'Đại hội vạch mặt' và sự thách thức thượng tôn pháp luật

Hôm qua, khi tôi mở livestream của một nữ CEO để tìm hiểu, cô con gái 8 tuổi 'hóng' theo và thắc mắc: 'Mẹ ơi, sao bà ấy hay chửi thế ạ?'.

Chẳng cần biết nguyên cớ “chửi bới” là vì chính đáng hay không, trong mắt con trẻ, đấy là xấu. Lời con trẻ khiến tôi suy ngẫm, xã hội mình có tốt đẹp lên sau những hiện tượng mạng như vậy không?

Khi mọi mâu thuẫn được giải quyết bằng khẩu chiến và gươm đao thì xã hội ấy hẳn bị thụt lùi.

Loài người chúng ta luôn nỗ lực phấn đấu để tiến tới văn minh. Những gì thuộc về bản năng hoang dã thì được chế ngự bởi các quy tắc chuẩn mực trong cộng đồng và bởi các bộ luật. Thể chế Nhà nước nào cũng đều thống nhất rằng, thượng tôn pháp luật là đường ray để đất nước phát triển, xã hội trong sạch, công bằng, văn minh.

Nói về văn hóa ứng xử giữa người với người, nguyên tắc tối thiểu là sự tôn trọng. Con đường chính đạo là lấy thiện để trấn áp cái ác, lấy chính để diệt tà, phần “người” phải át được phần “con”, dùng ánh sáng để xua tan bóng đêm.

Quyền tự do ngôn luận đang bị ngộ nhận qua nhiều livestream hiện nay (ảnh mang tính minh họa)

Quyền tự do ngôn luận đang bị ngộ nhận qua nhiều livestream hiện nay (ảnh mang tính minh họa)

Quyền tự do ngôn luận của cá nhân đều phải trong khuôn khổ của pháp luật. Bất cứ người dân nào chưa bị tòa án kết tội thì đều có quyền công dân, quyền con người, không một ai được thay tòa phán xét, luận tội, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác.

Những câu từ như chửi bới, thóa mạ, xúc xiểm, công kích cá nhân đều là hành vi đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thứ văn hóa ấy nếu được cổ súy thì sẽ là rào cản để loài người tiến tới văn minh.

Mọi điều ấy, ngoài đời thật có pháp luật điều chỉnh thì ở không gian mạng cũng vậy, bàn tay của pháp luật cũng sẽ điều tiết, quản lý, chấn chỉnh sự lệnh lạc. Không gian mạng cũng như không gian thật, không thể tự do nói năng, hành động ngoài lằn ranh của đạo đức và luật pháp.

Đó không hề là chốn vô pháp, vô minh, khi mà ai ai cũng xem YouTube, người người đều có trang Facebook, đến 70% dân số của Việt Nam dùng mạng xã hội.

Thế nhưng gần đây, dường như, có những sự ngộ nhận về tự do trên không gian mạng!

Một nữ CEO liên tục livestream. Nội dung là chỉ thẳng mặt, đấu tố, bóc phốt, mắng nhiếc, xỉ nhục. Cách đây 15 ngày, nữ CEO ấy thông qua đại diện của mình đã cam kết với cơ quan quản lí sẽ không livestream với phát ngôn xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, hay những ngôn từ gây phản cảm…

Nhưng chỉ hơn 10 ngày sau, đã lại có livestream còn đình đám hơn với cái tên rất “ngông”: “Đại hội vạch mặt”.

Ngôn từ vẫn đầy sự xúc xiểm: “Tôi thấy chị não ngắn”, để đáp trả một cá nhân thắc mắc việc chuyển tiền ra nước ngoài, “là con rắn độc, là quỷ đột lốt người” để ám chỉ nữ ca sĩ nọ, “chiếu em nào, em ý thối hoắc, không che được” để ám chỉ những nhân vật được bêu tên, rồi gọi là con nọ, thằng kia…

Trái ngược với tinh thần nhân ái, nghĩa hiệp, thường làm việc thiện, cứu giúp bao trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo mà người ta thấy ở đời thật, trái với mục tiêu “làm bằng trái tim để xã hội tốt đẹp hơn” như lời trần tình của nữ CEO lại là một thái độ cay nghiệt, hằn học, sân hận, ngông nghênh, giễu cợt, hả hê trên không gian mạng qua những video.

Hiện tượng mạng ấy không phải là duy nhất.

Một cô người mẫu cũng liên tục livestream với ngôn từ thô tục được cho là kinh khủng hơn cả nữ CEO nọ. Một nam ca sĩ có lượng fan tôn sùng làm thần tượng số 1 ở Việt Nam cũng có những video chửi bới không thương tiếc. Thậm chí, một nghệ sĩ nổi tiếng là phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghệ thuật cũng viết “phây” với câu từ mang tính thóa mạ.

Sẽ thật khó hiểu khi đó đều là những con người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, kinh doanh, là có học thức, có địa vị, có quyền lực và có vật chất. Trí tuệ và tài năng trời phú đã giúp những con người đó thành công và được nhiều người ngưỡng mộ.

Nhưng trong không gian mạng, phải chăng vì sự ngộ nhận của cái gọi là tự do ngôn luận, họ đã đánh mất chính mình? Và rồi, chính họ đang là nạn nhân của chính mình. Chửi người rồi người chửi mình. Gậy ông lại đập lưng ông.

Ác khẩu hay ác tâm, chính trực hay gian tà, văn minh hay vô minh, thượng tôn pháp luật hay bát nháo, lệch lạc, lằn ranh rất mong manh. Khác đời thật, lời nói gió bay, có thể không ai hay, nhưng trên không gian mạng là lưu vết, là ảnh hưởng tới cả một thế hệ người dùng mạng.

Bên cạnh sự sủng ái của một lượng công chúng nhất định thì chính họ cũng chịu búa rìu dư luận, cũng bị xúc phạm, bị bới móc, bị đấu tố bởi những cá nhân khác, và bởi những “hiện tượng mạng” khác.

Điều đọng lại cuối cùng, đằng sau những livestream đình đám là một sự thật đau lòng, mất nhiều hơn được!

Cái được phải ghi nhận là những thói xấu háo danh, cờ bạc, chèn ép trong giới showbiz bị phơi bày, là một nghệ sĩ gạo cội như Hoài Linh bị phát hiện "ngâm" 14 tỷ đồng tiền từ thiện, là hiệu quả chữa bệnh của “thần y” Võ Hoàng Yên và những dấu hiệu hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đang được công an điều tra, xác minh…

Nhưng cái mất là một hình ảnh xã hội vô pháp, người với người đối xử với nhau tàn độc, giá trị sống bị đảo lộn. Không gian mạng trở nên ô nhiễm, một sự ô nhiễm đến mức báo động đỏ.

Thức tỉnh bằng tinh thần thượng tôn pháp luật

Xã hội nào cũng luôn cần những công dân chính trực, bản lĩnh, dũng cảm đấu tranh chống lại tiêu cực và những thói đời xấu xa. Nhưng hơn tất thảy, chỉ những công dân sống và làm việc với tinh thần thượng tôn pháp luật, thấu hiểu giới hạn của mình trong cả không gian mạng, thì xã hội mới trật tự mà phát triển.

Trên môi trường mạng, chúng ta có công cụ pháp lý để điều chỉnh những hành vi vi phạm. Pháp luật Việt Nam cấm “xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, sử dụng ngôn từ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục”, chứ không cấm livestream. Vi phạm những điều này, thì dù nổi tiếng, tài năng như những nghệ sĩ nọ, hay nghĩa hiệp bỏ hàng tỷ đồng làm việc thiện như nữ doanh nhân kia thì vẫn bị dư luận lên án, pháp luật chấn chỉnh.

Livestream- không ai cấm- nhưng đó là một bài toán đầy thách thức cho các cơ quan quản lý. Bởi lẽ, những hành vi vi phạm đến một cách thật dễ dàng. Quyền con người thật dễ bị xâm phạm. Ai cũng có thể đấu tố, ai cũng có thể bị bêu riếu. Và cơ quan chức năng không thể kiểm duyệt cho đến khi tất cả là “sự đã rồi”.

Trong khi, chế tài xử phạt chỉ vài triệu đồng đang là mức quá nhẹ cho những hệ quả của hành vi này. Khi cộng hưởng với sự ngông cuồng và thói vô pháp thì người ta có thể nộp phạt để thoải mái… vi phạm.

Công cuộc làm trong sạch không gian mạng là cấp thiết. Niềm tin xã hội phải được củng cố để xã hội vận hành một cách lành mạnh nhất. Cơ quan công quyền với cây gậy pháp lý phải liêm chính và phát huy hiệu lực thực sự của mình.

Chúng ta trở thành người như thế nào trong cuộc đời thật và trên mạng xã hội, phụ thuộc vào chính cách chúng ta nói và làm. Nhưng chắc chắn, không phải và không thể là những livestream “Đại hội vạch mặt”.

Phạm Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/dai-hoi-vach-mat-va-su-thach-thuc-thuong-ton-phap-luat-745898.html