Đại hội cổ đông VPBank: GPBank sẽ có lãi trong năm 2025; muốn mở công ty bảo hiểm nhân thọ, mua công ty quản lý quỹ

Chiều nay (28/4), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng -VPBank (mã chứng khoán: VPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, với nhiều nội dung quan trọng như chia cổ tức, kế hoạch kinh doanh, thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ, mua công ty quản lý quỹ…

Tại Đại hội, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản hợp nhất vượt 1,13 triệu tỷ đồng. Đến cuối tháng 3, tổng tài sản của VPBank đã đạt trên 994.000 tỷ đồng, dự kiến trong tháng 4 hoặc tháng 5 sẽ vượt mốc 1 triệu tỷ.

“Từ đầu năm đến cuối tháng 4, CASA ngân hàng đã tăng 25%, dự kiến đến cuối năm tăng hơn 100.000 tỷ. So với một số ngân hàng đi đầu khác thì còn xa nhưng chúng tôi hướng tới mức tăng trưởng 7% so với năm trước”, ông Vinh cho hay.

Cuối quý I/2025, VPBank tăng trưởng tín dụng 5,3%, cao hơn mức chung hệ thống, nếu tính cả dư nợ tín dụng hỗ trợ GPBank thì đạt hơn 8,4%. Lợi nhuận hơn 5.000 tỷ đồng, đạt hơn 20% kế hoạch năm.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông VPBank.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông VPBank.

Trong năm nay, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với năm liền trước. Đây cũng là mục tiêu lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này.

Trong đó, riêng lợi nhuận ngân hàng mẹ là 22.219 tỷ, tăng 22%, phần còn lại sẽ đến từ nhóm công ty con gồm tài chính tiêu dùng (FE Credit), chứng khoán (VPBankS) và bảo hiểm (OPES). Đáng chú ý, năm nay, FE Credit đặt mục tiêu thu về 1.126 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Để đạt mục tiêu kể trên, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 25%, tổng dư nợ đến cuối năm theo đó dự kiến đạt 887.724 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Vinh cho biết thị trường vẫn tồn tại nhiều khó khăn, trong đó có chính sách thuế quan của Mỹ. Hiện tại, ban lãnh đạo VPBank đang xem xét, đánh giá và dự báo tác động từ chính sách thuế quan này, từ đó đề ra các kịch bản, giải pháp để hạn chế tác động từ các biến động kinh tế toàn cầu, trong nước tới ngân hàng.

Về GPBank, ông Vinh thông tin, VPBank đang xây dựng các phương án để khôi phục hoạt động của GPBank để chuyển từ một ngân hàng lỗ liên tục trở thành một ngân hàng có lãi trong năm 2025. Trước khi chuyển giao cho VPBank, GPBank lỗ bình quân năm khoảng 1.000 tỷ đồng trở lên.

“Hôm nay (29/4), chúng tôi đã nhận được danh sách nhân sự được NHNN chuẩn y và chuẩn bị cử người của VPBank sang. Hiện đã sắp kết thúc giai đoạn xây dựng chiến lược cho GPBank từ đối tác Mc Kensey. Chúng tôi tin tưởng là sẽ tái cơ cấu GPBank thành công", Tổng giám đốc VPBank khẳng định.

Sau khi nhận chuyển giao GPBank, VPBank nằm trong nhóm được nới room ngoại lên 49%, lãnh đạo ngân hàng cho biết: “Room ngoại trên sàn chưa hết nhưng có thể hết bất kỳ lúc nào. Việc được nới này rất quan trọng, chúng ta có điều kiện, cơ hội để tăng tỷ lệ sở hữu của đối tác chiến lược, hoặc mời thêm đối tác mới”.

Tại Đại hội, ban lãnh đạo VPBank cũng đưa ra kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 500 đồng. Số tiền ngân hàng dự kiến dùng để trả phần cổ tức tiền mặt này là gần 4.000 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo ngân hàng, VPBank sẽ duy trì chính sách trả cổ tức tiền mặt 5 năm liên tiếp, năm 2025 là năm thứ 3 chia cổ tức bằng tiền mặt, với tổng số tiền đã dành tới 20.000 tỷ đồng.

Một kế hoạch quan trọng khác được đưa ra là việc chi 2.000 tỷ đồng để góp vốn thành lập công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Trong đó, tỷ lệ tham gia của VPBank tối đa là 100%, tỷ lệ cụ thể sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận với các bên liên quan và/hoặc đối tác cũng như các quy định pháp luật.

VPBank cũng dự kiến góp vốn, nhận chuyển nhượng phần vốn góp/mua cổ phần để sở hữu một công ty con trong lĩnh vực quản lý quỹ.

Cụ thể, vốn điều lệ dự kiến của công ty quản lý quỹ đáp ứng yêu cầu của pháp luật. Mức vốn điều lệ của công ty sẽ trên hiện trạng cụ thể doanh nghiệp mục tiêu và theo thỏa thuận với các bên/các nhà đầu tư liên quan. Giá mua/giá trị giao dịch dựa theo cơ chế thỏa thuận với các bên liên quan, hiện trạng doanh nghiệp mục tiêu, điều kiện thị trường và các yêu cầu pháp luật có liên quan.

Ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch HĐQT cho biết, bảo hiểm nhân thọ và quản lý quỹ là "hai mảnh ghép" còn thiếu của VPBank. Việc bổ sung "hai mảnh ghép" này giúp hoàn thiện hệ sinh thái của VPBank. Ngoài ra, việc lập công ty bảo hiểm cũng giúp VPBank chủ động mô hình kinh doanh và chăm sóc khách hàng.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/dai-hoi-co-dong-vpbank-gpbank-se-co-lai-trong-nam-2025-muon-mo-cong-ty-bao-hiem-nhan-tho-mua-cong-ty-quan-ly-quy-1106450.html