Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V: Đổi mới và bứt phá trong thời đại 4.0
Ngày 12/7, tại Hà Nội, đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V (Đại hội khóa V) nhiệm kỳ 2023-2028. Đến dự Đại hội có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.
Tham dự Đại hội gồm các đại biểu: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ; Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm;… cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương liên quan.
Với chủ đề "Hội Xuất bản Việt Nam, đổi mới, hội nhập và phát triển", Đại hội khóa V tập trung vào ba nội dung chính: Đánh giá kết quả hoạt động Hội Xuất bản Việt Nam, nhiệm kỳ 2017-2023 và đề ra phương hướng hoạt động giai đoạn 2023-2028; Bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028; Họp phiên họp lần thứ nhất Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028 bầu Ban Thường vụ, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ, Đại hội lần thứ V diễn ra trong bối cảnh xuất bản trong nước và thế giới đang có những thay đổi sâu sắc về nhiều mặt. Những nội dung thảo luận tại Đại hội và những nhiệm vụ, giải pháp đề ra sẽ có ý nghĩa thiết thực góp phần xây dựng tổ chức Hội Xuất bản Việt Nam ngày càng vững mạnh, hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần cùng các cơ quan chỉ đạo, quản lý từng bước thúc đẩy nền xuất bản cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại, chủ động hội nhập với xuất bản khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2017-2023, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Phong Hà cho biết: Từ năm 2017 đến nay, tình hình thế giới và một số khu vực có những diễn biến phức tạp, đất nước ta đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết.
Trong bối cảnh đó, Hội đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra với một số kết quả quan trọng như: Kiện toàn được 05 ban chuyên môn và xây dựng được bộ quy chế hoạt động (gồm 09 quy chế hoạt động hội và 01 quy chế chi tiêu của Giải thưởng Sách Quốc gia). Hội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia đạt nhiều thành công, nâng tầm về quy mô, chất lượng so với Giải thưởng Sách Việt Nam trước đây. Hội đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và có đóng góp tích cực trong Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IV, V, VI, VII, VIII; Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2016-2017; 2018-2020 và 2021-2023. Hội đã đại diện cho hội viên tích cực tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của ngành Xuất bản, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên.
Ngoài ra, hoạt động tích cực có hiệu quả của văn phòng đại diện Hội phía Nam và Công ty TNHH MTV Đường sách thành phố Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ vừa qua đã góp phần phát triển văn hóa đọc, gắn kết với hội viên. Với những thành tích trên, Hội Xuất bản Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành Xuất bản, được xã hội ghi nhận, được Đảng và Nhà nước công nhận là 01/30 hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.
Bên cạnh một số kết quả đạt được, Hội vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của hội viên chưa thường xuyên; việc chăm lo bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên còn hạn chế; công tác phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên chưa làm được nhiều; Có một số công việc liên quan công tác tổ chức hội, phát triển hội viên, thẻ hội viên…
"Qua đó, để phát huy kết quả, khắc phục những hạn chế, trong nhiệm kỳ tới, Hội Xuất bản Việt Nam tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của tổ chức quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Tăng cường công tác động viên, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội V Hội Xuất bản Việt Nam. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các Ban chuyên môn của Hội đáp ứng với yêu cầu về mô hình và quy trình của xuất bản, phát hành sách trong quá trình chuyển đổi số và cách mạng công nghệ 4.0. Chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, tích cực đóng góp xây dựng ngành Xuất bản Việt Nam theo hướng "tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa" như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra" – ông Hoàng Phong Hà nói.
Sau khi nghe Báo cáo kết quả hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2017 - 2023 và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2023 - 2028 và các tham luận của các đại biểu, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đánh giá cao hoạt động và những đóng góp của Hội Xuất bản Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tuy nhiên, để Hội Xuất bản Việt Nam có thể khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò của mình, trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị:
Thứ nhất, ngành xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam cần nắm vững, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; có những giải pháp, biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, khả thi để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách, trước mắt là đóng góp tích cực vào Tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW Về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản vào năm 2024; bảo đảm phát triển tốt đi đôi với chỉ đạo, quản lý tốt…
Thứ hai, Hội Xuất bản Việt Nam cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của mình là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của người làm công tác xuất bản, là một trong những Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Do đó, Hội Xuất bản Việt Nam cần tiếp tục triển khai việc thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22.9.2014 của Bộ Chính trị và Thông báo Kết luận số 158-TB/TW ngày 2.1.2020 của Ban Bí thư khóa XII Về việc tiếp tục thực hiện kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới.
Thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa các nội dung hoạt động phù hợp trong bối cảnh thời đại 4.0, ngành xuất bản phải triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số, tiếp tục phát triển và thích ứng với thế giới số hóa ngày càng phát triển; góp phần thực hiện thắng lợi một trong ba đột phá chiến lược của phát triển đất nước mà Đại hội XIII nêu ra là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Thứ tư, Hội cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của Hội. Quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển hội viên, thu hút đông đảo các hội viên đang hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, phát hành; đồng thời mở rộng thu hút các hội viên đang hoạt động trên các lĩnh vực liên quan tạo động lực cho phát triển xuất bản và văn hóa đọc như: truyền thông, thư viện, công nghệ số...
Thứ năm, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong Hội Xuất bản Việt Nam và trong các nhà xuất bản, công ty phát hành sách theo tinh thần của Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bằng những chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, sát hợp với thực tế, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng và phát triển Hội. Bên cạnh đó, Hội Xuất bản Việt Nam tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên.
Trong khuôn khổ Đại hội, còn diễn ra lễ ra mắt Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028. Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản Phạm Minh Tuấn giữ chức vụ Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa V.
Đại diện Ban Chấp hành nhiệm kì mới, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa V Phạm Minh Tuấn khẳng định, Hội sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí, đổi mới hoạt động, chung sức, chung lòng, vì một nền xuất bản cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, vì Tổ quốc, vì nhân dân; chủ động hội nhập với xuất bản khu vực và thế giới; vì sự nghiệp phát triển văn hóa đọc; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hội viên, hỗ trợ, giúp đỡ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần xây dựng, phát triển ngành Xuất bản và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước..../.