Đại học nghiên cứu – Chuẩn mới trong phát triển đại học tại Việt Nam
Mô hình đại học nghiên cứu đang được nhắc đến ngày càng nhiều trong những năm gần đây như một bước chuyển quan trọng để đưa đại học Việt Nam hội nhập quốc tế trong quá trình quốc tế hóa giáo dục. Nhưng thực chất khái niệm này là gì và có vai trò như thế nào với các trường đại học, đặc biệt là lợi ích ra sao đối với sinh viên?
Đại học nghiên cứu – Khái niệm mới tại Việt Nam
Khái niệm đại học nghiên cứu (ÐHNC) xuất hiện đầu tiên ở Ðức, được biết đến với tên gọi Mô hình Humboldt (Humboldtsches Bildungsideal) khởi xướng bởi Wilhem von Humboldt – người sáng lập Đại học Berlin vào thế kỷ 19 (nay là Humboldt University of Berlin). Đây là trường đại học đầu tiên trên thế giới kết hợp nhất quán giảng dạy đào tạo và nghiên cứu khoa học, đề cao sự tự do trong học thuật đối với sinh viên, và khuyến khích tự chủ đại học. Sự khai phóng trong học thuật và nghiên cứu trong mô hình Humboldt đã tạo điều kiện cho môt loạt đột phá về mặt khoa học trong giai đoạn đó, dẫn dắt quá trình đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội.
Mô hình ĐHNC, vì thế, đã nhanh chóng tạo ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ ở Đức, mà còn lan rộng sang các nước khác, đặc biệt là ở Mỹ đi đầu bởi ĐH Johns Hopkins, để rồi sau đó trở thành mô hình đại học đa ngành chất lượng cao được tán thưởng trên toàn cầu. ĐHNC không chỉ là trung tâm giảng dạy đào tạo, mà còn thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, sản xuất, xuất khẩu tri thức và chuyển giao công nghệ hiện đại để phục vụ xã hội.
Mặt khác, đặc trưng của giáo dục đại học thế kỷ 21 chính là xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập, với các cuộc cách mạng siêu công nghiệp để hướng tới nền kinh tế tri thức trong chiến lược phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, mô hình ĐHNC càng phát huy vai trò chủ đạo trong việc kết hợp học tập với giải quyết các vấn đề thực tiễn thông qua nghiên cứu, triển khai, chuyển giao công nghệ, phục vụ xã hội… để tạo nên nguồn nhân lực mới chất lượng cao.
VGU tiên phong trong mô hình đại học nghiên cứu ở Việt Nam
Tuy là khái niệm mới, nhưng tại Việt Nam đã có một số ĐH tiên phong phát triển theo mô hình ĐHNC. Trong đó, phải kể đến Đại học Công lập Việt Đức (VGU) – trường ĐH được phát triển dựa trên tinh hoa của hai nền giáo dục, với mô hình chuẩn học thuật của Đức – cái nôi của ĐHNC.
Chính vì được xây dựng ngay từ ban đầu theo mô hình ĐHNC tại Đức nên các hoạt động nghiên cứu tại VGU luôn có vai trò quan trọng, chiếm tối thiểu 50% khối lượng công việc yêu cầu của mỗi giảng viên. Nhờ vậy, dù còn non trẻ, VGU đã vươn lên vị trí 43 trong bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam 2019. Từ năm 2013 đến 2019, VGU đã thực hiện 71 đề tài nghiên cứu trong các lĩnh vực về kỹ thuật lẫn kinh tế ở nhiều quy mô khác nhau, bao gồm 15 dự án quỹ tài trợ quốc tế, 12 dự án Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED), 17 đề tài nghiên cứu cấp bộ, 9 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, 15 đề tài nghiên cứu hợp tác cùng phía doanh nghiệp. Trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ công bố khoa học trên các tạp chí danh giá (ISI/Scopus) nằm ở mức trung bình 1 bài báo/giảng viên/năm – và có sự gia tăng đáng kể trong năm 2019 (1.22 bài báo/giảng viên/năm).
Với các cam kết chất lượng xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu ở các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh tế và quản trị doanh nghiệp, VGU đã bước đầu tạo dựng thương hiệu đặc trưng của một trường ĐHNC, xây dựng được mối quan hệ sâu rộng trong ngành và liên ngành, từ đó nỗ lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Sinh viên được lợi gì từ mô hình ĐHNC của VGU?
Thông qua việc kiến tạo môi trường học tập dựa trên nền tảng nghiên cứu, tập trung vào các trọng điểm nghiên cứu theo định hướng quốc gia, VGU có thể nâng cao chất lượng học thuật đến mức cao nhất cho người học. Sinh viên tại VGU được tạo điều kiện học từ thử thách trải nghiệm, hợp tác chia sẻ với giảng viên và các bạn đồng môn để cùng giải quyết các vấn đề thực tiễn. Môi trường học chất lượng đảm bảo rằng tất cả sinh viên đều có cơ hội được hỏi, được trả lời và đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình học.
Mặt khác, sinh viên của VGU được tiếp cận phương pháp giảng dạy cũng như tài liệu hoàn toàn đạt chuẩn Đức, với sự tham gia của nhiều trường đại học đối tác Đức, mang tính hội nhập quốc tế cao. Cơ sở vật chất hiện đại, phòng lab đạt chuẩn quốc tế tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu và thực hành.
Ngoài ra, với bất kỳ chuyên ngành hay định hướng nghề nghiệp nào, sinh viên sẽ được đào tạo về tư duy sáng tạo, phản biện, lãnh đạo, tinh thần hợp tác giữa các bên, phong cách làm việc quốc tế… Điều này giúp sinh viên VGU luôn có cái nhìn tổng quan hơn về xu hướng phát triển của ngành mình thực học; hiểu biết một cách sâu sắc, chân thực về nghề nghiệp tương lai; đồng thời được trang bị các công cụ và kỹ năng cần thiết để sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo trong thế hệ các nhà khoa học, kỹ sư và quản lý tương lai.
Tìm hiểu thêm về các ngành học và cách thức đăng ký tại đây.