Đại học Thái Nguyên: Chất lượng đào tạo là then chốt
Những năm qua, Đại học Thái Nguyên luôn coi chất lượng đào tạo là yếu tố then chốt, góp phần phát triển bền vững và duy trì, mở rộng quy mô đào tạo. Đội ngũ cán bộ, giảng viên toàn Đại học nỗ lực xây dựng đơn vị trở thành địa chỉ uy tín đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhất là khu vực Trung du, miền núi phía Bắc.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở đào tạo (CSĐT) thuộc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) luôn cập nhật, đổi mới chương trình, xây dựng giáo trình giảng dạy phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của xã hội. Coi trọng phát triển tư duy người học, tăng thực hành, đào tạo phát triển kỹ năng thực tiễn.
Công tác quản lý và tổ chức đào tạo được thực hiện theo đúng các quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐHTN và của CSĐT.
Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo khoa học, linh hoạt nhằm tạo điều kiện cho sinh viên học tập tốt nhất; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và phát triển năng lực tự học cho sinh viên.
PGS.TS Nguyễn Danh Nam, Trưởng Ban Đào tạo và Quản lý người học (ĐHTN), khẳng định: Các đơn vị, CSĐT thuộc ĐHTN luôn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng và khai thác hiệu quả trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Hoạt động thực hành, thực tế chuyên môn, thực tập tốt nghiệp được triển khai gắn với các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động; CSĐT tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các thiết bị, phòng học tiếng; đồng thời triển khai kế hoạch đào tạo E-Learning, nhằm giúp tổ chức, quản lý dạy và học trực tuyến một số học phần trong chương trình đào tạo của giáo dục đại học.
Trong năm học qua, các đơn vị đã biên soạn và xuất bản 68 giáo trình phục vụ đào tạo, mua mới 321 đầu giáo trình và 519 đầu sách tham khảo, số hóa được 1.189 giáo trình và 3.584 học liệu điện tử khác...
Toàn ĐHTN đang đào tạo 142 ngành trình độ đại học với trên 250 chương trình đào tạo; 63 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ; 32 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; 20 ngành đào tạo chuyên khoa y dược, 4 ngành đào tạo bác sĩ nội trú và 25 ngành đào tạo trình độ cao đẳng. Trong đó có một số ngành mũi nhọn, phù hợp với xu hướng phát triển và nhu cầu nhân lực của xã hội, như: Vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo...
Riêng năm 2024, ĐHTN đã thẩm định và phê duyệt 1 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, 9 ngành đào tạo trình độ đại học, 3 chương trình dạy và học bằng tiếng Anh (1 chương trình thạc sĩ và 2 chương trình đại học) và 7 chương trình liên kết quốc tế (6 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ và 1 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ)...
Năm 2024, tổng số thí sinh trúng tuyển nhập học đại học, cao đẳng hệ chính quy là 17.246 (tăng 4.057 sinh viên so với năm 2023), trong đó có 16.021 sinh viên hệ đại học, 1.225 sinh viên hệ cao đẳng. Điểm trúng tuyển cao hơn nhiều so với các năm trước.
Đặc biệt, điểm trúng tuyển của nhóm ngành đào tạo giáo viên và nhóm ngành sức khỏe ở mức khá cao, cao nhất là ngành Sư phạm Lịch sử với điểm trúng tuyển 28,6, ngành Sư phạm Ngữ văn có điểm trúng tuyển 28,56; ngành Răng - Hàm - Mặt của Trường Đại học Y - Dược có điểm trúng tuyển 26,35; các CSĐT còn lại, mức điểm dao động từ 16 đến 25 điểm.
Hiện, quy mô đào tạo của toàn Đại học là 81.082 người, tăng 14.178 sinh viên so với năm 2023. Trong đó, trình độ đại học, cao đẳng chính quy là 55.437 sinh viên; liên thông chính quy 1.466 sinh viên; đào tạo cấp bằng đại học thứ hai chính quy là 536; vừa làm vừa học là 11.310; hệ đào tạo từ xa là 12.333.
Các CSĐT tăng mạnh quy mô đào tạo so với trước là: Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, Trường Đại học Khoa học... Số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm đạt trên 11 nghìn, trong đó có việc làm khoảng từ 80-90% (việc làm phù hợp và đúng ngành đào tạo). Về cơ bản, sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Thời gian tới, ĐHTN tiếp tục phát triển một số ngành đào tạo trọng điểm trình độ đại học đạt chuẩn khu vực và quốc tế; phát triển các chuyên ngành đào tạo nền tảng; tăng tính liên thông giữa các ngành đào tạo, đa dạng hóa hình thức đào tạo; phát triển hệ sinh thái giáo dục đại học theo hướng hiện đại, dân chủ, sáng tạo, cá nhân hóa, học tập suốt đời và phát triển toàn diện người học... Đặc biệt là tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường thực hành gắn với nhu cầu của đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động, giúp sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc.