Đại học Phan Thiết đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế

Sáng 12/9, Trường Đại học Phan Thiết đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế 'Công nghệ gia công, công nghệ vật liệu và công nghệ cơ khí' lần thứ 5 - IC3MT 2024.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tham dự hội nghị có Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng, Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Liên ngành Cơ khí Động lực nhiệm kỳ 2024 – 2029. Về phía tỉnh Bình Thuận có ông Nguyễn Hồng Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Đặc biệt, với sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia, cùng giảng viên, sinh viên Trường Đại học Phan Thiết.

Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khắc Thường - Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết cho biết: Trường Đại học Phan Thiết được thành lập năm 2009 và hiện đang là trường đại học đầu tiên và duy nhất tại tỉnh Bình Thuận. Trong những năm qua và định hướng trong các năm tiếp theo, nhà trường chủ trương đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng hợp tác quốc tế, hình thành, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, thúc đẩy các công bố quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI, SCOPUS, đồng thời tăng cường các nghiên cứu khoa học, gắn với đào tạo và phục vụ cộng đồng, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Việc tổ chức Hội nghị quốc tế “Công nghệ Gia công, Công nghệ Vật liệu và Công nghệ Cơ khí” lần thứ 5 là một minh chứng khẳng định hướng đi đó của Trường Đại học Phan Thiết.

 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hồng Hải phát biểu

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hồng Hải phát biểu

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhấn mạnh: Bình Thuận là tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam, có vị trí thuận lợi liền kề các địa phương phát triển như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; nhiều tiềm năng lợi thế về biển, môi trường, hạ tầng giao thông đang được đầu tư đồng bộ (đường bộ cao tốc, cảng hàng không); các cấp chính quyền tỉnh Bình Thuận luôn nỗ lực để lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, xác định khoa học và công nghệ là chìa khóa, là khâu đột phá để mở ra cánh cửa phát triển cho tỉnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp và năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, cải cách hành chính.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, việc phát triển đội ngũ nhân lực trình độ cao, cung cấp kịp thời cho xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được UBND tỉnh Bình Thuận quan tâm, chú trọng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao định hướng phát triển đa dạng ngành nghề đào tạo tại Trường Đại học Phan Thiết, giúp cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đây là nỗ lực rất lớn của Trường Đại học Phan Thiết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các nhà khoa học nghiên cứu về công nghệ vật liệu: Bình Thuận đang có khoảng 13 triệu tấn xỉ than từ Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, cần nghiên cứu ứng dụng xỉ để làm vật liệu, cấu kiện xây dựng. Tình trạng biển xâm thực hiện nay rất nghiêm trọng, trong đó có Bình Thuận, cần nghiên cứu công nghệ vật liệu phục vụ xây dựng đê - kè biển, vừa chống xâm thực, bảo vệ bờ biển, đồng thời đáp ứng yêu cầu mỹ quan, thân thiện môi trường để khai thác các bãi tắm phục vụ phát triển du lịch biển.

Về công nghệ cơ khí: Theo xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo thay năng lượng hóa thạch là tất yếu trong tương lai để hướng đến sự phát triển bền vững - bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất. Đặc biệt, Bình Thuận có lợi thế rất lớn về nắng và gió, chỉ riêng điện gió ngoài khơi, các nhà đầu tư đã đăng ký vào Bình Thuận trên 25.000 MW. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu cấu kiện điện gió ngoài khơi phù hợp với vùng biển của Bình Thuận.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng rằng, với sự tham gia của những nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế, hội nghị lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ gia công, công nghệ vật liệu và công nghệ cơ khí không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Những sáng kiến, nghiên cứu được chia sẻ tại hội nghị sẽ không chỉ dừng lại ở mức lý thuyết mà sẽ được ứng dụng rộng rãi, mang lại những giá trị thiết thực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khắc Thường - Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết phát biểu

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khắc Thường - Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết phát biểu

Các đại biểu phát biểu tại hội nghị

Các đại biểu phát biểu tại hội nghị

Hội nghị Quốc tế về Công nghệ Gia công, Công nghệ Vật liệu và Công nghệ Cơ khí lần thứ 5 - IC3MT 2024 là diễn đàn trao đổi học thuật giúp các nhà nghiên cứu trao đổi, chia sẻ những kết quả nghiên cứu, những sáng kiến trong lĩnh vực vật liệu, cơ khí. Đây cũng là cơ hội để giảng viên, sinh viên Trường Đại học Phan Thiết được học hỏi, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ mới, từ đó áp dụng vào thực tiễn, phục vụ cho sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Thuận.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Được biết, hội nghị quốc tế “Công nghệ gia công, công nghệ vật liệu và công nghệ cơ khí” lần thứ 5 - IC3MT 2024 sẽ diễn ra từ ngày 12-13/9/2024.

THANH THỦY

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dai-hoc-phan-thiet-dang-cai-to-chuc-hoi-nghi-quoc-te-123941.html