Đại học GTVT phấn đấu là trung tâm nghiên cứu KHCN hàng đầu lĩnh vực GTVT

Giai đoạn 2018 - 2020, trường Đại học GTVT chủ trì hơn 10 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, hơn 50 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ/tỉnh và tương đương.

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng trường Đại học GTVT cho biết, giai đoạn 2020-2025, trường phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu KHCN hàng đầu lĩnh vực GTVT tại Việt Nam và hội nhập quốc tế

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng trường Đại học GTVT cho biết, giai đoạn 2020-2025, trường phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu KHCN hàng đầu lĩnh vực GTVT tại Việt Nam và hội nhập quốc tế

Sáng nay (12/11), tại Hà Nội, trường Đại học GTVT đã tổ chức Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII.

Phát biểu tại hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng trường Đại học GTVT cho biết, những năm qua, trường luôn coi trọng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đạt được nhiều thành tích quan trọng. Những thành tích đó đã góp phần rất lớn vào việc trường Đại học GTVT được xếp hạng thứ 19 trong các cơ sở giáo dục đại học có công bố tốt nhất Việt Nam năm 2019 và vinh dự nhận được đánh giá 4 sao trên mức tối đã 5 sao về tổng thể các mặt hoạt động của Nhà trường theo bảng xếp hạng đối sánh chất lượng - UPM.

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long cũng cho biết, trong nhiệm kỳ công tác 2020-2025, nhà trường xác định mục tiêu tổng quát là “Xây dựng trường trở thành trường đại học nghiên cứu theo các chuẩn mực quốc tế; đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và trong khu vực”.

Để thực hiện được mục tiêu đó, tập thể lãnh đạo trường đề ra một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, xác định, lựa chọn và tập trung đầu tư vào một số định hướng nghiên cứu khoa học chính, có thế mạnh để phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được ít nhất ba nhóm nghiên cứu khoa học mạnh đạt tầm khu vực, có khả năng giải quyết các vấn đề khoa học kĩ thuật phức tạp, có tính liên ngành; Phối hợp nghiên cứu với các Viện, các công ty, tổ chức kinh tế - xã hội để tạo ra một số sản phẩm KHCN có chất lượng đột phá, tạo thương hiệu cho nhà trường; từ đó mở rộng thị trường khoa học công nghệ của nhà trường ra toàn quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á...

“Lãnh đạo nhà trường hy vọng rằng, với nền tảng là đội ngũ các nhà khoa học giàu trí tuệ, với những kinh nghiệm và kết quả đã đạt được, hoạt động khoa học- công nghệ của nhà trường trong thời gian tới sẽ có bước phát triển đột phá, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nhà trường trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu trong lĩnh vực GTVT ở Việt Nam và hội nhập quốc tế.”, ông Long nói.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trao bằng khen chúc mừng các cá nhân có thành tích cao trong hoạt động KHCN giai đoạn 2018-2020

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trao bằng khen chúc mừng các cá nhân có thành tích cao trong hoạt động KHCN giai đoạn 2018-2020

Trước đó, tổng kết hoạt động KHCN nhà trường giai đoạn 2018-2020, PGS.TS. Nguyễn Duy Việt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học GTVT cho biết, đã đạt được những thành tựu nổi bật trong việc triển khai thực hiện các hoạt động KHCN. Trong đó, giai đoạn 2018-2020 đã có sự tăng trưởng nổi bật về số lượng và tổng kinh phí các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia và cấp Bộ mà trường được giao chủ trì so với các năm trước đó và tiếp tục có sự đa dạng trong các nguồn kinh phí với tổng kinh phí khoảng 30-40 tỷ/năm.

Trường đã được giao chủ trì hơn 10 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, hơn 50 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ/tỉnh và tương đương. Năm 2018 và năm 2019, nhà trường đã được Bộ GD&ĐT giao chủ trì 2 chương trình KHCN cấp Bộ trong lĩnh vực xây dựng công trình cầu và giao thông thông minh. Năm 2019, toàn trường có 12 đề tài cấp trường trọng điểm; tính đến hiện tại đã nghiệm thu đúng hạn 3 đề tài đạt kết quả tốt, các đề tài đều có sản phẩm là bài báo quốc tế có uy tín được xuất bản hoặc đơn đăng ký sở hữu trí tuệ đã được chấp nhận.

Hoạt động KHCN và LĐSX của trường đã đóng góp tích cực trong thành tích chung của ngành GTVT khẳng định được thương hiệu và vị thế của nhà trường đối với xã hội. Cụ thể các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã góp phần trực tiếp giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra của ngành và của xã hội như: mặt cầu Thăng Long, cầu treo dân sinh, BRT, vật liệu xây dựng ở vùng biển và hải đảo, máy móc thiết bị xây dựng nội địa hóa, cơ khí chế tạo, điện tử bán dẫn, tự động hóa giao thông,...

Thanh Thúy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dai-hoc-gtvt-phan-dau-la-trung-tam-nghien-cuu-khcn-hang-dau-linh-vuc-gtvt-d485840.html