Đại học Nguyễn Tất Thành lọt top 5 trường đại học định hướng ứng dụng đạt tiêu chuẩn 4 sao
Hội thảo quốc tế về 'Đối sánh chất lượng giáo dục đại học' và giới thiệu hệ thống xếp hạng đối sánh do Việt Nam phát triển mang tên 'University Performance Metrics' (UPM), đồng thời công bố kết quả xếp hạng đối sánh - gắn sao lần đầu tiên cho 30 cơ sở giáo dục Việt Nam, ASEAN vừa diễn ra.
Sự kiện do Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN) đồng tổ chức.
Năm nay, có 5 trường đại học của ASEAN và 25 trường đại học tại Việt Nam được UPM gắn sao. Theo kết quả ban đầu, các cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng đạt tiêu chuẩn 4 sao gồm: Trường Đại học Ngoại Thương, Học viện Ngoại giao, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Quy Nhơn, Đại học West Visayas (Philippines) và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Là 1 trong 30 trường đại học đầu tiên được xếp hạng gắn sao là kết quả xứng đáng cho sự nỗ lực của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong suốt thời gian vừa qua, khi liên tục đạt được kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục & Đào tạo, được tổ chức kiểm định QS Stars (Anh quốc) công nhận đạt chuẩn 4 sao. 4 chương trình đào đạt chuẩn AUN – QA, 3 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định theo Thông tư 04 của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
UPM là hệ thống đối sánh chất lượng cơ sở giáo dục đại học do nhóm nghiên cứu của ĐHQGHN sáng lập theo định hướng đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam. UPM thực hiện Xếp hạng chỉ số nghiên cứu, chỉ số quy mô, chỉ số bài báo trung bình trên giảng viên, chỉ số trích dẫn trung bình, chỉ số nghiên cứu nội lực của các cơ sở giáo dục đại học và Xếp hạng gắn sao UPM.
Nội dung của Xếp hạng gắn sao UPM vừa bao gồm các tiêu chuẩn thường thấy tại các hệ thống kiểm định như Đào tạo, Nghiên cứu, Mức độ Quốc tế hóa, Phục vụ cộng đồng mà còn quan tâm đến các tiêu chuẩn như Quản trị chiến lược, Đổi mới sáng tạo, Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Công nghệ thông tin và tài nguyên số.
Đây là một kênh thông tin rất hữu hiệu cho cả học sinh và gia đình trong việc lựa chọn môi trường học tập phù hợp; cho nhà tuyển dụng trong việc tìm nhân sự cũng như ra các quyết định hợp tác giữa giáo dục và doanh nghiệp; cho chính bản thân trường đại học một cơ hội để thấy được chính mình, qua đó xây dựng được chiến lược phát triển làm sao có thể phát huy hết nội lực và tận dụng nguồn lực bên ngoài.