Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V: Tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên
Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) của Đảng, nước ta diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Bên cạnh những thành tựu, nước ta gặp vô vàn khó khăn do hậu quả chiến tranh và phải thực hiện cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả tại Campuchia... Công tác lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội của Đảng và Nhà nước, một mặt có những ưu điểm và tiến bộ, mặt khác cũng có nhiều nhược điểm và khuyết điểm. Vì thế, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng sẽ kiểm điểm việc chấp hành đường lối mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV đã vạch ra, tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp từ ngày 27 đến 31-3-1982 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.033 đại biểu thay mặt cho 1.727.000 đảng viên cả nước. 47 đoàn đại biểu quốc tế cũng tham dự Đại hội.
Đại hội đã nghe đồng chí Trường Chinh đọc lời khai mạc Đại hội. Đồng chí Lê Duẩn đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Phạm Văn Đồng đọc Báo cáo về nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Đồng chí Lê Đức Thọ đọc Báo cáo về xây dựng Đảng.
Báo cáo chính trị đã đánh giá toàn diện những thắng lợi mà Đảng và nhân dân ta đã giành được trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc từ sau đại thắng mùa xuân 1975. Báo cáo khẳng định: Thành công rực rỡ của Đảng và nhân dân ta đã nhanh chóng thống nhất đất nước về mặt nhà nước, triển khai thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy quá trình thống nhất về mọi mặt, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc; thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đã bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, góp phần củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực…
Đại hội đã thảo luận và nhất trí thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương, đề ra những nhiệm vụ có tính chất chiến lược trong cuộc đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, vạch ra phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội trong 5 năm (1981-1985) và thập kỷ 80 của thế kỷ XX, quyết định phương hướng xây dựng Đảng và các vấn đề bổ sung Điều lệ Đảng. Văn kiện Đại hội xác định 12 nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn mới. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là: “Giải quyết những vấn đề cấp bách nhất để ổn định và cải thiện một bước đời sống của nhân dân”.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 116 ủy viên chính thức và 36 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là đồng chí Lê Duẩn.
Phát biểu bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Đại hội đánh dấu một bước chuyển mới về sự lãnh đạo của Đảng trên con đường đấu tranh “Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”. Tổng Bí thư Lê Duẩn nhấn mạnh: Trước mắt chúng ta là một chặng đường phấn đấu gay go, phức tạp. Song toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang được tiếp thêm sức sống mới do những nghị quyết lịch sử của Đại hội đem lại. Chúng ta nhất định thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Không trở lực nào ngăn cản nổi bước tiến của chúng ta…