Đại hội muộn, doanh nghiệp có gì cho 2020?
Gần giữa tháng 7 mà danh sách các doanh nghiệp niêm yết chưa tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2020 vẫn còn khá dài. Kế hoạch kinh doanh năm nay của nhiều công ty trong số này cũng chưa được công bố trên website công ty.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, ĐHCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Theo đề nghị của hội đồng quản trị, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Như vậy, với những doanh nghiệp có năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2019, ngày 30/6/2020 là thời hạn cuối cùng các doanh nghiệp phải họp ĐHCĐ thường niên 2020.
Điểm chung dễ nhận thấy của nhiều doanh nghiệp chậm trễ tổ chức đại hội là có kết quả kinh doanh yếu kém.
CTCP Đầu tư Địa ốc Khang An (KAC) thông báo tổ chức ĐHCĐ thường niên năm nay vào ngày 15/7, chậm 15 ngày so với quy định.
Theo tài liệu Đại hội, năm 2019, Công ty đạt doanh thu 111 tỷ đồng doanh thu và 23 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ hoàn thành lần lượt 31,75% và 19,47% kế hoạch đề ra do thị trường bất động sản năm qua gặp nhiều khó khăn.
Bước sang năm 2020, tình hình hoạt động kinh doanh của KAC lại càng bết bát hơn. Báo cáo tài chính quý I/2020 do KAC công bố cho thấy, 3 tháng, Công ty lỗ gần 5 tỷ đồng do không có doanh thu, nhưng vẫn phát sinh chi phí vận hành.
Năm 2020, KAC chỉ đặt mục tiêu thận trọng, thu về 100 tỷ đồng doanh thu và 10 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Công ty cho biết sẽ tiếp tục xin mới dự án tại các quỹ đất hiện có ở quận 2, quận 9, quận Bình Tân; đồng thời mở rộng các quỹ đất tại những vị trí chiến lược khu kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tương tự, CTCP SDP (SDP) vừa công khai thời điểm cuối cùng chốt danh sách cổ đông là ngày 16/7/2020 để tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm nay, dự kiến tổ chức vào ngày 6/8/2020. Dù không nêu lý do chậm tổ chức, song nhìn vào kết quả hoạt động của doanh nghiệp này có thể phần nào hiểu được vì sao SDP chậm họp ĐHCĐ.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 cho thấy, SDP chỉ ghi nhận 900 triệu đồng doanh thu, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 60 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận lỗ 2,4 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế 102 tỷ đồng. Hiện vốn chủ sở hữu của SDP chỉ còn 45 tỷ đồng.
Đáng chú ý, không chỉ đại hội quá muộn, trên website nhiều doanh nghiệp còn không cập nhật không tin về kế hoạch kinh doanh năm, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 hay định hướng chi trả cổ tức 2019.
Chẳng hạn, CTCP Beton 6 (BT6) thông báo tổ chức ĐHCĐ thường niên 2020 vào ngày 16/8 tới. Trên website của Công ty chưa hề cập nhật thông tin gì cho cổ đông về kế hoạch kinh doanh năm nay cũng như kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm. Báo cáo tài chính năm 2019 cũng mới chỉ được cập nhật gần đây.
Trước đó, vào hồi đầu năm, BT6 bị phạt tiền 70 triệu đồng vì không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Trong vài năm trở lại đây, từ một doanh nghiệp ngành xây dựng có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, kết quả kinh doanh của BT6 liên tục đi xuống, thua lỗ triền miên.
Năm ngoái, BT6 chỉ thu về hơn 59 tỷ đồng doanh thu, gần bằng nửa doanh thu năm trước. Doanh thu không bù đắp được giá vốn và chi phí tài chính khiến doanh nghiệp lỗ 82 tỷ đồng.
Tất nhiên, cũng có những trường hợp doanh nghiệp tổ chức đại hội muộn do lần 1 không thành, phải triệu tập tới lần 2, thậm chí lần 3.
Điển hình như tại CTCP Tập đoàn Đại Dương (OCG). OCG dự kiến tổ chức ĐHCĐ thường niên 2020 vào ngày 20/6, song không đủ điều kiện tiến hành và buộc phải triệu tập lần 2, họp vào ngày 18/7, tức là sau gần 1 tháng.
Dù năm nay nhiều doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, khi đã qua 2 quý đầu năm, bước sang cả quý III mà doanh nghiệp mới bắt đầu xin ý kiến cổ đông để thông qua kết quả kinh doanh năm trước cũng như chiến lược và kế hoạch trong cả năm nay là quá muộn và vô lý.
Việc chậm trễ trong họp ĐHCĐ thường niên cũng khiến cho nhà đầu tư nghi ngờ về chất lượng quản trị của doanh nghiệp.