Đại học Huế và trường Đại học Duy Tân 'bắt tay' hợp tác toàn diện về đào tạo
Quá trình hợp tác này sẽ giúp tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại của hai Đại học lớn trong quá trình đào tạo.
Ngày 24/3, Đại học Huế và Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa hai bên.
Tham dự có các trường thành viên của Đại học Huế như: Trường Đại học Y – Dược Huế, Trường Đại học Ngoại ngữ Huế, Trường Đại học Nông Lâm Huế...
Mục tiêu của quá trình hợp tác này là nhằm góp phần thúc đẩy việc thực hiện sứ mạng, chiến lược phát triển của mỗi bên.Qua đó, nâng cao vị thế của mỗi bên và đóng góp vào sự nghiệp giáo dục đại học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung và cả nước.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Quang Linh - Giám đốc Đại học Huế, hợp tác giữa hai bên dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phát huy thế mạnh của mỗi bên, cùng có lợi và không gây ảnh hưởng đến bên thứ ba.
Đại học Duy Tân tổ chức hội nghị quốc tế về du lịch
Đại học Huế và Trường Đại học Duy Tân sẽ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động theo chức năng, tập trung vào lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, khoa học và công nghệ ở trình độ cao.
“Trong hoạt động đào tạo thông qua trao đổi giảng viên giảng dạy và hướng dẫn luận án nghiên cứu sinh, luận văn thạc sĩ (theo nhu cầu của từng đơn vị thành viên, thuộc và trực thuộc mỗi bên);
Xây dựng hoặc chia sẻ chương trình đào tạo đại học và sau đại học, tiến đến công nhận tín chỉ lẫn nhau. Đồng tham gia các chương trình đào tạo quốc tế, trao đổi sinh viên.
Hai bên cũng sẽ hợp tác trong đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ; hỗ trợ nhau trong đào tạo trình độ tiến sĩ.
Trong đó Đại học Huế hỗ trợ đào tạo trình độ tiến sĩ một số ngành, hỗ trợ bồi dưỡng các chứng chỉ theo yêu cầu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giảng viên của Trường Đại học Duy Tân.
Hỗ trợ tổ chức thi và cấp chứng chỉ Tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) cho giảng viên và người học của Trường Đại học Duy Tân”, đại diện Trường Đại học Duy Tân cho hay.
Về hoạt động khoa học và công nghệ thì hai bên thông qua tổ chức các nhóm nghiên cứu mạnh liên trường, tiến đến có các nhóm nghiên cứu mạnh quốc gia (cơ chế đóng góp của mỗi bên về nhân lực và/hoặc tài chính được thống nhất trong quy chế hoạt động từng nhóm);
Phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo quốc gia, quốc tế và công bố khoa học quốc tế; chia sẻ cơ sở vật chất và tài nguyên phục vụ nghiên cứu.
Trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thì hai bên phối hợp tổ chức các sự kiện khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả thì Đại học Huế và Trường Đại học Duy Tân đều có một Ban điều hành hoạt động hợp tác để thúc đẩy, giám sát, điều phối các hoạt động.
Ban điều hành này do lãnh đạo mỗi bên làm Trưởng ban, có bộ phận thường trực và một số thành viên.
Trong khuôn khổ thỏa thuận, các đơn vị thành viên, trực thuộc và thuộc tương ứng về chức năng, lĩnh vực chuyên môn của hai bên cụ thể hóa thành các hợp đồng, chương trình, kế hoạch, đề án hợp tác cụ thể, có sự phê duyệt của lãnh đạo mỗi bên.