Đại học Harvard tạo nguồn thu từ đâu mà giàu hơn 120 nền kinh tế thế giới?
Đại học Harvard không chỉ là cơ sở giáo dục đại học uy tín mà còn là trường đại học giàu nhất Hoa Kỳ với quỹ tài trợ được xây dựng thông qua hai con đường là từ các khoản quyên góp và lợi nhuận đầu tư.
Harvard là trường đại học giàu nhất Hoa Kỳ
Không chỉ là một trong những tổ chức giáo dục đại học uy tín nhất, Đại học Harvard còn là cơ sở giáo dục đại học giàu nhất của Hoa Kỳ.
Ivy League là nhóm 8 trường đại học nghiên cứu tư nhân danh giá nhất ở Đông Bắc Hoa Kỳ, gồm: Đại học Brown, Đại học Columbia, Đại học Cornell, Đại học Dartmouth, Đại học Harvard, Đại học Pennsylvania, Đại học Princeton, và Đại học Yale.
Được biết, ngân sách khổng lồ mà các trường cao đẳng và đại học thuộc Ivy League, trong đó có Đại học Harvard đã tích lũy được chủ yếu nhờ các cựu sinh viên giàu có tài trợ. Những sinh viên này do vậy có ảnh hưởng không nhỏ đến các chính sách và cả chương trình giảng dạy của trường đại học.
Đối với Đại học Harvard, khoản tài trợ mà trường nhận được là 50 tỷ USD. Khoản tài trợ này được xác định là lớn nhất trong số các trường đại học tại Hoa Kỳ và lớn hơn GDP của hơn 120 quốc gia, bao gồm các quốc gia như Tunisia, Bahrain và Iceland.
Quy mô quỹ tín thác năm 2023 ở mức 50,7 tỉ USD
Theo báo cáo tài chính gần đây nhất từ quỹ tài trợ của trường, khoản tài trợ của Harvard trong năm tài chính 2023 đứng ở mức 50,7 tỷ USD, giảm nhẹ so với 50,9 tỷ USD của năm trước.
Qua bảng xếp hạng dựa trên dữ liệu tài trợ đối với năm tài chính 2021 của Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Harvard có trụ sở tại thành phố Cambridge, tiểu bang Masschusetts của Hoa Kỳ là cơ sở giáo dục đại học giàu nhất quốc gia này với khoản thu được từ nguồn tài trợ năm tài chính 2021 là 53,2 tỷ USD.
Cũng như nhiều trường đại học khác, Đại học Harvard xây dựng quỹ tài trợ của mình thông qua hai con đường: quyên góp và lãi đầu tư.
Đại học Harvard lưu ý rằng, nguồn tài trợ của họ chỉ mang lại lợi nhuận 2,9% trong năm tài chính 2023 - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 8%. Nhưng các khoản quyên góp đã mang lại cho trường 45% doanh thu thông qua quà tặng và thu nhập tài trợ. Điều này càng khẳng định tầm quan trọng của sự đóng góp tài chính từ các cựu sinh viên giàu có.
Từ các nguồn tài trợ này, trường chi cho các hoạt động và hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Theo đó, trong báo cáo tài chính gần đây nhất của trường, bà Claudine Gay - Hiệu trưởng Đại học Harvard đã trình bày, năm vừa qua, trường đã chi hơn 850 triệu USD để hỗ trợ tài chính cho học viên.
Cụ thể, sinh viên đến từ các gia đình có thu nhập dưới 85.000 USD/năm sẽ được nhà trường tài trợ hoàn toàn. Tuy nhiên, sinh viên đến từ các gia đình có thu nhập từ 85.000 USD/năm đến 150.000 USD/năm sẽ được đóng góp tối đa 10% thu nhập hàng năm.
Học phí của Đại học Harvard năm 2023
Sự hỗ trợ tài chính như vậy được nhà trường cho rằng là rất cần thiết đối với các sinh viên xuất thân từ các gia đình có thu nhập hàng năm dưới 150.000 USD, vì mức học phí và lệ phí cho năm học hiện tại của Đại học Harvard đã ở mức 79.450 USD.
Theo Business Insider, chi phí để theo học tại Đại học Harvard vào năm 1975 là khoảng 5.350 USD. Điều này cho thấy học phí của Harvard đã tăng vọt và nhanh hơn nhiều so với lạm phát.
Lương của Hiệu trưởng Harvard
Theo Harvard Crimson, giữ chức Hiệu trưởng Đại học Harvard có thể là một công việc sinh lợi. Hiệu trưởng Claudine Gay đã kiếm được 879.079 USD vào năm 2021, khi bà còn là chủ tịch đắc cử. Còn hiệu trưởng sắp mãn nhiệm của Harvard, Lawrence S. Bacow, kiếm được hơn 1,3 triệu USD trong năm đó.
Đại học Harvard là một viện đại học tư thục, thành viên của Liên đoàn Ivy và có trụ sở ở thành phố Cambridge, tiểu bang Masschusetts, Hoa Kỳ.
Ngôi trường danh giá này được thành lập vào năm 1636 bởi Cơ quan Lập pháp Thuộc địa Vịnh Massachusetts và trở thành cơ sở học tập bậc cao lâu đời nhất Hoa Kỳ.
Tên trường được đặt theo tên của John Harvard - người đã hiến tặng của cải cho trường.
Nguồn: CBS News