Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ
Đến năm 2024 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 1,8 lần so với hiện nay; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 4 - 5%, giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn, giảm 50% số thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định trên 90%... Đây là mục tiêu đề ra tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ lần III năm 2019, tổ chức ngày 22/11, với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”.
Đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ, cùng 250 đại biểu đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh dự Đại hội.
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh biểu dương, chúc mừng những kết quả đạt được trong công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc của tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là sự cố gắng, phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh đề nghị các cấp, ngành tỉnh Phú Thọ tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới; chú trọng rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh đối với đồng bào dân tộc, kiến nghị, đề xuất với Trung ương về việc sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với tình hình địa phương.
Tỉnh cần ưu tiên đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế toàn diện, tạo sự bứt phá về tốc độ và chất lượng tăng trưởng, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng dân tộc, các xã miền núi với đồng bằng, trung du.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số… Tỉnh tập trung củng cố hệ thống chính trị cơ sở; phát huy vai trò của các già làng, người uy tín trong cộng đồng, tạo điều kiện để đồng bào tích cực, chủ động tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh; xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành căn cứ hậu phương trong khu vực phòng thủ tỉnh vững mạnh, tin cậy…
Đại hội đã thông qua quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ lần thứ III - năm 2019 với sự nhất trí cao của các đại biểu.
Tại Đại hội, có 2 tập thể đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 25 tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 26 tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc trong những năm qua.
Qua 5 năm thực hiện mục tiêu Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ lần thứ II - năm 2014, đến nay, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số không còn hộ đói, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt bình quân 4%/năm, số hộ nghèo dân tộc thiểu số năm sau đều giảm hơn so với năm trước (riêng năm 2018, giảm 2.406 hộ). Tỉnh cơ bản xóa bỏ tình trạng nhà tạm, nhà dột nát; 85% số lao động trong độ tuổi có việc làm; thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số ước đạt 21,1 triệu đồng/người/năm. Huyện Tân Sơn là 1 trong 8 huyện nghèo trên cả nước được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020…