Đại hội Hội Xuất bản Việt Nam khóa V đã thành công tốt đẹp
Ngày 12/7, tại Hà Nội, Đại hội Hội Xuất bản Việt Nam khóa V với sự tham gia của gần 250 đại biểu đại diện cho hơn 11.000 hội viên đã diễn ra tốt đẹp. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Đại hội bầu ra 37 ủy viên ban chấp hành; trong đó 5 nhân sự thuộc khối chỉ đạo quản lý, 16 nhân sự thuộc khối nhà xuất bản, 9 nhân sự thuộc khối phát hành, 2 nhân sự thuộc khối đào tạo, và 5 nhân sự thuộc các khối khác.
Trong những năm qua, Hội Xuất bản Việt Nam đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoạt động tích cực, góp phần xây dựng một nền xuất bản mạnh. Hội đã tập hợp, đoàn kết, động viên, hướng dẫn hội viên phát huy tài năng, trí tuệ, tâm huyết, sáng tạo, thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình trong tuyên truyền, phổ biến, vận động thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và triển khai công tác của ngành gắn với việc kiểm điểm, đánh giá thực hiện 10 nội dung trong Quy tắc đạo đức nghề nghiệp xuất bản Việt Nam.
Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch, hoàn thiện Điều lệ, Quy chế, từng bước nâng cao chất lượng và uy tín của Hội thông qua Giải thưởng Sách Quốc gia. Hội cũng tham mưu, tác động tích cực cho việc hình thành các chủ trương, chính sách góp phần phát triển hoạt động ngành xuất bản và nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Sách Việt Nam 21/4, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của người dân và xã hội. Qua đó, tìm được những mô hình, cách làm hay để quảng bá, giới thiệu được nhiều sách hay, sách đẹp đến cộng đồng.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành xuất bản được Hội quan tâm, coi trọng. Hội đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về nghiệp vụ xuất bản, các vấn đề, xu hướng của xuất bản hiện đại (4.0), xuất bản điện tử với những nội dung thiết thực, cập nhật các kỹ năng giúp nâng cao nhận thức, trình độ nghiệp vụ cho hội viên. Giải thưởng Sách quốc gia hằng năm đi vào nền nếp, có uy tín và tác động mạnh mẽ đến cộng đồng. Giải thưởng ghi nhận và tôn vinh, khích lệ các tác giả, dịch giả, các nhà khoa học, những người tham gia công tác xuất bản, in và phát hành sách, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc quốc gia.
Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V diễn ra trong bối cảnh sau gần 40 năm đổi mới, vị thế, uy tín, tiềm lực của đất nước đã được nâng lên, tạo thế và lực mới cho sự phát triển của ngành xuất bản. Cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; những vấn đề an ninh phi truyền thống; khủng hoảng kinh tế toàn cầu; xung đột vũ trang; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng nhanh... tác động mạnh mẽ đến mọi ngành nghề, lĩnh vực, cũng như đến tổ chức và hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương đồng tình với Báo cáo chính trị của Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV trình Đại hội lần này. Báo cáo đã thể hiện tinh thần đổi mới, trí tuệ, dân chủ, đoàn kết và hội nhập, phát triển. Quán triệt nghiêm túc tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tuy nhiên, để Hội có thể khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò của mình, trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội Xuất bản khóa V lưu ý một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, ngành xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam cần nắm vững, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; có những giải pháp, biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, khả thi để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách, trước mắt là đóng góp tích cực vào Tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW Về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản vào năm 2024; tham mưu xây dựng các văn bản chỉ đạo của Đảng về hoạt động xuất bản và sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản 2012; bảo đảm phát triển tốt đi đôi với chỉ đạo, quản lý tốt.
Thứ hai, Hội Xuất bản Việt Nam cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của mình là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của người làm công tác xuất bản, là một trong những Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Do đó, Hội Xuất bản Việt Nam cần tiếp tục triển khai việc thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị và Thông báo Kết luận số 158-TB/TW ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư khóa XII Về việc tiếp tục thực hiện kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới.
Thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa các nội dung hoạt động phù hợp trong bối cảnh thời đại 4.0, ngành xuất bản phải triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số, tiếp tục phát triển và thích ứng với thế giới số hóa ngày càng phát triển; góp phần thực hiện thắng lợi một trong ba đột phá chiến lược của phát triển đất nước mà Đại hội XIII nêu ra là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Chú trọng triển khai nhóm nhiệm vụ gắn với yêu cầu về phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số trên cơ sở nhận thức văn hóa đọc là giải pháp căn bản, chuyển đổi số là giải pháp đột phá, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc. Tích cực, chủ động triển khai các giải pháp để đưa Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4 hằng năm và Giải thưởng Sách Quốc gia lan tỏa, trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, không chỉ trong lĩnh vực xuất bản mà trong các hoạt động văn hóa; không chỉ ở trong nước mà cho kiều bào và bạn bè quốc tế; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng đề án về truyền thông sách Quốc gia, góp phần định hướng cho văn hóa đọc của xã hội, đồng thời biểu dương, tôn vinh những tác phẩm và tác giả có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xuất bản nước nhà.
Tạo lập thêm các hình thức sinh hoạt nghề nghiệp như câu lạc bộ biên tập viên, câu lạc bộ những người làm sách trẻ, câu lạc bộ phát hành sách; tích cực tham gia các hoạt động phát triển văn hóa đọc do các bộ, ngành, địa phương tổ chức. Tích cực phối hợp với các địa phương để xây dựng các phố sách, đường sách tại các khu dân cư, đồng thời vận động hội viên tham gia các hoạt động phố sách, đường sách tại địa phương. Tăng cường hợp tác quốc tế; chú trọng phát triển quan hệ hợp tác quốc tế với Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á và Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ tư, tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của Hội, đáp ứng bước phát triển nhanh của xuất bản và vị thế mới của Hội Xuất bản hiện nay. Hội cần quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển hội viên, thu hút đông đảo các hội viên đang hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, phát hành; đồng thời mở rộng thu hút các hội viên đang hoạt động trên các lĩnh vực liên quan tạo động lực cho phát triển xuất bản và văn hóa đọc như: truyền thông, thư viện, công nghệ số...
Trong tổ chức, Hội Xuất bản Việt Nam sớm nghiên cứu để triển khai xây dựng chi hội, liên chi hội tại các địa phương, tạo hệ thống cơ sở nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, nghề nghiệp; gắn nhiệm vụ phát triển hội viên với việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho hội viên về truyền thống vẻ vang, đóng góp quan trọng; về vai trò, sứ mệnh của hoạt động xuất bản để từ đó cổ vũ, động viên, nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong Hội Xuất bản Việt Nam và trong các nhà xuất bản, công ty phát hành sách theo tinh thần của Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bằng những chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, sát hợp với thực tế, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng và phát triển Hội. Bên cạnh đó, Hội Xuất bản Việt Nam tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên./.