Đại học Đông Đô đào tạo 'chui': Học viên như 'ngồi trên đống lửa'
Sau gần 3 tuần xảy ra sai phạm đào tạo 'chui' văn bằng (VB) 2 ngành Ngôn ngữ Anh tại trường Đại học Đông Đô, tâm trạng của hàng trăm học viên lớp VB 2 khoa Luật Kinh tế do trường với Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) Hải Phòng tổ chức đào tạo thấp thỏm từng ngày.
Sự bao biện
Liên quan đến vụ bê bối đào tạo "chui" văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của trường Đại học Đông Đô vừa bị cơ quan điều tra khởi tố, có nhiều thông tin phản ánh trường này liên kết đào tạo VB 2 Luật Kinh tế với Trung tâm GDTX Hải Phòng.
Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Thiện khẳng định, Trung tâm và Đại học Đông Đô không có việc liên doanh liên kết đào tạo mà Trung tâm chỉ cho trường thuê địa điểm để dạy học.
Trước câu hỏi, tại sao Trung tâm GDTX Hải Phòng vẫn tuyển sinh, nhận hồ sơ cũng như thu tiền học phí của hàng trăm học viên lớp VB 2 khoa Luật Kinh tế. Ông Thiện cho biết: "Đại học Đông Đô đã nhờ Trung tâm quản lý lớp và thu các khoản phí đào tạo cùng phụ phí và Trung tâm cũng báo cáo bằng miệng lên Sở GD&ĐT Hải Phòng”.
Ông Thiện cho rằng, Trung tâm nhận tuyển sinh hộ và thuê giáo viên phụ trách lớp VB 2, khoa Luật Kinh tế. Còn sau khi thu các khoản, Trung tâm đã bàn giao lại cho Đại học Đông Đô.
Được biết, trường Đại học Đông Đô đã cử giảng viên xuống Trung tâm GDTX Hải Phòng giảng dạy như chương trình đào tạo của trường đề ra sau khi tuyển sinh.
Từ đây có thể thấy, Trung tâm GDTX Hải Phòng đang bao biện cho sự “tiếp tay” của mình. Theo tìm hiểu, Đại học Đông Đô tổ chức đào tạo VB 2 từ ngày 4/5/2017. Từ năm 2017 đến nay, trường đã mở được các lớp tại Trung tâm GDTX Hải Phòng với gần 200 học viên.
Học viên kêu cứu
Khi biết thông tin Đại học Đông Đô “đào tạo “chui” VB 2, học viên các lớp liên kết đã rất bức xúc và tỏ ra lo lắng về sự minh bạch của VB mình đang theo học.
Theo học viên phản ánh: Tháng 5/2017, Đại học Đông Đô thông báo tuyển sinh hệ đại học chính quy, VB 2 và liên thông đại học chuyên ngành Luật Kinh tế do Phó hiệu trưởng nhà trường Trần Kim Oanh ký. Lúc này, trường thông báo xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia và kết quả học tập năm lớp 12.
Tuy nhiên, nếu dựa vào kỳ thi THPT thì chỉ áp dụng cho các đối tượng học liên thông, đại học; còn nếu học văn bằng 2, học viên phải có một bằng đại học trước đó. Theo thông báo, khi học viên nộp mức học phí 1.1 triệu đồng/tháng (thu 5 tháng/kỳ) sẽ nhận được giấy nhập học và tham gia học tập tại Trung tâm GDTX Hải Phòng.
Trong suốt hơn 2 năm theo học, họ có rất nhiều khúc mắc không được giải đáp thỏa đáng: Đại học Đông Đô liên kết với Trung tâm GDTX Hải Phòng để Trung tâm này đứng ra thông báo tuyển sinh, nhận hồ sơ và thu tiền của học viên có hợp pháp không? Trung tâm chỉ ký hợp đồng cho thuê phòng nhưng được thông báo tuyển sinh, thu hồ sơ, cử giáo viên chủ nhiệm phụ trách điểm danh lớp, thu tiền học phí xuất biên lai đóng dấu của Trung tâm?...
Học viên N.M.A cho hay, mấy năm học tập, vừa tốn tiền, tốn sức lại tốn thời gian. Vậy, tấm bằng chúng tôi nhận được là sự lừa dối hay sao? Nhiều học viên cũng bức xúc về việc thu tiền “không đúng” của Trung tâm GDTX Hải Phòng.
“Sau thông báo học 1 năm được cấp bằng nhưng hơn một năm qua, trường Đại học Đông Đô đang nợ 80 học viên tấm bằng. Điều tôi băn khoăn là giá trị của VB 2 mà trường cấp là thực hay ảo?” - một học viên khóa 3 cho hay.
Như ngồi trên đống lửa, hàng trăm học viên cầu cứu Bộ GD&ĐT trước những câu hỏi để vụ việc sớm được giải quyết. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trường Đại học Đông Đô sai phạm đến đâu xử lý đấy và nếu đơn vị trực thuộc Bộ để xảy ra sai phạm tại trường này thì sẽ bị xử lý nghiêm.
“Ngoài Đại học Đông Đô, Bộ đang chỉ đạo các Cục, Vụ rà soát thêm các trường khác. Tiếp đó, Thanh tra Bộ sẽ rà soát tất cả các trường trên cả nước” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.