Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI

Ngày 30-8, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027 (viết tắt là Đại hội XI) được tổ chức trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 502 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 7,2 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Đại hội vinh dự và xúc động được đón nhận lẵng hoa chúc mừng của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

 Các đại biểu tham dự đại hội. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu tham dự đại hội. Ảnh: TTXVN

Tham dự đại hội có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội Trung ương và địa phương; lãnh đạo tỉnh ủy, UBND, HĐND các tỉnh, thành phố là chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ các địa phương; đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, các hội quốc gia tại Việt Nam, đại diện các đoàn ngoại giao, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, chức sắc tôn giáo.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan khu trưng bày hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam qua các thời kỳ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan khu trưng bày hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam qua các thời kỳ.

Phát biểu khai mạc đại hội, đồng chí Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa XI cho biết: "Hướng về Đại hội toàn quốc lần thứ XI, đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước đã hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn", "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật", "Hành trình đỏ - kết nối dòng máu Việt " cùng hàng ngàn công trình, phần việc thiết thực, hiệu quả là tiền đề cho hoạt động hội nhiệm kỳ tới.

Hiện nay, Hội Chữ Thập đỏ đang ở giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hội nhập với nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Tại đại hội lần này, chúng ta cùng nhau đánh giá kết quả mọi mặt công tác hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ vừa qua, thêm một lần đúc rút những bài học kinh nghiệm quý; xác định thời cơ, thách thức và trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ý kiến của đại hội để quyết định mục tiêu, nhiệm vụ công tác hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ tới; bầu cử các cơ quan lãnh đạo của hội và suy tôn Chủ tịch Danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa XI; thông qua Nghị quyết Đại hội XI, nhiệm kỳ 2022-2027”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được suy tôn là Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa XI. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được suy tôn là Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa XI. Ảnh: TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với vai trò nòng cốt, đầu mối trong công tác nhân đạo, từ thiện đã và đang chung tay cùng toàn xã hội chăm lo cuộc sống của những người dân khó khăn.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt Chỉ thị 43 CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, xác định công tác nhân đạo là một bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy Đảng, tổ chức đảng và các cơ quan trong hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Chữ thập đỏ trong việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng, ban hành các cơ chế chính sách về công tác nhân đạo, tạo thuận lợi để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương thường xuyên củng cố tổ chức hội và phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối, đầu mối điều phối của hội trong hoạt động nhân đạo, từ thiện tại địa phương; quản lý thật tốt các hoạt động từ thiện; đồng thời kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đồng bào trong và ngoài nước tiếp tục phát huy truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc, chủ động, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cùng nhân lên những tấm gương người tốt, việc thiện ở mỗi cơ quan, trường học, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng.

Với chủ đề “Xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước”, Đại hội XI hướng tới mục tiêu xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, thiết thực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái, đóng góp tích cực trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

 Quang cảnh Đại hội XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Quang cảnh Đại hội XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Nhiệm kỳ 2022-2027, đại hội đề ra một số chỉ tiêu cơ bản: 100% tỉnh, thành hội triển khai phong trào: "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái"; quản lý và trợ giúp ít nhất 500.000 địa chỉ nhân đạo; hỗ trợ 1 triệu trẻ em nghèo, khuyết tật trong chương trình "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật"; hỗ trợ ngư dân làm việc trên 90.600 tàu, thuyền đánh bắt cá, 1.300 hộ ngư dân có "Mái ấm nhân đạo" trong chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn"…

Cùng với đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã đề ra các định hướng lớn gồm: Hai khâu đột phá: Vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động hội, chủ trì cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo; Phát triển mạnh mẽ lực lượng tình nguyện viên, hình thành mạng lưới tổ, nhóm thiện nguyện trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo.

Một phong trào lớn - "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" và một cuộc vận động lớn - "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", hai chương trình trọng điểm là: Chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" hướng đến cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại 291 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo thuộc 23/28 tỉnh, thành phố có biển; Chương trình "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật" hướng đến hỗ trợ dinh dưỡng và cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ tập trung tại 27 tỉnh, thành phố…

Tại đại hội, các đại biểu đã thông qua báo cáo kết quả công tác hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ Đại hội X (2017-2022), phương hướng nhiệm vụ, nhiệm kỳ Đại hội XI (2022-2027); quyết định tiếp tục thực hiện Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (Khóa X). Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XI gồm 111 vị. Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XI tại kỳ họp thứ nhất đã bầu 30 Ủy viên Ban Thường vụ, bầu Chủ tịch và 3 Phó chủ tịch Trung ương Hội, Ban Kiểm tra gồm 9 đồng chí. Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch hội khóa X được bầu giữ chức Chủ tịch hội khóa XI. Đại hội đã suy tôn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa XI.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Trung tâm Truyền hình Nhân đạo trực thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Trung tâm Truyền hình Nhân đạo trực thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Trung tâm Truyền hình Nhân đạo (Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) vì đã có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2017-2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NHẬT MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-hoi-chu-thap-do-viet-nam-lan-thu-xi-704133