Đại hội đồng cổ đông BIDV: Dồn lực tăng vốn trên 90 nghìn tỷ đồng, sẵn sàng ứng phó tác động thuế quan

Năm 2025, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 30%, lên gần 92 nghìn tỷ đồng. Trước tác động từ thuế quan và bất ổn bên ngoài, ngân hàng chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, cùng đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua thách thức.

Ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán: BID) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.

Tiếp đà tăng vốn thêm 30%

Tại đại hội, lãnh đạo BIDV trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao, dự kiến khoảng 16%.

Lãi riêng lẻ quý I vượt 7.000 tỷ đồng

Đến hết quý I/2025, khối ngân hàng thương mại của BIDV đạt kết quả kinh doanh khả quan, bám sát kế hoạch đề ra. Theo đó, tổng tài sản đạt 2,8 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 2,07 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm; huy động vốn đạt 2,17 triệu tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm. Chất lượng tín dụng được kiểm soát theo mục tiêu điều hành. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 7.019 tỷ đồng…

Hoạt động huy động vốn sẽ được điều hành linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế sẽ được xác định theo phê duyệt của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Số liệu cụ thể sẽ được cập nhật và hoàn thiện sau khi nhận được sự phê duyệt chính thức từ cơ quan nhà nước có liên quan.

Đáng chú ý, đại diện BIDV trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 21.656 tỷ đồng, lên gần 91.870 tỷ đồng, tương đương mức tăng 30,8%, thông qua ba phương án. Đây là nội dung được công bố sát ngày sắp tổ chức đại hội.

Đồ họa: Ánh Tuyết.

Đồ họa: Ánh Tuyết.

Theo đó, một là, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 498,5 triệu cổ phiếu từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (tỷ lệ 7,1%), giúp tăng vốn thêm 4.985 tỷ đồng. Hai là, phát hành gần 1.397,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 (tỷ lệ 19,9%), tương ứng với mức tăng vốn hơn 13.972 tỷ đồng.

Ba là, chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng tối đa 269,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,84%). Đối tượng phát hành bao gồm các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính, có thể bao gồm cổ đông hiện hữu. Đối với phương án chào bán ra công chúng, đối tượng là các cá nhân và tổ chức trong, ngoài nước có nhu cầu đầu tư.

Thời gian thực hiện các phương án tăng vốn dự kiến trong giai đoạn 2025 - 2026, sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận. Đây được xem là bước đi quan trọng giúp BIDV gia tăng năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và các chuẩn mực an toàn vốn.

Xây dựng kịch bản chủ động ứng phó trước mọi biến động

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của BIDV, nhiều cổ đông bày tỏ sự quan tâm đến các nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh, định hướng phát triển cũng như các chỉ tiêu tài chính của ngân hàng. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài, mục tiêu lợi nhuận trước thuế, dự kiến tổng chi phí trích lập dự phòng trong năm và kịch bản tăng trưởng điều chỉnh thế nào? Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa đang được xây dựng, BIDV có chủ trương tham gia, quan tâm lĩnh vực này ra sao? Lý do đằng sau việc tái cấu trúc mạng lưới chi nhánh, đặc biệt tại khu vực miền Nam và định hướng dài hạn của ngân hàng.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Ngân hàng BIDV. Ảnh: BIDV.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Ngân hàng BIDV. Ảnh: BIDV.

Trả lời cổ đông về tác động của thuế quan đối ứng, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV cho biết, tổng dư nợ khách hàng của BIDV chịu tác động từ các biện pháp thuế quan ước tính khoảng 300 nghìn tỷ đồng. Ông Tú phân tích, tác động của chính sách thuế quan sẽ đến hoạt động của doanh nghiệp. Bởi khi doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế cao, họ buộc phải tạm ngừng sản xuất để tìm kiếm thị trường mới, kéo theo ảnh hưởng nhu cầu vay vốn.

“Hiện tại chưa thể hình dung rõ kết quả đàm phán ra sao, nhưng chúng ta hy vọng vào một kết quả tích cực, bởi Việt Nam đã nỗ lực hết sức, làm tất cả những gì có thể. Thành công hay không còn phụ thuộc vào cả hai phía, đặc biệt là phía Mỹ. Chúng tôi sẽ xây dựng lại kịch bản một cách thận trọng, không chỉ riêng thuế quan mà những biến động nằm ngoài dự kiến” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV nêu rõ.

Về định hướng tham gia xây dựng sàn giao dịch tài sản số, Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết, theo tinh thần dự thảo đang được lấy ý kiến, nội dung phát hành stable coin (tiền mã hóa được neo với một tài sản cụ thể) được loại bỏ và thay đổi so với những phiên bản dự thảo ban đầu.

Với vai trò là một ngân hàng thương mại nhà nước, BIDV cam kết sẽ tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành để triển khai các chính sách và chương trình liên quan đến việc xây dựng sàn giao dịch tài sản mã hóa.

Cũng theo ông Lâm, sàn giao dịch do khối doanh nghiệp tư nhân triển khai, BIDV không có chủ trương hay kế hoạch thành lập công ty riêng để triển khai, do yêu cầu vốn, công nghệ và nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp. Dù vậy, với kinh nghiệm hoạt động lâu năm, BIDV sẽ chủ động tham gia, hỗ trợ tích cực trong quá trình triển khai hạ tầng cho sàn giao dịch tài sản mã hóa.

Nhìn lại những dấu ấn năm 2024, phát biểu tại đại hội, ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV nhấn mạnh, năm 2024, BIDV tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường với ba chỉ tiêu về quy mô hoạt động. Theo đó, dư nợ tín dụng chính thức vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; tăng 15,5%; tổng tài sản đạt 2,71 triệu tỷ đồng, tăng 20%. Nguồn vốn huy động đạt 2,53 triệu tỷ đồng; phù hợp với diễn biến tăng trưởng tín dụng và đảm bảo an toàn hiệu quả; trong đó, huy động vốn tổ chức, dân cư đạt gần 2,14 triệu tỷ đồng, tăng 13,1% so với đầu năm; chiếm 14,3% thị phần tiền gửi toàn ngành.

Chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,27%, hoàn thành kế hoạch Đại hội giao. Hiệu quả kinh doanh gia tăng, hoàn thành kế hoạch năm 2024, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 31.990 tỷ đồng, tăng 15,9% ngân hàng trích dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định.

Cùng với đó, vốn điều lệ tăng lên mức 68.980 tỷ đồng; giá trị vốn hóa thị trường thời điểm 31/12/2024 đạt 259.000 tỷ đồng, tăng 4,6% và là một trong 3 doanh nghiệp có mức vốn hóa cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đại hội cũng tiến hành bầu bổ sung một thành viên Hội đồng Quản trị và một thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2027. Ứng viên Hội đồng Quản trị là ông Lê Quốc Nghị - Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ (NHNN), còn ứng viên Ban Kiểm soát là ông Huỳnh Phương - nguyên thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đông Á (nay là Vikki Bank), nguyên Phó Giám đốc Ban Kiểm tra và Giám sát tuân thủ BIDV./.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dai-hoi-dong-co-dong-bidv-don-luc-tang-von-tren-90-nghin-ty-dong-san-sang-ung-pho-tac-dong-thue-quan-175398.html