Đại hội Đảng XIII: Hà Nội, TP.HCM hướng tới chính quyền số
Hà Nội và TP.HCM cùng đặt định hướng phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trình bày tham luận tại Đại hội XIII của Đảng sáng nay (27/1), Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu những kết quả đạt được của TP trong những năm qua.
Cụ thể, kinh tế Thủ đô tiếp tục có bước tăng trưởng khá, GRDP tăng 7,39%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, cao hơn bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế của Hà Nội đã và đang chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng tăng nhanh, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 2,05%.
Đặc biệt, tuy chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp vào nền kinh tế - tài chính quốc gia trên 16% GDP, gần 19% thu ngân sách, trên 20% thu nội địa.
Nhiệm kỳ qua, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được tăng cường; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phong, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô vẫn luôn trăn trở, thẳng thắn nhìn nhận và quyết tâm giải quyết những việc chưa làm được, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, những khó khăn, bất cập trong quá trình phát triển Thủ đô.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay, Đảng bộ Hà Nội nhận thức sâu sắc và tự tin có đủ năng lực, điều kiện thực hiện trách nhiệm “phải gương mẫu, đi đầu về tất cả mọi phương diện...” như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP.
Với khát vọng đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển, TP đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, GRDP đầu người đạt 8.300 - 8.500 USD; tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% trong nền kinh tế, cao hơn mục tiêu chung của cả nước (20%).
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - thông minh - hiện đại” có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế và đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, căn cứ các quan điểm mới của Đảng, bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô, để triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, TP xác định phải dựa vào khoa học, công nghệ, văn hóa, tài nguyên trí tuệ để xây dựng các chiến lược phát triển Thủ đô. TP xác định trong thời gian tới sẽ tập trung thực hiện tốt 5 định hướng lớn và 3 khâu đột phá.
Trong đó có việc ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng một số công trình tiêu biểu, có không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cùng với văn hóa, con người là nhân tố quan trọng bậc nhất để phát triển nhanh và bền vững Thủ đô.
Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; tăng cường phân cấp, ủy quyền; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống, làm cho văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần tiêu biểu, động lực quan trọng quyết định phát triển TP.
Phát triển kinh tế tri thức
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ, TP luôn xác định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tri thức trong định hướng, chiến lược phát triển.
Theo đó, TP khai thác có hiệu quả lợi thế của một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế tri thức, hình thành những nền tảng của kinh tế tri thức, bao gồm đội ngũ trí thức đông đảo, đô thị thông minh, khu công nghệ cao, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, các tập đoàn lớn về công nghệ, các trung tâm nghiên cứu phát triển, hạ tầng công nghệ thông tin trên nền tảng mạng 5G.
Trên cơ sở đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên ban hành chương trình chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Ban hành chương trình xây dựng TP trở thành đô thị thông minh với 4 trụ cột: Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng dự báo phát triển kinh tế - xã hội và Trung tâm an ninh, an toàn thông tin TP.
Đặc biệt, TP đang nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với việc thành lập TP Thủ Đức. Khu vực này kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Dự kiến sau khi thành lập và đi vào hoạt động TP Thủ Đức sẽ đóng góp 30%-35% GRDP của TP.HCM, chiếm khoảng 7% GDP cả nước.
Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất 7 giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tri thức. Trong đó có việc đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
"Công nghệ thông tin là chìa khóa để đi vào kinh tế tri thức. Muốn rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách với các nước, phải khắc phục khoảng cách về công nghệ thông tin.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đây là tình huống xuất hiện các ngành, lĩnh vực mới liên quan đến chuyển đổi số, đó vừa là cơ hội, vừa là áp lực để nước ta phát triển mạnh mẽ kinh tế số trong thời gian tới", ông Nguyễn Thành Phong nói.