Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 - 2030: Đánh dấu một giai đoạn phát triển mới
Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 - 2030 là sự kiện chính trị rất quan trọng của tỉnh. Đại hội được tổ chức vào thời điểm đất nước ta trải qua 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 33 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (4/1992 - 4/2025), 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh. Năm 2025, năm tổ chức Đại hội Đảng bộ với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của Đảng và dân tộc: 95 năm thành lập Đảng (3/2), 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), 80 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9).
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV có nhiệm vụ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ; tổng kết, đánh giá những thành tựu đạt được, những hạn chế, tồn tại, làm rõ nguyên nhân, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ trong 5 năm tới (2025 - 2030); thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện chính trị trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đại hội Đảng bộ sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV và Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, dự kiến vào tháng 01/2026.
Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng triển khai quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Ảnh Chí Bảo
Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định Đại hội XV của Đảng bộ là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng trên con đường phát triển của tỉnh, đặc biệt từ ngày tái lập tỉnh và 5 năm gần đây; cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tự lực, tự cường phấn đấu vươn lên thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của địa phương; tạo tiền đề cho tỉnh bước vào giai đoạn mới phát triển nhanh, bền vững đến năm 2030 trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cùng cả nước phấn đấu đến năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Để chuẩn bị tốt cho đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, các hướng dẫn của các ban xây dựng Đảng Trung ương… Gắn liền với đó Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch về đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030. Tỉnh ủy đã thành lập các tiểu ban của Đại hội Đảng bộ, ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho các tổ nghiên cứu chuyên đề, Tổ biên tập văn kiện và các thành viên tiểu ban…
Do tính chất quan trọng của đại hội, Tỉnh ủy yêu cầu công tác chuẩn bị về tổ chức đại hội phải được các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo đúng nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của Đảng; phát huy dân chủ, thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng bộ. Đối với tỉnh, việc chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội Đảng bộ tỉnh, đặc biệt là Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, sẽ được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc, có chất lượng; tập trung thảo luận thật kỹ lưỡng, sâu sắc, toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; trao đổi, thống nhất về chủ đề, phương châm đại hội; xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới, đặc biệt là phát hiện, tìm tòi những vấn đề mới, những nhân tố tích cực, điển hình, các mô hình hiệu quả để tiếp tục đổi mới, bổ sung, phát triển. Báo cáo chính trị có sự tham gia, đóng góp của các cơ quan, đơn vị Trung ương, địa phương, Mặt trận Tổ quốc; các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; các đồng chí nguyên lãnh đạo các cấp; đội ngũ trí thức, nhà nghiên cứu, quản lý… trong và ngoài tỉnh.
Công tác nhân sự đại hội đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của Đảng, của Tỉnh ủy; việc chuẩn bị nhân sự và bầu cử thực hiện đúng nguyên tắc, quy định, quy trình của Đảng; chú trọng phát hiện, lựa chọn, giới thiệu những cán bộ thật sự tiêu biểu, nổi trội về phẩm chất, trí tuệ, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đã kinh qua thực tiễn, có thành tích, kết quả sản phẩm công tác và uy tín. Đồng thời, kiên quyết không để “lọt” vào cấp ủy khóa mới những người có bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; ý thức tổ chức kỷ luật kém; mất đoàn kết, tham vọng quyền lực; tư duy nhiệm kỳ, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực “lợi ích nhóm”…
Cùng với công tác chuẩn bị nội dung văn kiện, phương án nhân sự và các điều kiện phục vụ đại hội đảng các cấp trong tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm đang triển khai thi công trên địa bản tỉnh; các đề án, chương trình phát triển nông nghiệp bền vững; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa; tăng thu ngân sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách an sinh xã hội… Phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024, tạo tiền đề vững chắc tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 - 2030 thành công tốt đẹp.
LÂM TẤN HÒA - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng