Đại hội đồng AIPA-44 tiến hành phiên họp các Ủy ban
Ngày 8.8, tiếp tục các hoạt động của Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 44 (AIPA-44), tại Thủ đô Jakarta, Indonesia đã diễn ra phiên họp các Ủy ban của AIPA.
Với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đoàn Việt Nam đã tham gia và có những đóng góp quan trọng vào quá trình xem xét và hoàn thiện các dự thảo văn kiện tại các Phiên họp này.
TạiPhiên họp Ủy ban các vấn đề Chính trị, các nước đã xem xét và thông qua Nghị quyết Báo cáo về Cuộc gặp giữa các Nhà Lãnh đạo ASEAN-AIPA nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 và Nghị quyết Báo cáo về Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 14.
Cuộc họp cũng đã xem xét, đóng góp ý kiến và thông qua 4 dự thảo văn kiện gồm: Nghị quyết về duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực thông qua đối thoại và hợp tác do Indonesia đề xuất và Việt Nam đồng bảo trợ; Nghị quyết về mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố, bạo lực cực đoan và cực đoan hóa do Malaysia đề xuất; Nghị quyết về vai trò của Nghị viện trong việc giải quyết mối quan hệ an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng và an ninh lương thực (WEF) trong ASEAN do Malaysia đề xuất; và Nghị quyết về hợp tác Nghị viện đóng góp cho hòa bình lâu dài tại Myanmar do Indonesia đề xuất.
Tại Phiên họp, đại diện Đoàn Việt Nam đã trình bày Báo cáo kết quả Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 14 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 10-12.7.2023 tại Phú Quốc, Kiên Giang. Đồng thời, Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến thực chất, cụ thể nhằm hoàn thiện các dự thảo văn kiện, đươc đoàn đại biểu Quốc hội, Nghị viện các nước hoan nghênh và đánh giá cao.
Trong quá trình thảo luận, trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Việt Nam tái khẳng định quan điểm, lập trường chung của Việt Nam và ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử giữa các Bên ở Biển Đông, duy trì và thúc đẩy một môi trường thuận lợi nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước UNCLOS 1982.
Tại phiên họp Ủy ban các vấn đề Kinh tế, các đại biểu xem xét dự thảo Nghị quyết về thúc đẩy chuyển đổi xanh để tăng trưởng kinh tế, vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy kết nối kinh tế khu vực và đối phó với tham nhũng; thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển nền kinh tế xanh ở ASEAN.
Đáng chú ý tại phiên họp này, đại biểu Quốc hội các nước tập trung thảo luận 2 dự thảo Nghị quyết do Việt Nam đề xuất là: Đẩy mạnh đổi mới, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ cho tăng trưởng và phát triển bền vững; và khuyến khích việc áp dụng hướng dẫn ASEAN về thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm vào lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp.
Các dự thảo Nghị quyết do Việt Nam đề xuất được đánh giá kịp thời và đúng đắn trong bối trong bối cảnh hơn 6% người dân tại Đông Nam Á chịu cảnh thiếu lương thực và lương thực trong khi thế giới ngày càng đánh giá cao vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển bền vững.
Tại phiên họp, đoàn Việt Nam cũng tham gia ý kiến vào Nghị quyết về “Thúc đẩy chuyển đổi xanh để tăng trưởng kinh tế” do Indonesia đề xuất nhằm lồng ghép các nội dung về thúc đẩy phát triển và hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Tại các phiên họp, đoàn Việt Nam đã tham gia với tinh thần chủ động, tích cực, đóng góp xây dựng vào quá trình sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn kiện. Tổng thư ký AIPA Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman đánh giá cao đóng góp của đoàn Việt Nam tại AIPA 44, đặc biệt 3 đề xuất dự thảo Nghị quyết của Việt Nam nhằm giải quyết các thách thức chính của khu vực và thúc đẩy hợp tác giữa các Nghị viện thành viên AIPA. Tổng thư ký Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman cho rằng, các đề xuất dự thảo Nghị quyết của Việt Nam thể hiện tâm huyết đối với các vấn đề quan trọng của ASEAN hiện nay như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ; chuyển đổi kỹ thuật số.
Tại cuộc họp Ủy ban Xã hội, Đoàn Việt Nam ủng hộ huy động hành động nghị viện nhằm thúc đẩy việc làm xanh và kỹ năng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh tế xanh.
Tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết do Indonesia đề xuất, Đoàn Việt Nam nhấn mạnh, tăng trưởng xanh đã được xác định là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.
Tại Việt Nam, Chương trình tăng trưởng xanh được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, cũng như nhiều nước trong khu vực, viêc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam hiện nay gặp không ít thách thức như nhận thức của một số bộ, ngành, chính quyền địa phương và mỗi người dân về chiến lược này chưa thật đầy đủ, toàn diện; nguồn lực thực hiện chiến lược hiện chưa rõ ràng và chưa được ưu tiên như mong muốn.
Đoàn Việt Nam khuyến khích các nước khu vực ban hành bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh của từng quốc gia, tiến tới có bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh của ASEAN; đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn; giảm thiểu, tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, Đoàn Việt Nam cũng kêu gọi các nước thành viên ASEAN có giải pháp nâng cao năng suất lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhất là tỷ lệ thất nghiệp trong lao động thanh niên; giảm tỷ lệ việc làm phi chính thức đặc biệt với phụ nữ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với mục tiêu kinh tế xanh, việc làm xanh và bền vững…
Thảo luận Nghị quyết về “Giải quyết các thách thức về việc làm mà giới trẻ thất nghiệp phải đối mặt vì một ASEAN an ninh và thịnh vượng”, Đoàn Việt Nam khẳng định, nguồn lao động đang nắm giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia, song tình trạng thất nghiệp cao cho thấy tiềm năng lao động chưa được tận dụng và ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm năng tăng trưởng.
Cho rằng cuộc khủng hoảng bởi đại dịch vừa qua sẽ ảnh hưởng tới mỗi người lao động theo những cách khác nhau, trong khi số lượng thanh niên không có việc làm, không đi học và không được đào tạo dự kiến còn tăng them, Đoàn Việt Nam đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng yếu thế có nguy cơ thất nghiệp cao.
Tại cuộc họp Ủy ban Tổ chức, Đoàn Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với việc kết nạp Quốc hội Cuba, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và Quốc hội Armenia làm quan sát viên của AIPA.
Trước đó, vào các tháng 1, 4 và 5.2023, Chủ tịch Quốc hội 3 nước Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia đã có thư gửi Ban Thư ký AIPA đề nghị xem xét được kết nạp làm Quan sát viên của AIPA. Trong 5 năm qua, AIPA cũng liên tục nhận được đơn đăng ký làm Quan sát viên. Điều này cho thấy tổ chức hợp tác nghị viện khu vực AIPA ngày càng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tại cuộc họp, đại biểu Quốc hội các nước cũng xem xét, thảo luận nhiều vấn đề của AIPA, như: Báo cáo thường niên của Tổng thư ký AIPA; Báo cáo tài chính kiểm toán; Dự toán ngân sách và tăng niên liễm năm 2023-2024, triển khai đóng góp tự nguyện của các Quan sát viên; Kế hoạch chiến lược AIPA giai đoạn 2023 - 2030; sửa đổi Quy trình thủ tục của Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA, sửa đổi Hướng dẫn kết nạp Quan sát viên AIPA và khách mời, ghi nhận những cống hiến đóng góp của một số cá nhân cho AIPA, cũng như đề xuất thời gian và địa điểm tổ chức AIPA-45.
Tại cuộc họp Hội nghị sĩ trẻ AIPA, các nước thảo luận dự thảo Nghị quyếtdo Indonesia đề xuất về việc thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vì sự phát triển toàn diện, chuyển đổi kinh tế và tham gia dân chủ; dự thảo Nghị quyết về nâng cao vai trò của nghị sĩ trẻ trong quản trị do Malaysia đề xuất.
Về Nghị quyết “Tăng cường sự tham gia của giới trẻ vì sự phát triển toàn diện, chuyển đổi kinh tế và tham gia dân chủ”, đoàn Việt Nam tán thành ban hành Nghị quyết của AIPA, cho rằng giới trẻ Việt Nam cũng như giới trẻ trong khu vực và trên thế giới đang đứng trước sự chuyển đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ và điều kiện kinh tế - xã hội. Để có thể tận dụng thành công các cơ hội của kinh tế số cũng như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giới trẻ cần nhận thức một cách đầy đủ về cơ hội, thách thức, từ đó có các kế hoạch và hành động phù hợp. Giới trẻ cần được định hướng trong lựa chọn nghề nghiệp, học tập phù hợp với năng lực và sở trường, tránh tình trạng làm việc không đúng chuyên môn được đào tạo, gây lãng phí về thời gian và nguồn lực của xã hội.
Về dự thảo Nghị quyết "Tăng cường vai trò của Nghị sĩ trẻ trong quản trị” của Malaysia, đoàn Việt Nam cho rằnglợi thế nguồn nhân lực trẻ, năng động, sáng tạo là chìa khóa và nhân tố quan trọng để đưa các quốc gia ngày càng phát triển. Do đó, cần thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của các nghị sỹ trẻ vào hoạt động nghị viện, đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật, giám sát việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước dưới góc nhìn của thanh niên, những chính sách có liên quan đến thanh niên và các vấn đề mà cử tri trẻ quan tâm.
Tham gia tích cực, đóng góp xây dựng sửa đổi các văn kiện của đoàn Việt Nam tại hội nghị lần này cũng nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 diễn ra từ ngày 14 - 17.9.2023 tại Hà Nội với sự tham gia của các nghị sĩ trẻ đến từ 173 quốc gia.