Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Bảo vệ quyền lợi cho người lao động qua Thỏa ước lao động tập thể
Chiều 1/12, tại Hà Nội, các đại biểu đã cho ý kiến vào các văn bản văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, trong đó tập trung vào công tác đại diện, chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, các ý kiến đều cho rằng, việc bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người lao động thể hiện ở thương lượng ký kết Thỏa ước lao động tập thế.
Các đại biểu cho rằng, việc phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở hiện nay gặp nhiều khó khăn không chỉ do chủ sử dụng lao động chưa hiểu và ủng hộ mà còn do nhận thức của người lao động về vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn có những hạn chế. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thì một trong những giải pháp tập hợp thu hút đoàn viên là tổ chức Công đoàn phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trong đó hướng hoạt động về cơ sở, chăm lo, bảo vệ tốt đoàn viên, người lao động bằng những hoạt động thiết thực.
Theo nhiều ý kiến, việc bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người lao động thể hiện ở thương lượng ký kết Thỏa ước lao động tập thể. Trước đây, quyền lợi của người lao động trong Thỏa ước lao động tập thể thường là những quyền lợi nho nhỏ, thì giờ đây Công đoàn cơ sở phải thương lượng được những quyền lợi lớn hơn như phải được tăng lương hơn mức lương tối thiểu vùng, lao động nữ mang thai khi hết hợp đồng lao động không bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động trong nhiệm kỳ tới cần có chủ trương, chính sách đẩy mạnh hoạt động của các quỹ tài chính Công đoàn như Quỹ tài chính vi mô CEF để giúp người lao động có nguồn vốn tin cậy tạo việc làm, tránh bẫy tín dụng đen.
Phân tích về vấn đề này, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Meiko Việt Nam Phan Thanh Hải nhất trí với đề cương mà Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII. Tuy nhiên, về phía Công đoàn cơ sở trực tiếp tại doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, ông Hải chia sẻ: Hiện theo quy định, vấn đề lương cơ bản, tiền lương hàng năm sẽ do Công đoàn cơ sở thương lượng, đàm phán với chủ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp làm ăn tốt thì việc thương lượng không phải vấn đề quá khó. Nhưng khi doanh nghiệp báo cáo tình hình kinh doanh không tốt thì việc thương lượng, đàm phán thực sự khó khăn cho đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở.
“Hầu hết là cán bộ Công đoàn kiêm nhiệm, ăn lương của chủ doanh nghiệp nên đây thực sự là vấn đề quá khó. Chúng tôi mong muốn vấn đề lương cơ bản, tiền lương nên được thực hiện như trước đây để Công đoàn cơ sở và người lao động bớt khó khăn”, ông Hải chia sẻ.
Phát biểu thảo luận tại Trung tâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sakurai Việt Nam Nguyễn Hữu Quang tâm đắc với 3 khâu đột phá đề ra trong dự thảo Báo cáo. Ông Quang cho rằng, cán bộ Công đoàn cơ sở phải thể hiện được vai trò cầu nối giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, phải linh hoạt hài hòa lợi ích giữa hai bên bởi lợi ích của người lao động và doanh nghiệp có mối quan hệ tương hỗ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn cơ sở hết sức quan trọng.
Nếu thủ lĩnh Công đoàn cơ sở nắm vững kiến thức pháp luật, kỹ năng hoạt động công đoàn thì sẽ có khả năng đàm phán, thương lượng những quyền lợi tốt hơn cho người lao động và từ đó cũng sẽ có sức thu hút, tập hợp người lao động vào tổ chức Công đoàn. Ông Quang đề xuất, trong nhiệm kỳ tới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục quan tâm xây dựng các thiết chế công đoàn, nhất là nhà ở cho công nhân lao động.
Çác ý kiến cũng thống nhất và cho rằng trong phần đánh giá chung, Ban soạn thảo nên bổ sung thêm một số kết quả hoạt động tiêu biểu trong nhiệm kỳ để khái quát và toàn diện hơn. Tiêu biểu như như các cấp Công đoàn đã làm tốt việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật; tổ chức đối thoại với lãnh đạo từ Chính phủ đến các cấp chính quyền; tổ chức các hoạt động chăm lo như tổ chức chương trình Tết sum vầy, đưa công nhân về quê đón Tết; chương trình phúc lợi đoàn viên…