pháp tư duy khoa học cho sinh viên. Trường đã đầu tư các cơ sở dữ liệu khoa học (Proquest Central, Stoxplus, World Bank…), các phần mềm dạy - học theo phương pháp kết hợp trực tiếp và trực tuyến (Blended Learning), phòng, chống đạo văn (Turnitin); kết hợp với doanh nghiệp kiến tạo không gian trải nghiệm thực hành công nghệ số, công nghệ tài chính (MB Digital Hub), qua đó tiếp thêm hứng khởi cho thầy và trò đổi mới sáng tạo.

Quả ngọt đối với các hoạt động, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên của Đại học Đà Nẵng được ghi nhận khi mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng Bằng khen cho tập thể Nhà trường vì có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025.

Nhờ kiến tạo hệ sinh thái đổi mới khởi nghiệp trong nhà trường cộng hưởng với tinh thần sáng tạo trẻ đã đem lại rất nhiều lợi ích cho sinh viên. Các nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học (Student Research Team - SRT) và mạng lưới các câu lạc bộ học thuật, khởi nghiệp phát triển ngày càng sâu rộng. Đây chính là vườn ươm để sinh viên phát triển năng lực, tích lũy hành trang như mục tiêu của ĐH Đà Nẵng là đào tạo lớp sinh viên 4.0 không chỉ biết tự tạo việc làm cho mình mà còn sẵn sàng dấn thân khởi nghiệp, tạo thêm cơ hội việc làm cho xã hội.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng: "Sinh viên luôn là lực lượng trẻ, khỏe, có học thức cao, là tinh hoa của đất nước. Vì vậy, sinh viên hãy sống có ước mơ, hoài bão, có khát vọng lớn để lập thân, lập nghiệp. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, các em hãy thật sự xung kích đi đầu trong học tập, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; trau dồi tiếng Anh và kỹ năng mềm thật tốt để chiếm lĩnh tri thức khoa học, trở thành công dân toàn cầu, vì sự hưng thịnh của dân tộc và tương lai của bản thân".

Hải Đăng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dai-hoc-da-nang-tao-moi-truong-de-sv-nghi-sau-lam-lon-sang-tao-khoi-nghiep-post727762.html