Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Dải Gaza
Theo hãng CNN, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức tại Dải Gaza. Nghị quyết được thông qua tại Phiên họp khẩn cấp thứ 10 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về khủng hoảng Dải Gaza.
Tại phiên bỏ phiếu, Nghị quyết đã nhận được 153 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 23 phiếu trắng. Nghị quyết kêu gọi các bên ngừng bắn vì nhân đạo ở Dải Gaza và trả tự do vô điều kiện cho các con tin ngay lập tức.
Mặc dù cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị và được đánh giá cao như thước đo đối với sự đồng thuận toàn cầu nhưng không có tính ràng buộc, không giống như một nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Tuần trước, Mỹ đã phủ quyết một nghị quyết ngừng bắn tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dù đã được đa số gồm 15 thành viên chấp thuận.
Nghị quyết ngắn gọn ngày 12/12 kêu gọi ngừng bắn, yêu cầu tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, tiếp cận nhân đạo các con tin cũng như trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện". Đáng chú ý, Nghị quyết đã sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn so với cuộc bỏ phiếu tháng 10 tại Đại hội đồng, từng kêu gọi một "sự thật nhân đạo bền vững".
Đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansour đã ca ngợi cuộc bỏ phiếu là "dấu mốc lịch sử", diễn ra trong bối cảnh chiến sự giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đã bước sang tháng thứ 3.
Trước bối cảnh đó, các nhóm y tế và viện trợ đã lên tiếng cảnh báo về tình hình nhân đạo ở Dải Gaza. Bộ Y tế do lực lượng Hamas kiểm soát tại khu vực này cho biết hơn 18.000 người đã thiệt mạng ở Dải Gaza kể từ khi căng thẳng xảy ra.
Tuy nhiên, theo thông tin từ chính quyền Israel, nước này sẽ vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự kéo dài tại Dải Gaza sau cuộc tấn công của Hamas nhằm vào khu vực do Israel kiểm soát ngày 7/10, khiến 1.200 người thiệt mạng và khoảng 240 người bị bắt cóc. Hơn 100 con tin được cho là vẫn đang bị giam giữ ở Gaza.
Israel đã bác bỏ những lời kêu gọi ngừng bắn trước đó, mặc dù nước này đã đồng ý đình chiến 7 ngày để thả các con tin Israel bị giữ ở Gaza. Israel cũng bỏ phiếu chống đối với nghị quyết hôm 12/12 cùng với Mỹ, Papua New Guinea, Paraguay, Áo, Cộng hòa Séc, Guatemala, Liberia, Micronesia và Nauru.
"Ưu tiên duy nhất"
Kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas diễn ra cách đây hơn 2 tháng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới chỉ thông qua được một nghị quyết kêu gọi tạm dừng bắn nhân đạo vào giữa tháng 11 sau 4 thất bại liên tiếp.
Trong bối cảnh Israel đã mở rộng chiến dịch tấn công cả trên không và trên bộ tại dải Gaza và các bên liên quan đều cho thấy chưa sẵn sàng cho một lệnh ngừng bắn vào thời điểm hiện nay.
"Chúng tôi chỉ có một ưu tiên duy nhất - chỉ một – là "cứu mạng sống", Chủ tịch Đại hội đồng Dennis Francis cho biết khi khai mạc phiên họp khẩn cấp vào chiều ngày 12/12, đồng thời cảnh báo rằng dân thường ở Dải Gaza không có nơi nào an toàn để trú ẩn khỏi cuộc giao tranh và các cuộc oanh tạc trên không.
"Ngay cả chiến tranh cũng có quy tắc và điều bắt buộc là chúng ta phải ngăn chặn bất kỳ sự sai lệch nào khỏi những nguyên tắc và giá trị này – giá trị nằm ở việc áp dụng phổ quát của chúng", ông Dennis Francis nói.
Các quan chức Liên hợp quốc cũng cảnh báo, với cơ sở hạ tầng quan trọng bị biến thành đống đổ nát và khả năng ít tiếp cận nước, thuốc men và thực phẩm bị hạn chế, nhiều thường dân ở Gaza có thể chết vì bệnh tật hơn là do bom và tên lửa. Nạn đói đang là một vấn đề ngày càng gia tăng ở khu vực này.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng Washington "cũng ghi nhận tình hình nhân đạo ở Gaza rất nghiêm trọng… và dân thường phải được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế".
"Lệnh ngừng bắn lúc này chỉ là tạm thời và rất nguy hiểm. Nguy hiểm đối với người dân Israel, những người sẽ phải chịu những cuộc tấn công không ngừng, và cũng nguy hiểm đối với người Palestine, những người xứng đáng có cơ hội xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, không phải tìm nơi ẩn náu", bà Linda Thomas-Greenfield nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại diện của Nam Phi Mathu Joyini cũng nhắc lại "kinh nghiệm đau buồn trong quá khứ của chính đất nước mình về hệ thống phân biệt chủng tộc" để nêu lên sự cần thiết phải "hành động phù hợp với luật pháp quốc tế".
Bà Mathu Joyini cho rằng cuộc bỏ phiếu hôm 12/12 là minh chứng rằng chúng ta có mặt ở đây để mang lại hy vọng cho hòa bình không phải là những người làm ngơ trước nỗi đau khổ của những người dễ bị tổn thương nhất".
Trong khi đó, Đại sứ Ai Cập Osama Mahmoud Abdelkhalek Mahmoud tuyên bố nghị quyết nói trên "rất đơn giản, rõ ràng và có 4 nội dung. Hệ thống y tế, hỗ trợ nhân đạo đang bị hủy hoại ở Dải Gaza… Việc thông qua và thực thi nghị quyết này chỉ nhằm bảo vệ tính mạng cho thường dân vô tội".