Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76: Thông điệp về một Việt Nam tự cường, tự tin!
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, những đóng góp của Đoàn Việt Nam tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam tự cường, tự tin, chủ động, có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng sâu rộng đến sự ổn định, phát triển bền vững của mọi quốc gia, hợp tác quốc tế càng cần được đẩy mạnh và thực chất. Đây cũng là nội dung chính tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 (ĐHĐ LHQ 76) diễn ra từ ngày 21-27/9 vừa qua.
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao ĐHĐ LHQ 76. Sự kiện diễn ra trùng với dịp Việt Nam kỷ niệm 44 năm gia nhập tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh (20/9/1977 - 20/9/2021).
Là thành viên Đoàn tháp tùng Chủ tịch nước tham dự các hoạt động chính và tiếp xúc bên lề ĐHĐ LHQ 76, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đã chia sẻ về dấu ấn mới trong ngoại giao đa phương này của Việt Nam.
Kết quả tổng hợp toàn diện
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang, chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên thảo luận cấp cao ĐHĐ LHQ 76 đã thành công tốt đẹp, đạt được những mục tiêu đề ra và mang lại kết quả tổng hợp, toàn diện, góp phần tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cụ thể, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang chỉ ra 4 mục tiêu lớn đã đạt được trong chuyến thăm.
Một là, góp phần tích cực thúc đẩy triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, gửi thông điệp mạnh mẽ ra thế giới về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đây cũng là bước triển khai cụ thể Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, trong đó xác định hợp tác với LHQ là ưu tiên hàng đầu.
Hai là, việc Việt Nam đóng góp những sáng kiến tại ĐHĐ LHQ 76 nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế cấp bách, nóng bỏng hiện nay đã thể hiện hình ảnh đất nước Việt Nam tự cường, không ngừng đổi mới và đi lên với tầm nhìn, khát vọng phát triển, sẵn sàng tham gia đóng góp trách nhiệm vào các vấn đề toàn cầu và khu vực, cùng với các nước vượt qua thách thức, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn sau đại dịch.
Ba là, tranh thủ tối đa các phiên họp tại LHQ, lãnh đạo Việt Nam đã gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo nhiều nước, tổ chức quốc tế, củng cố cục diện đối ngoại vững chắc, ổn định.
Trong chuyến công tác, nhiều đối tác đã cam kết viện trợ và bán vaccine cho Việt Nam như Hàn Quốc cam kết hỗ trợ và sẽ giao hơn 1 triệu liều vaccine vào giữa tháng 10/2021, Hungary cam kết giao ngay 400.000 liều…; công ty Pfizer cam kết chuyển đủ 31 triệu liều vaccine theo hợp đồng ngay trong năm nay và 21 triệu liệu vaccine trẻ em khi có đầy đủ dữ liệu về hiệu quả, tính an toàn.
Trong hơn 3 ngày ở New York, Chủ tịch nước đã gặp gỡ hơn 30 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế lớn như LHQ, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng với khoảng 20 cuộc gặp, trao đổi với gần 50 tập đoàn hàng đầu thế giới. Lãnh đạo các ban Đảng, Bộ, ngành Trung ương trong đoàn rất chủ động, tích cực gặp gỡ lãnh đạo đối tác liên quan, trong đó có khoảng 20 bộ trưởng ngoại giao các nước.
Bốn là, triển khai mạnh mẽ chiến lược ngoại giao vaccine xuyên suốt các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc ở các cấp, các kênh, không uổng phí bất kỳ một cơ hội nào có thể giúp tiếp cận nguồn cung vaccine Covid-19 phục vụ công tác phòng chống dịch trong nước.
Bên cạnh đó, nhằm thực hiện “mục tiêu kép” hướng tới Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, đoàn Việt Nam cũng tiếp xúc, gặp gỡ nhiều tập đoàn hàng đầu, thúc đẩy ký kết nhiều hợp đồng, thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD ngay trong chuyến thăm.
Đúng và trúng những gì thế giới cần
Trong muôn vàn dấu ấn đẹp đẽ mà Việt Nam đã để lại với bạn bè quốc tế qua chuyến công tác này, bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Phiên thảo luận chung cấp cao ĐHĐ LHQ 76 được dư luận quốc tế đặc biệt hoan nghênh và đánh giá cao.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang lý giải: “Sở dĩ bài phát biểu của Chủ tịch nước được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao như vậy vì đã phản ánh rõ nét, toàn diện, đúng và trúng những quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế hiện nay. Đó là ứng phó với đại dịch, với biến đổi khí hậu và duy trì chủ nghĩa đa phương, hòa bình, an ninh quốc tế”.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang, các vấn đề và đề xuất mà Chủ tịch nước nêu trong phát biểu của mình không chỉ phản ánh quan tâm, mong muốn của Việt Nam nói riêng mà cũng là quan tâm, mong muốn của cả các nước trong khu vực và đang phát triển nói chung.
Trong bài phát biểu mang đậm dấu ấn riêng của Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 5 đề xuất quan trọng.
Thứ nhất, Chủ tịch nước khẳng định nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay là kiểm soát đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước kêu gọi các quốc gia cần chung tay hợp tác quốc tế, phát huy vai trò các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực, giải quyết các hạn chế bất cập của quản trị toàn cầu để việc tiếp cận vaccine, tiếp cận thuốc điều trị Covid-19 được công bằng, minh bạch, không ai bị bỏ lại phía sau trên quan điểm nhất quán rằng “không một quốc gia nào an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn”.
Thứ hai, để vượt qua được đại dịch và phục hồi kinh tế, theo Chủ tịch nước, nhân tố quan trọng hàng đầu tăng cường khả năng tự cường của mỗi quốc gia, khả năng chống chịu trước khủng hoảng.
Cùng với đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh yêu cầu hợp tác quốc tế, gắn kết giữa các quốc gia để cùng nhau hồi phục kinh tế nhanh nhất, bao trùm nhất để nền kinh tế toàn cầu phát triển ổn định trở lại, vì lợi ích và phồn vinh của tất cả người dân trên thế giới.
Thứ ba, với nhận thức trong nguy luôn có cơ, bài phát biểu chỉ ra rằng việc biến các thách thức do đại dịch gây ra thành những cơ hội cho phát triển là rất kịp thời và thiết thực khi các quốc gia đều muốn thoát khỏi khó khăn, phục hồi và phát triển sau đại dịch. Đó là cơ hội để chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế xanh, sạch, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ.
Đồng thời, Chủ tịch nước cũng kêu gọi thực hiện đầy đủ cam kết tài chính phát triển, hỗ trợ các nước đang phát triển được giãn nợ, cung cấp thêm nguồn lực cho phòng chống Covid-19.
"Các hoạt động của Việt Nam tại LHQ được đánh giá cao bởi tính đa dạng và hiệu quả. Việt Nam đã làm tốt vai trò điều phối giữa một tổ chức khu vực và một tổ chức quốc tế là ASEAN và LHQ. Nói cách khác, Việt Nam đã là một thành viên giàu kinh nghiệm và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có khả năng đề xuất và thực hiện các sáng kiến khác nhau nhằm giải quyết các thách thức và mối đe dọa toàn cầu, cũng như đưa ra các giải pháp có tính đến lợi ích của các bên" - Bà Valeria Vershinina, Trung tâm ASEAN, Học viện Ngoại giao Moscow, Nga.
Thứ tư, bài phát biểu nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần khẩn trương nỗ lực cắt giảm phát thải, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, hướng tới chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn vì thế giới hiện đang phải gánh chịu những tác động chưa từng có của các hiện tượng thời tiết cực đoan trong hàng trăm năm qua.
Thứ năm, để làm được tất cả những điều trên, Chủ tịch nước nhấn mạnh phải bảo đảm được môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới. Điều này đòi hỏi các nước cùng đoàn kết, phấn đấu vì hòa bình phát triển, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang kết luận: “Những sáng kiến mà Chủ tịch nước đưa ra tại ĐHĐ LHQ 76 là những sáng kiến cụ thể, thực chất, khẳng định một Việt Nam có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế”.
Tự tin thể hiện quan điểm
Nhiều ý kiến quốc tế bình luận rằng, thông qua chuỗi sự kiện tại LHQ, Việt Nam đã thể hiện sự tự tin ngày càng tăng của mình trong việc tham gia giải quyết các vấn đề an ninh và hòa bình của khu vực và thế giới.
Có chung quan điểm này, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang khẳng định rằng sự tự tin của Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.
"Việt Nam chỉ cần kể câu chuyện, kinh nghiệm, giải pháp của mình, thì đó cũng chính là những kinh nghiệm, giải pháp phù hợp với các vấn đề mà thế giới đang gặp phải" - Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres.
Việt Nam tham dự khóa họp ĐHĐ LHQ 76 với sự tự tin của một đất nước có lịch sử, truyền thống hào hùng, một đất nước không ngừng đổi mới, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế toàn diện và hiệu quả, có vai trò, vị thế và đóng góp ngày càng tăng trên trường quốc tế.
Đồng thời, Việt Nam có tâm thế và động lực mới khi Đại hội Đảng lần thứ XIII trao cho đối ngoại vai trò tiên phong, đẩy mạnh và nâng tầm hơn nữa đối ngoại đa phương.
Bên cạnh đó, là thành viên tích cực, trách nhiệm, Việt Nam tự tin đề cao chủ nghĩa đa phương, khẳng định mạnh mẽ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, đề cao vai trò của các tổ chức khu vực và tổ chức quốc tế trong giải quyết nhiều thách thức an ninh.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang, cơ sở thực tiễn cho sự tự tin của Việt Nam chính là việc đảm nhiệm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019; là số phiếu cao kỷ lục 192/193 và đang đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an; là những đóng góp và kết quả đạt được trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao…
Trải nghiệm, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá khứ từ chiến tranh kéo dài, bao vây cấm vận, cho đến công cuộc tái thiết và phát triển đất nước, giúp Việt Nam có cơ sở, kinh nghiệm để đóng góp cho các vấn đề nổi cộm toàn cầu.
Đường lối đúng đắn và những kinh nghiệm đó được minh chứng bằng những thành quả mà Việt Nam đang có. Đây cũng là nền tảng cơ bản cho một đất nước ổn định, hòa bình phát triển.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam cho LHQ cũng như các diễn đàn khác về các vấn đề hòa bình và an ninh khu vực.
Ông Antonio Guterres nhấn mạnh: “Việt Nam chỉ cần kể câu chuyện, kinh nghiệm, giải pháp của mình, thì đó cũng chính là những kinh nghiệm, giải pháp phù hợp với các vấn đề mà thế giới đang gặp phải”.
“Chủ tịch nước Việt Nam đã nêu bật và đề cao tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác đa phương trong ứng phó với các thách thức toàn cầu. Điều này phù hợp với xu thế vận động đa cực của thế giới hiện nay, giúp Việt Nam duy trì chính sách đối ngoại đa phương và đa tầng, đồng thời đóng góp vào sự ổn định của khu vực và thế giới”. (Tiến sĩ Takashi Hoso da, chuyên gia nghiên cứu về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Tổng hợp Charles, CH Czech)