Đại hội đồng LHQ: Gaza gần như không còn tồn tại
Tình hình nhân đạo ở Gaza đang vô cùng nghiêm trọng. Nếu cuộc xung đột ở Gaza không ngừng lại sẽ có thêm nhiều người vô tội phải bỏ mạng.
Thực tế này đã được đa số các nước thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 khẳng định tại cuộc họp của tổ chức này diễn ra hôm qua (11/12) tại trụ sở Liên Hợp Quốc, qua đó giúp nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện và kéo dài tại Dải Gaza được thông qua.
Với 158 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 13 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện và kéo dài tại Dải Gaza, đồng thời trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các con tin. Yêu cầu ngừng bắn này được đánh giá là có cách diễn đạt bằng ngôn ngữ mang tính cấp thiết hơn so với những kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza mà Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã từng đưa ra trước đó.
Trong một tuyên bố, Đại sứ Slovenia tại Liên Hợp Quốc Samuel Zbogar nhấn mạnh: "Gaza gần như không còn tồn tại nữa. Nó đã bị phá hủy. Người Palestine đang phải đối mặt với nạn đói, tuyệt vọng và cái chết. Không có lý do gì để cuộc chiến này tiếp diễn. Chúng ta cần ngừng bắn ngay bây giờ. Chúng ta cần đưa con tin về nhà ngay bây giờ”.
Theo thống kê từ phía Palestin đã được Liên Hợp Quốc kiểm chứng, xung đột giữa Israel và phong trào Hamas tại Dải Gaza kể từ tháng 10/2023 đã khiến gần 44.000 người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, và hơn 105.000 người khác bị thương.
Cuộc xung đột cũng đã đẩy 1,8 triệu người vào Giai đoạn 3 của Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) của Liên Hợp Quốc, biểu thị tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng tại mảnh đất này. Gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng của Gaza đã bị san phẳng, khiến gần như toàn bộ 2,3 triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa, đồng thời gây ra nạn đói và bệnh tật chết người tại vùng đất đầy khó khăn này. Phát biểu tại cuộc họp, Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và là Điều phối viên Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Hao-liang Xu quan ngại:
“Việc phá hủy nhà cửa trên diện rộng đang khiến 2,1 triệu người phải di dời nhiều lần, và có nhiều số liệu thống kê khác nhau. Về cơ bản, có gần 2 triệu người đang sống trong những căn lều tạm bợ hoặc những ngôi nhà bị hư hại một phần. Gần một năm trôi qua, bạn có thể tưởng tượng được mức độ thiệt hại, và các ước tính khác nhau cho thấy có khoảng 40 đến 50 triệu tấn mảnh vỡ mà chiến tranh đã gây ra”.
Mỹ là một trong số 9 quốc gia bỏ phiếu chống lại nghị quyết. Dù không ủng hộ nghị quyết của đại hội đồng song Phó đại sứ Mỹ lại Liên Hợp Quốc Robert Wood nhấn mạnh, đây là một nghị quyết quan trọng, giải quyết 1 trong những vấn đề cấp bách của thế giới:
"Những thông điệp chúng ta gửi đến thế giới thông qua các nghị quyết này đều quan trọng. Và cả hai nghị quyết này đều có những vấn đề đáng kể. Một nghị quyết khen thưởng Hamas và hạ thấp nhu cầu thả con tin, còn nghị quyết kia hạ thấp Israel mà không đưa ra con đường tiến tới việc tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho thường dân Palestine”.
Ngoài nghị quyết về xung đột ở Gaza, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng yêu cầu Israel xóa bỏ lệnh cấm đối với Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hợp Quốc cho người tị nạn Palestin. Các nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc nhưng có sức nặng chính trị, phản ánh quan điểm toàn cầu về các vấn đề được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm trong đó có cuộc xung đột ở Gaza.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dai-hoi-dong-lhq-gaza-gan-nhu-khong-con-ton-tai-post1141592.vov