Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Như Xuân lần thứ XXIII: Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển
Sáng 6-8, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Như Xuân lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc.
Toàn cảnh đại hội.
Dự đại hội có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Võ Duy Sang, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo huyện Như Xuân qua các thời kỳ, cùng 248 đại biểu chính thức đại diện cho 4.400 đảng viên trong Đảng bộ huyện.
Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ.
Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện Như Xuân phát huy nội lực, đoàn kết thống nhất, tập trung trí tuệ; không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, khai thác tiềm năng lợi thế, tranh thủ mọi nguồn lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đồng chí Dương Văn Mạnh, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu khai mạc Đại hội.
Trong tổng số 28 chỉ tiêu Đại hội khóa XXII đề ra, có 25 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức, trong đó nổi bật là: Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 17,2%, vượt 0,2% mục tiêu đại hội. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 7.479,8 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 32 triệu đồng, tăng gần gấp 2 lần năm 2015. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật; bình quân toàn huyện đến nay đạt 14,29 tiêu chí/xã, tăng 5,12 tiêu chí so với năm 2015; đã có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 72 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 5 xã và 68 thôn so với năm 2015, vượt 3 lần mục tiêu đại hội.
Đồng chí Trần Mạnh Long, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội.
Văn hóa – xã hội có chuyển biến tiến bộ, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy, công tác trùng tu tôn tạo công trình văn hóa được quan tâm; công tác giảm nghèo đạt kết quả toàn diện, là huyện đầu tiên của tỉnh ra khỏi huyện nghèo; quốc phòng - an ninh được giữ vững, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường và có nhiều nét mới; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước có chuyển biến tích cực; khối đoàn kết toàn dân củng cố vững chắc.
Với phương châm hành động Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển, nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ huyện Như Xuân đã đề ra 27 chỉ tiêu chủ yếu; 3 chương trình trọng tâm; 2 khâu đột phá và 9 nhiệm vụ giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc; khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, công nghệ cao theo chuỗi giá trị gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển đô thị là quan trọng; tập trung chỉ đạo phát triển 3 vùng kinh tế của huyện; tăng tính kết nối với các địa phương trong quá trình phát triển; bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, chăm lo giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh; phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong những huyện dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh.
Các tham luận tại Đại hội đã tập trung phân tích, làm rõ thêm những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020; đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất các giải pháp vào Báo cáo Chính trị để Đảng bộ huyện Như Xuân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Như Xuân đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.
Để đưa Như Xuân phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, vững chắc hơn trong thời kỳ mới, phấn dấu đến năm 2025 trở thành một trong những huyện dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị huyện Như Xuân cần bám sát quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từ đó chủ động đánh giá lại hiệu quả quy hoạch huyện, các mô hình, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, làm cơ sở để rà soát, điều chỉnh, nâng cao chất lượng các quy hoạch vùng huyện đảm bảo khoa học, bài bản, có tầm nhìn dài hạn; bảo đảm tính liên kết trong phát triển của huyện Như Xuân đối với các vùng khác, nhất là kết nối với Khu Lam Sơn - Sao Vàng, Khu Kinh tế Nghi Sơn, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng Bến En và các huyện phía tây tỉnh Nghệ An; bảo đảm kết nối hài hòa với tổng thể phát triển chung của tỉnh và các địa phương trong vùng.
Huyện cần xác định rõ động lực, các đột phá, mũi nhọn phát triển, trên cơ sở đó huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài huyện cho đầu tư phát triển.Tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu nâng cao thu đời sống nhân dân. Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư vào nông nghiệp, trọng tâm là các loại cây ăn quả, sản xuất rau an toàn, chăn nuôi gia súc theo hướng gia trại, trang trại an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường; phát triển rừng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn và trồng cây dược liệu...
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng các xã và làng bản đạt tiêu chí nông thôn mới bền vững.
Cùng với phát triển kinh tế cần xác định giáo dục đào tạo là vấn đề chiến lược để giảm nghèo bền vững và nâng cao dân trí; chú trọng quan tâm hơn nữa đời sống văn hóa tinh thần nhân dân; bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống xủa đồng bào các dân tộc trong huyện gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ quan, làng bản và xã văn minh, kiểu mẫu. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc. Tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ và các đảng bộ, chi bộ cơ sở.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh yêu cầu ngay sau Đại hội, cấp ủy, chính quyền huyện Như Xuân cần bắt tay ngay vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy chế làm việc, chương trình công tác toàn khóa; phân công trách nhiệm cho từng đồng chí cấp ủy viên theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo từng lĩnh vực; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội và Chương trình hành động, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành đạt kết quả cao nhất.
Buổi chiều cùng ngày, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Như Xuân lần thứ XXIII tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Ngày 7-8, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Như Xuân lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tiếp tục làm việc và bế mạc.