Đại học Điện lực: Kết nối đặt hàng giải quyết bài toán thực tiễn của doanh nghiệp
Trường Đại học Điện lực vừa tổ chức Hội nghị kết nối đặt hàng giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học.
Tham gia có TS Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia cùng 10 doanh nghiệp mong muốn đặt hàng và hơn 20 doanh nghiệp cùng hơn 200 cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Điện lực (EPU).
Phát biểu tại hội nghị, PGS. TS Nguyễn Lê Cường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực chia sẻ hội nghị đặt hàng giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với đội ngũ làm công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, cơ quan Nhà nước hỗ trợ, ươm tạo công nghệ, trao đổi, hợp tác thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tạo động lực, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp…
Tạo lập văn hóa khởi nghiệp, đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở kết nối các chủ thể liên kết phát triển mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài Trường Đại học Điện lực.
Ông Cường nhấn mạnh, EPU là một trường đại học công lập đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu của ngành năng lượng Việt Nam.
“Mục tiêu lâu dài và bền vững của Nhà trường là đào tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao: sáng tạo, đoàn kết, xung kích, hội nhập. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, những tố chất mà chúng tôi định hướng cho sinh viên EPU phù hợp với nhu cầu cũng như định hướng phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp’ - PGS. TS Nguyễn Lê Cường khẳng định.
Trước đó, nhà trường vinh dự được Bộ Khoa học và Công nghệ giao là tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Qua đó, giúp EPU có thêm nhiều start-up, sản phẩm được thương mại, đề tài nghiên cứu, nhiều chương trình hội nghị, hội thảo và đặc biệt là cơ hội tham gia nhiều hơn những chương trình khoa học công nghệ từ cấp thành phố đến cấp Quốc gia.
Đồng thời, phát huy hiệu quả nguồn lực của giảng viên, nhà nghiên cứu startup trong các cơ sở đào tạo để giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp. Từ đó ươm tạo các ý tưởng, hình thành các doanh nghiệp spin-off trong các cơ sở đào tạo.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp cùng các đại biểu thảo luận các nội dung, bài toán đặt hàng từ doanh nghiệp. Đó là phân tích cảnh báo tấm pin và hoạt động kém hiệu quả trong chuỗi pin của nhà máy điện mặt trời. Bài toán ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác kiểm tra lưới điện cao thế.
Giải pháp cho Camera an ninh bảo mật, thông minh của Pavana. Cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và cải thiện điều kiện lao động trong việc mạ các chi tiết nhỏ. Triển khai hệ thống theo dõi giám sát tình hình sử dụng năng lượng tại nhà máy.
Phần mềm điều khiển hệ thống điện không nối lưới giải quyết xung đột giữa hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải trong hạ tầng nội bộ khu nhà ở. Xác định công suất điện mặt trời mái nhà tối ưu về kinh tế…