Đại học Quốc gia Hà Nội tôn vinh các nhà khoa học có sản phẩm khoa học, công nghệ hữu ích
Ngày 15/5, tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức gặp mặt đại diện nhà khoa học nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) nhằm tôn vinh, ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, phát triển các sản phẩm và giải pháp khoa học và công nghệ hữu ích, góp phần tạo dựng nên thương hiệu, uy tín và vị thế của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong những năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế của đại học tốt nhất Việt Nam, trong nhóm 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của các tổ chức xếp hạng uy tín như Tạp chí Times Higher Education và QS. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Hà Nội có 5 lĩnh vực được xếp vào nhóm 500 thế giới của QS là: Cơ kỹ thuật, hàng không và chế tạo; Vật lý và Thiên văn học; Kinh doanh và Khoa học quản lý; Kỹ thuật điện và điện tử.
Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng quy hoạch hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ và có kế hoạch đầu tư phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh. Không chỉ vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội còn là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về số lượng và chất lượng các công trình khoa học với tỷ lệ công bố thuộc danh mục Scopus gia tăng bình quân khoảng 16%/năm và chiếm khoảng 10% tổng số công bố quốc tế của cả nước.
Các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội đóng góp gần 2.000 bài báo theo chuẩn ISI và SCOPUS mỗi năm, gần 100 sáng chế, giải pháp hữu ích, 15 sản phẩm chuyển giao và khởi nghiệp. Đây là nền tảng giúp gia tăng uy tín của Đại học Quốc gia Hà Nội trong tư vấn chính sách cho các cơ quan trung ương, hợp tác với các đối tác triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp.
Với vị thế là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tham gia đóng góp trong việc tham mưu, tư vấn chính sách cho Chính phủ, các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành và tham gia góp ý quy hoạch của một số địa phương; hợp tác với các đối tác triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã tăng cường hợp tác với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai và xây dựng các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ lớn như: Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh ven biển”; phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng khung chương trình Tây Bắc giai đoạn 2 và đề xuất Ban Chủ nhiệm Chương trình; xây dựng Đề án “Thí điểm liên kết giữa đại học, doanh nghiệp và nhà đầu tư ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ giai đoạn 2023-2028 ở Đại học Quốc gia Hà Nội”.
Nhằm tăng cường thu hút, đãi ngộ, trọng dụng nhà khoa học và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách để tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ đơn vị cũng như đội ngũ nhà khoa học, tiêu biểu như: quy định về chế độ ưu đãi nhóm nghiên cứu mạnh; chương trình tư vấn sức khỏe đối với đội ngũ nhà giáo là giáo sư, phó giáo sư; quy định chế độ làm việc đối với giảng viên; giải thưởng nhà giáo được xét hàng năm dành cho giảng viên xuất sắc, trị giá 300 triệu cho giảng viên xuất sắc nhất và 100 triệu cho giảng viên đứng thứ hai; vinh danh nhà khoa học xuất sắc, với trị giải thưởng hàng trăm triệu đồng…
Hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng được nâng tầm thông qua việc ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Mô hình nhóm nghiên cứu mạnh được Đại học Quốc gia Hà Nội thiết lập từ rất sớm, mô hình này đã được nhân rộng ra ở nhiều cơ sở nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam. Sự phát triển và hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh gắn với mục tiêu tạo sản phẩm khoa học, công nghệ chủ lực, mang thương hiệu Đại học Quốc gia Hà Nội, góp phần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung nguồn lực để triển khai các chương trình, đề tài khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia với 213 phòng thí nghiệm, trong đó có 1 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 10 phòng thí nghiệm cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, 2 trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, 200 phòng thí nghiệm mục tiêu, chuyên đề và thực hành cơ sở.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cảm ơn, chúc mừng các nhà khoa học đã có nhiều đóng góp trong hoạt động nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học chất lượng nhân kỷ niệm ngày khoa học và công nghệ Việt Nam.
Bên cạnh công tác đào tạo, thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội chú trọng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng các nhà khoa học. Sứ mệnh của Đại học Quốc gia Hà Nội là phát triển khoa học cơ bản, đào tạo sau đại học và bồi dưỡng nhân tài. Những sứ mệnh này vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của giáo dục đại học những năm qua và trong thời gian tới.
Thực tế thời gian qua cho thấy, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đẩy mạnh đào tạo khối ngành kỹ thuật công nghệ, khối nhân lực ứng dụng, khối nhân lực đổi mới sáng tạo. Qua đó, đã cơ bản đáp ứng được cơ cấu đào tạo khoảng hơn 30% các ngành xã hội có nhu cầu cao. Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đầu tư kinh phí đào tạo nhân tài trong lĩnh vực khoa học cơ bản; có chính sách tăng lương từ 3 đến 5 lần so với các ngành khác (khoảng 30 đến 40 triệu đồng/người/tháng).
Để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như chất lượng nghiên cứu khoa học, công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang chuẩn bị khởi công dự án xây dựng tòa nhà điều hành và khu vực nghiên cứu; tăng cường các chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng phát triển hiệu quả. Đại học Quốc gia Hà Nội kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, tập trung vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ và hỗ trợ với quan điểm không để tư nhân đào tạo và nghiên cứu thay mà chỉ hỗ trợ những công việc cần thiết. Dự kiến, khu nghiên cứu mới sẽ thu hút 200 doanh nghiệp tham gia, diện tích sàn khoảng 100.000m2, sẽ khởi công trong 2 tháng tới.
Chia sẻ về kế hoạch đầu tư nguồn nhân lực trẻ cho khoa học, công nghệ, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân cho biết, khoa học, công nghệ ở nước ta đang tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn. Chính sách hiện nay đang thu hút nhân tài về nước và đầu tư cho nguồn nhân lực trẻ. Bên cạnh đội ngũ giáo sư, phó giáo sư giỏi đang hoạt động nghiên cứu khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ thu hút đủ 500 tiến sĩ trẻ mà kế hoạch đã đề ra. Để hoàn thành các nhiệm vụ, Đại học Quốc gia Hà Nội không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, nhất là cần có chính sách phù hợp, kịp thời, sự tận tâm cống hiến của tập thể các thầy, cô và các nhà khoa học hơn nữa trong thời gian tới.