Đại hội đồng LHQ bầu Việt Nam làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77: Vinh dự mới, trách nhiệm mới
Vừa hoàn thành thành công nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) 2020-2021, Việt Nam lại được Đại hội đồng LHQ tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77. Đây thực sự là dấu mốc đẹp của mối quan hệ hợp tác 45 năm qua giữa Việt Nam- Liên hợp quốc.
45 năm hợp tác toàn diện và hiệu quả
Cách đây vừa tròn 45 năm, sau rất nhiều nỗ lực, ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập LHQ. Kể từ thời điểm đó, quan hệ hợp tác Việt Nam - LHQ không ngừng được phát triển theo hướng ngày càng sâu rộng, toàn diện, thực chất và hiệu quả.
Sự thực chất, hiệu quả ấy bắt đầu ngay từ việc ngay năm đầu tiên trở thành thành viên “ngôi nhà chung”, Đại hội đồng LHQ khóa 32 (1977) đã thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh.
Cuối những năm 1980 - giai đoạn Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới, LHQ chiếm tới gần 60% tổng số viện trợ cho Việt Nam ngoài nguồn từ các nước xã hội chủ nghĩa, viện trợ không hoàn lại của LHQ cho Việt Nam đạt trên 630 triệu USD.
Trong giai đoạn 1997-2000, LHQ dành ưu tiên cho các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và các chính sách xã hội; cải cách và quản lý phát triển; quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên; và điều phối viện trợ, quản lý nhà nước và huy động nguồn lực.
Trong giai đoạn 2006-2011, viện trợ của LHQ cho Việt Nam đạt trên 400 triệu USD. Nhìn lại những năm tháng ấy, từ giai đoạn xây dựng lại đất nước sau chiến tranh đến thời kỳ phá thế bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam luôn đánh giá cao và trân trọng sự hợp tác với LHQ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021. Nguồn: TTXVN
Trong giai đoạn 2007-2011, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn Liên hợp quốc làm cơ sở để tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế.
Hoạt động nổi bật nhất trong giai đoạn này là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ về hòa bình, an ninh quốc tế.
Sau thành công trong nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam tiếp tục được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021 với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ, thể hiện trách nhiệm cao, trực tiếp đóng góp vào các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và khu vực.
Thông qua việc chủ trì, thúc đẩy các sáng kiến, văn kiện tại HĐBA, Việt Nam đã lồng ghép được các lợi ích, ưu tiên, gắn kết vai trò ASEAN trong các hoạt động của HĐBA, khẳng định năng lực điều hành, từng bước thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại HĐBA với nhiều dấu ấn tích cực.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế LHQ về quyền con người, bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, Việt Nam đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan LHQ.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP26), Việt Nam đã tham gia, thúc đẩy các sáng kiến đa phương quan trọng, nổi bật Hồi tháng 1/2022, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết về việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tham gia Cam kết toàn cầu giảm phát thải metan, Tuyên bố Glasgow các nhà Lãnh đạo về Rừng và Sử dụng đất, Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch và Liên minh Hành động Thích ứng toàn cầu.
Hợp tác ứng phó dịch COVID-19 là một trong những điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - LHQ. Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh và đã được Đại hội đồng LHQ thông qua với 112 quốc gia đồng thuận. Việt Nam cũng đã đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó COVID-19 của LHQ và 1 triệu USD cho COVAX, trở thành điểm tiếp nhận và điều trị bệnh nhân theo cơ chế MEDEVAC của LHQ.
Hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam được đánh giá cao. Trong ảnh: Các bác sĩ quân y Việt Nam bắt đầu thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan. Ảnh: TTXVN
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình được LHQ đánh giá là một trong những thế mạnh của Việt Nam trong những nỗ lực chung nhằm góp phần giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. Việt Nam đã cử 493 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc; triển khai 4 lượt bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ ở Nam Sudan và một đội công binh tại Phái bộ ở Abyei, khu vực tranh chấp giữa Nam Sudan và Sudan; là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân.
Dấu ấn hợp tác mới
Ngày 7/6, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu các chức danh Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77. Cuộc họp cũng đã đồng thuận bầu Việt Nam trở thành một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí này trong một năm kể từ ngày 13/9/2022.
Đại hội đồng LHQ là 1 trong 6 cơ quan chính của LHQ và là cơ quan duy nhất của LHQ có đại diện của tất cả 193 nước thành viên. Đại hội đồng LHQ có thẩm quyền rộng trong các lĩnh vực hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; có quyền thảo luận và đưa ra kiến nghị về các vấn đề thuộc phạm vi Hiến chương hoặc bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan của LHQ, nhằm mục đích thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu.
Được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, vì thế với Việt Nam là vinh dự lớn nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã có trong việc đã gánh vác nhiều trọng trách lớn, có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả cho tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, hoàn toàn có thể tin rằng, Việt Nam - trên cương vị mới, sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho những mục tiêu cao cả của LHQ, đó là giải quyết xung đột, duy trì hòa bình, ổn định cho tất cả người dân trên thế giới.