Đại học FPT tuyển 1.000 chỉ tiêu chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn

Tất cả các thí sinh đăng ký chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn của FPT đều được xem xét cấp học bổng từ 50% học phí cho 2 học kỳ chuyên ngành đầu tiên đến 100% học phí toàn bộ chương trình học.

Sinh viên Trường Đại học FPT trong giờ học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sinh viên Trường Đại học FPT trong giờ học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trường Đại học FPT vừa cho biết đơn vị này tuyển 1.000 chỉ tiêu chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn ngay trong mùa tuyển sinh năm 2024. Theo đó, đây là trường đại học có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn lớn nhất cả nước tới thời điểm này.

Theo Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, trường đã xây dựng chương trình học bổng đặc thù dành riêng cho chuyên ngành này. Cụ thể, tất cả các thí sinh đăng ký chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn của trường đều được xem xét cấp học bổng từ 50% học phí cho 2 học kỳ chuyên ngành đầu tiên đến 100% học phí toàn bộ chương trình học. Thí sinh trúng tuyển có thể lựa chọn học tại các phân hiệu Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Cần Thơ.

Cũng theo ông Tùng, Trường Đại học FPT đã lên kế hoạch hợp tác với nhiều trường đại học tại Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) để thiết kế chương trình, giáo trình và chuẩn đào tạo. Đây là hai trong bốn thị trường dẫn đầu về chip và bán dẫn toàn cầu. Sinh viên chuyên ngành này được trang bị hai ngoại ngữ và được trải nghiệm chương trình phát triển cá nhân toàn diện, phong phú.

Tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn, sinh viên có thể đảm nhận các công việc trong ngành bán dẫn như thiết kế, mô phỏng, kiểm chứng mạch điện tương tự số; xây dựng tài liệu đặc tả (spec), tư vấn phát triển quy trình thiết kế; quản lý giám sát thực hiện quy trình sản xuất đĩa bán dẫn (wafer) và chip; kiểm thử chip, quản lý chất lượng vật liệu, thành phần trong đóng gói và kiểm tra; nghiên cứu phát triển vật liệu, cấu trúc linh kiện; phát triển bo mạch (board) và phần mềm lõi (firmware) hỗ trợ phát triển ứng dụng sử dụng chip.

Sinh viên chuyên ngành này có thể tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn hoặc sau đại học tại các quốc gia và vùng lãnh thổ hàng đầu về vi mạch bán dẫn trên thế giới để phát triển sự nghiệp theo hướng giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Trường Đại học FPT cũng xây dựng mô hình đưa sinh viên vi mạch bán dẫn ra nước ngoài làm việc trong ngành công nghiệp này bằng cách phối hợp nguồn lực có sẵn của Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT và các công ty thuộc Tập đoàn FPT tại hơn 30 quốc gia. Từ đó, các bạn trẻ có thể học hỏi, tích lũy và sớm có năng lực đóng góp cho sự phát triển toàn diện của ngành.

Trước đó, tháng 5/2024, Trường Đại học FPT đã thành lập Trung tâm Đào tạo và xuất khẩu nhân lực Vi mạch bán dẫn nhằm tìm kiếm, ký kết với các đối tác có nhu cầu nhân lực Vi mạch bán dẫn cũng như đào tạo nhân lực cho ngành Vi mạch bán dẫn./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dai-hoc-fpt-tuyen-1000-chi-tieu-chuyen-nganh-thiet-ke-vi-mach-ban-dan-post959621.vnp