Đại học hội nhập và giấc mơ công dân toàn cầu của sinh viên ngôn ngữ
Quốc tế hóa từ cơ sở vật chất đến chương trình đào tạo, nhiều đại học kỳ vọng thế hệ sinh viên ngành ngôn ngữ có thể dẫn đầu xu hướng hội nhập, trở thành công dân toàn cầu.
Lớn lên trong thời đại bùng nổ Internet, khi con người dễ dàng “rút ngắn” khoảng cách giữa các quốc gia bằng smartphone và mạng xã hội, gen Z sở hữu nhiều đặc điểm khác biệt thế hệ trước. Người trẻ sinh sau năm 1996 cởi mở, có xu hướng rời bỏ khuôn mẫu, thích khám phá bản sắc của các nền văn hóa. Trong khi gen Y mong muốn bước ra thế giới, thì gen Z lại định hướng trở thành “global citizen” - công dân toàn cầu.
Mục tiêu hội nhập của những global citizen không dừng lại ở du lịch check-in, mà hướng đến các trải nghiệm sống và làm việc tại nhiều quốc gia. Vì vậy, nhiều năm trở lại đây, nhóm ngành ngôn ngữ được không ít bạn trẻ lựa chọn. Theo học ngành này, bên cạnh tiếng Anh, gen Z được đầu tư nghiêm túc cho ngôn ngữ thứ 3, trang bị đầy đủ chuyên môn, kỹ năng mềm và trải nghiệm văn hóa. Tất cả đều là hành trang quan trọng để chinh phục giấc mơ công dân toàn cầu.
Quan điểm sống thực tế và lý tính thúc đẩy gen Z đưa ra yêu cầu cao khi chọn đại học cho nhóm ngành ngôn ngữ. Những người trẻ này đề cao môi trường giáo dục có tính tương tác, chương trình giảng dạy sáng tạo, sinh động, thiên về thực hành.
“Vốn yêu thích văn hóa của đất nước mặt trời mọc, tôi dự định theo ngành ngôn ngữ Nhật. Đặc thù của học tiếng Nhật là phải thực hành nhiều mới tiến bộ. Tôi mong muốn được học cùng giáo viên bản xứ, tham gia các hoạt động trao đổi văn hóa Việt - Nhật thường xuyên để tăng cơ hội luyện kỹ năng nghe nói”, Thục Nghi (lớp 12, TP.HCM) chia sẻ.
Cũng như Thục Nghi, Đình Tuấn (lớp 12, Cần Thơ) đang chọn trường để theo học ngành ngôn ngữ Hàn. Đình Tuấn cho biết cậu sẽ rất hào hứng nếu được trở thành đội trưởng của một câu lạc bộ về Kpop. “Trải nghiệm ở đại học sẽ khá buồn tẻ nếu thiếu đi các hội nhóm về văn hóa”, Tuấn cho hay.
“Tôi muốn mọi người nhìn nhận mặt tích cực của cộng đồng fan Kpop. Thông qua các hoạt động quảng bá nền âm nhạc Hàn Quốc, thành viên của câu lạc bộ sẽ hiểu hơn về văn hóa xứ sở kim chi, nâng cao vốn từ vựng thông qua nghiên cứu tài liệu hay dịch lời bài hát.
Biết đâu một ngày không xa, nhờ kinh nghiệm quản lý câu lạc bộ mà tôi có thể gia nhập một công ty giải trí hay truyền thông lớn tại Hàn Quốc”, Đình Tuấn tâm đắc nói về ước mơ của mình.
Bên cạnh đó, trong kỷ nguyên mà chỉ cần vài cú nhấp chuột có thể mở ra cả kho tàng kiến thức, thì phương pháp học truyền thống với bảng đen, phấn trắng và sách vở khó hấp dẫn được những người trẻ có ước mơ trở thành global citizen. Họ cần ở trường học những chương trình giảng dạy tích hợp công nghệ tân tiến, để có thể tiếp cận ngoại ngữ một cách trực quan, thực tiễn.
Những đặc trưng về thói quen học tập và định hướng tương lai của gen Z đã góp phần lớn trong việc định hình lại phương pháp giáo dục đại học hiệu quả. Nhiều đại học đã đổi mới tư duy, phát triển theo mô hình hội nhập, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, chương trình đào tạo từ các đơn vị đào tạo nổi tiếng thế giới.
Theo đó, các trường chú trọng cải cách chương trình học dựa trên cơ chế quốc tế hóa. Đối với ngành ngôn ngữ, nhiều đại học ra sức chiêu dụng giáo viên bản xứ có thực lực từ nhiều nền văn hóa. Nhờ vậy, trong mỗi tiết học, sinh viên buộc phải sử dụng ngoại ngữ để tương tác với giáo viên, từ đó tăng khả năng phản xạ và luyện kỹ năng nghe nói tự nhiên.
Các trường cũng tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh như mở câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, chương trình trao đổi sinh viên quốc tế... để người học trải nghiệm thực tế nền văn hóa các nước. Thay vì gò bó bởi lý thuyết nhàm chán, sinh viên được giải tỏa áp lực, tăng cảm hứng từ việc khám phá những điều mới lạ hay kết nối với bạn bè quốc tế.
Tiếp đến, các trường mạnh tay đầu tư vào cơ sở vật chất để tạo không gian học thân thiện với sinh viên ngôn ngữ. Sinh viên có thể thoải mái tổ chức giao lưu, học hỏi tại các thư viện hiện đại hay khuôn viên rộng lớn. Các giáo trình khó nhằn cũng được “mã hóa” bằng hình ảnh, video hay phần mềm ngôn ngữ.
Năm nay, lứa học sinh ra đời năm 2002 sắp bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học. Điều này đồng nghĩa việc chuẩn hóa giáo dục đại học dành cho thế hệ hậu Millennial đã bước qua năm thứ 6. Trên hành trình dài nỗ lực, không ít trường đã dần cán đích với mô hình đào tạo hội nhập gần như hoàn thiện dành cho nhóm ngành ngôn ngữ, điển hình là Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech).
Nhìn lại thành quả đạt được, đại diện Hutech kỳ vọng sinh viên ngành ngôn ngữ được trải nghiệm môi trường học tập tương tự đi du học. Theo học tại trường, sinh viên các ngành Ngôn ngữ Anh, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc có thể khám phá nhiều quốc gia khác nhau qua hình thức “du học tại chỗ”.
Ngoại trừ ngôn ngữ Anh được đào tạo theo hướng phát triển kỹ năng nghe nói đọc viết do sinh viên đã nắm được kiến thức căn bản từ những bậc học trước, các ngành khác đều được đào tạo bài bản từ sơ cấp. Chọn ngôn ngữ Nhật, Trung Quốc hay Hàn Quốc, sinh viên sẽ bắt đầu bài học cùng hệ thống chữ cái và phát âm, sau đó mới được đào tạo chuyên sâu các kỹ năng khác.
Nhờ hợp tác với các trường đại học lớn đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… trường sở hữu đội ngũ giáo viên ngoại quốc dày dặn kinh nghiệm giảng dạy và am hiểu sâu rộng về văn hóa. Đây là lý do sinh viên Hutech luôn được đánh giá cao về khả năng phát âm và tư duy ngôn ngữ.
Cùng với đội ngũ giáo viên bản ngữ, các phòng học của trường đều được trang bị hệ thống máy tính, máy chiếu chuẩn công nghệ 4.0 cùng phần mềm học tập hiện đại. Điển hình, sinh viên thuộc ngành ngôn ngữ Hàn Quốc được học nghe-nói thông qua ứng dụng e-learning với chuyên gia từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Còn với ngành ngôn ngữ Anh, sinh viên sẽ được tìm hiểu văn hóa Anh - Mỹ qua ứng dụng Tedtalk hay nâng cao kỹ năng dịch thuật qua ứng dụng SDL Trados.
Trường còn có thư viện rộng đến 1.500 m2 với 50.000 đầu sách, gần 200 tờ báo, tạp chí, giúp sinh viên ngoại ngữ có thể tìm hiểu về về văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới.
Những học sinh như Đình Tuấn chắc chắn sẽ thêm điểm cộng cho Hutech khi chọn trường ứng tuyển, vì trường này vốn nổi tiếng tạo điều kiện để sinh viên tổ chức và phát triển các câu lạc bộ. Sinh viên trường có thể tham gia loạt CLB lớn như Tiếng Anh Hutech, Nhật ngữ Asuka, Ngôn ngữ - văn hóa Trung Quốc, Ngôn ngữ - văn hóa Hàn Quốc.
Trong đó, CLB Ngôn ngữ - văn hóa Trung Quốc được biết đến nhiều nhất với lịch trình hoạt động đều đặn cùng nội dung sinh hoạt được đầu tư. Trong hoạt động văn nghệ, giải trí của CLB, các thành viên có thể hóa thân thành nhân vật nổi tiếng lịch sử để thực hành ngôn ngữ với bạn bè và tìm hiểu nền văn hóa lâu đời của Trung Quốc. Nhiều sự kiện giao lưu văn hóa Việt - Trung cũng được CLB này tổ chức đều đặn.
Để giúp sinh viên ngoại ngữ thể hiện tài năng, phát huy sự năng động và tự tin của gen Z, trường cũng phát động nhiều cuộc thi và sân chơi bổ ích. Với ngành Ngôn ngữ Anh, sinh viên có thể đăng ký các cuộc thi như Spelling Bee, Thông dịch viên tương lai, Rung chuông vàng tiếng Anh… Các ngành khác thì có một số cuộc thi như Chiến lược chinh phục Kanji trong 30 ngày, Hùng biện tiếng Nhật, Đại hội thi nói tiếng Hàn.
“Học mà chơi, chơi mà học”, sinh viên không chỉ được rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ cần thiết, mà còn được trau dồi nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề... Đây đều là những kỹ năng mà các doanh nghiệp lớn, công ty quốc tế yêu cầu ở một ứng viên tiềm năng.
Từ cuộc thi ở quy mô trường, không ít tài năng trẻ của Hutech đã ghi danh mình vào các cuộc thi tầm quốc tế như học bổng Pasona Tech - Bộ Công Thương Nhật Bản; tranh biện tiếng Nhật - Học viện J-Dabate tại ngày hội việc làm Singapore 2019; Quiz on Korea 2019; học bổng trao đổi tại ĐH Myongji - Hàn Quốc…
Từng nhận học bổng trao đổi một năm tại Đại học Myongji, bạn Nguyễn Ngọc Trâm Anh - cựu sinh viên ngành Đông phương học (chuyên ngành Hàn Quốc học), chia sẻ: “Nhờ vốn kiến thức, kinh nghiệm được truyền lại từ thầy cô dưới mái trường Hutech và những trải nghiệm tại xứ sở kim chi, giờ đây tôi được làm trợ lý cho một quản lý người Hàn trong một công ty mỹ phẩm lớn. Đồng thời, tôi vẫn dành thêm thời gian đi dạy tiếng Hàn vào buổi tối, tiếp tục đam mê với ngôn ngữ và văn hóa của nước này”.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của mô hình đại học hội nhập là các chương trình giao lưu, trao đổi sinh viên với nhiều đơn vị đào tạo trên toàn thế giới. Hàng năm, sinh viên ngôn ngữ của Hutech được gặp gỡ và kết nối với bạn bè khắp năm châu thông qua hoạt động giao lưu quốc tế phong phú.
Nhiều sinh viên ví trường là một thế giới thu nhỏ. Đến đây, họ có thể “du lịch” đến nhiều quốc gia để trải nghiệm các giá trị văn hóa lâu đời như nghệ thuật xếp giấy Origami, cắm hoa, trang trí mặt nạ Hahoe, thưởng thức trà đạo…
Ngoài ra, trường cũng thường xuyên tổ chức tuần lễ nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật với sinh viên các đại học nổi tiếng như Hosei, Ritsumeikan Asia Pacific, Kobe,... (Ngôn ngữ Nhật); Nam Seoul, Wonkwang, ĐH Myongji… (Ngôn ngữ Hàn); Avans - Hà Lan, Pittsburgh, Lincoln - Mỹ… (Ngôn ngữ Anh).
Đặt mục tiêu sinh viên ra trường có thể hội nhập nhanh chóng với thị trường lao động quốc tế, Hutech đang trong quá trình tăng tốc hoàn thiện mô hình đại học hội nhập. Trường không ngừng nỗ lực nghiên cứu, chuyển giao, quốc tế hóa từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến phương pháp đào tạo, quản lý.
“Chúng tôi luôn hướng đến phương châm giáo dục mới, nơi mà sinh viên không chỉ học trên sách vở, mà còn được tham gia các hoạt động thực tế, đáp ứng tốt yêu cầu từ các doanh nghiệp quốc tế. Ví dụ như ở Hàn Quốc, Nhật Bản, các công ty không đặt nặng vấn đề bằng cấp, họ thường để ý đến việc sinh viên làm những gì khi còn trên ghế nhà trường. Những ứng viên có hồ sơ hoạt động xã hội và tham gia ngoại khóa thường được đánh giá cao hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng ĐH Hutech nhấn mạnh.