Đại hội XIII: Kết hợp hài hòa giữa đổi mới bên trong với hội nhập bên ngoài, đảm bảo 'trong ấm ngoài êm'

Trao đổi với TG&VN nhân dịp Đại hội XIII của Đảng, GS. TS. Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, thành công của Việt Nam là kết hợp hài hòa giữa đổi mới bên trong với hội nhập bên ngoài với tinh thần 'trong ấm ngoài êm'.

Đóng góp quan trọng nhất của các hoạt động đối ngoại thời gian qua chính là nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong ảnh: Đoàn Việt Nam vui mừng sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy, Việt Nam được bầu chọn là ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, tại New York, Mỹ ngày 7/6/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Đóng góp quan trọng nhất của các hoạt động đối ngoại thời gian qua chính là nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong ảnh: Đoàn Việt Nam vui mừng sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy, Việt Nam được bầu chọn là ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, tại New York, Mỹ ngày 7/6/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Theo ông, thời gian qua, ngành đối ngoại đã có những thành tựu nổi bật nào để đóng góp vào việc gia tăng vị thế và uy tín quốc tế của đất nước?

Tôi nghĩ rằng, sau hơn 30 năm, kể từ khi nước ta thực hiện công cuộc Đổi mới, đúng là nước ta chưa bao giờ có được vị thế và uy tín như hiện nay. Và đóng góp quan trọng nhất của các hoạt động đối ngoại thời gian qua chính là nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhớ lại thời điểm nước ta mới bắt đầu công cuộc đổi mới năm 1986, trên trường quốc tế người ta chỉ biết đến Việt Nam như một quốc gia mới thoát khỏi chiến tranh kéo dài. Hình ảnh Việt Nam gắn với chiến tranh (Vietnam War), sự tàn phá, nghèo nàn và lạc hậu. Nước ta lúc đó thuộc nhóm những nước nghèo nhất thế giới, với thu nhập bình quân theo đầu người dưới 200 USD/năm. Bây giờ, chúng ta có thể thấy rõ ràng Việt Nam đang xuất hiện trên trường quốc tế với tâm thế hoàn toàn khác.

GS. TS. Phạm Quang Minh.

GS. TS. Phạm Quang Minh.

Với đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, chúng ta đã đảm bảo được mục tiêu cao nhất là giữ vững môi trường hòa bình để tiếp tục công cuộc đổi mới. Từ sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt năm 1989, thế giới vẫn đang trong quá trình hình thành một trật tự thế giới mới theo hướng đa cực, các nước tiếp tục điều chỉnh chính sách. Tuy nhiên, một số nước lớn đều muốn thể hiện chính trị cường quyền, áp đặt đường lối của mình đối với các nước vừa và nhỏ.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã rất khéo léo, tận dụng được cơ hội – sự cạnh tranh giữa các nước lớn, để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo sân chơi để các cường quốc thế giới tham gia vào khu vực Đông Nam Á, Châu Á – Thái Bình Dương, tức là thu hút sự quan tâm của các nước lớn, buộc các nước phải thừa nhận sự độc lập tự do, đặc biệt là phải thừa nhận vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN.

Việt Nam, với tư cách là thành viên của ASEAN, đã tận dụng tốt vai trò thành viên của ASEAN và vẫn đảm bảo rằng mình sẽ không phải chọn bên nào trong chiến lược cạnh tranh giữa các nước lớn và giữ được môi trường hòa bình. Mà giữ được khu vực Đông Nam Á hòa bình, không có chiến tranh là rất thuận lợi cho sự phát triển của Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam cũng đã chuyển đổi thành công từ mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, là nền kinh tế có quy mô đứng thứ 2 trong khu vực sau Indonesia, tham gia hầu hết các cơ chế đa phương của thế giới và khu vực, ký được 16 Hiệp định Tự do Thương mại (FTA), thu hút được một lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài rất lớn, xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường, chiếm hàng trăm tỷ USD/ năm… Những thành tựu vượt bậc này là do chúng ta đã mở rộng và thiết lập được quan hệ đối ngoại với hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Tôi cho rằng, thành công của Việt Nam là kết hợp hài hòa giữa đổi mới bên trong với hội nhập bên ngoài với tinh thần “trong ấm ngoài êm”. Đó là quá trình tương tác qua lại lẫn nhau, nhờ có sự đổi mới bên trong thì tiếng nói trên trường quốc tế của Việt Nam mới tốt và nhờ mở rộng quan hệ đối ngoại thì mới thu hút được nhiều đối tác, nhiều FDI để tiếp phục vụ cho đổi mới bên trong.

Thứ ba, trên các diễn đàn toàn cầu, tiếng nói của Việt Nam được bạn bè lắng nghe. Chúng ta đã đảm nhiệm những chức vụ rất quan trọng - hai lần đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN (2010 và 2020) và hai lần là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ (2008-2009 và 2020-2021).

Trong năm qua, Việt Nam đã đề xuất nhiều ý tưởng, ý kiến và được thế giới chú ý. Đơn cử, với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2020, chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị ASEAN trực tuyến lần đầu tiên trong lịch của Hiệp hội từ năm 1967 và thúc đẩy đàm phán đi ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã tổ chức cuộc đối thoại giữa LHQ và ASEAN - giữa tổ chức đa phương toàn cầu lớn nhất thế giới với một tổ chức khu vực, qua đó nâng cao uy tín và vị thế của toàn bộ các nước ASEAN. Tháng 12/2020, chúng ta đưa ra sáng kiến về Ngày Thế giới Phòng chống đại dịch (27/12) và được đông đảo các nước thành viên LHQ hưởng ứng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thực hiện thành công phần lớn các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ và là một trong những quốc gia được LHQ ghi nhận vì có những đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chuyển đổi kinh tế thành công.

Ngoài ra, một thành tựu nổi bật trong năm 2020 không thể không nhắc đến, trước thềm Đại hội XIII là việc chúng ta đã chống dịch Covid-19 thành công trong khi trên thế giới, kể cả tại các nước phát triển, dịch vẫn diễn biến phức tạp với con số người nhiễm và người tử vong vì dịch rất cao, ở mức đáng báo động. Đây là một điểm rất sáng, thể hiện quyết tâm chính trị quyết liệt của Chính phủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân .

Chúng ta đã cân bằng rất tốt giữa vấn đề quan tâm sức khỏe của người dân với việc tiếp tục mở cửa để kinh tế phát triển. Quá chú trọng phát triển kinh tế thì sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, còn nếu chỉ chú trọng riêng đến sức khỏe của người dân thì kinh tế sẽ đi xuống. Trên thực tế, Việt Nam đã làm rất tốt việc này - đảm bảo ổn định bên trong và phát triển hợp tác bên ngoài. Với tinh thần như vậy, trong tương lai, Việt Nam sẽ có được uy tín, vị thế ngày càng cao hơn.

Với những đóng góp của ngành đối ngoại, cùng với những ngành, lĩnh vực khác, có thể nói ngắn gọn là Việt Nam đã thực hiện thành công công cuộc đổi mới, xác lập được uy tín và vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tạo nền tảng để xác định và tiếp tục con đường sắp tới là chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng và toàn diện.

Không chỉ Việt Nam đã đảm bảo được sự ổn định bên trong và phát triển hợp tác bên ngoài mà đã ngày càng chủ động, tích cực tham gia góp phần vào việc định hình các cơ chế khu vực và toàn cầu. Ý kiến của ông về nhận định này?

Trong 5 năm qua, giai đoạn 2016-2020, có một đặc điểm rất quan trọng của thế giới là chủ nghĩa đa phương bị thách thức, chủ nghĩa dân túy lên ngôi, xu hướng chống lại toàn cầu hóa, chống lại hội nhập khu vực diễn ra mạnh mẽ. Ở Mỹ và các nước châu Âu, trào lưu đề cao lợi ích quốc gia, đề cao chính trị cường quyền khá phổ biến.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn kiên định con đường kết hợp đổi mới với, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương. Vì chúng ta biết rằng, nếu không đề cao chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế sẽ bị coi thường, thì lúc đó, chỉ các nước lớn mới có được uy tín và vị thế.

Với tư cách là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và Chủ tịch HĐBA trong tháng 1/2020, Việt Nam và LHQ đã cùng nhấn mạnh tầm quan trong của chủ nghĩa đa phương, vì chủ nghĩa đa phương là nơi mà Việt Nam và các nước vừa và nhỏ khác mới có được tiếng nói của mình.

Đây là xu hướng được công đồng quốc tế ủng hộ, vì thế tiếng nói của Việt Nam đã được lắng nghe. Các sáng kiến đóng góp của Việt Nam đã được ghi nhận và ủng hộ.

Theo ông, nguyên nhân hay những bài học kinh nghiệm nào đã giúp chúng ta có được những thành tựu đối ngoại như trên?

Trước hết đó là bài học về sự lãnh đạo chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Chính phủ. Chúng ta đã rút ra được bài học từ trong qua khứ và triển khai phương châm đoàn kết quốc tế, hay “thêm bạn bớt thù” như lời Bác Hồ đã nói. Đúng là lòng quả cảm, sự hy sinh anh dũng của nhân dân là yếu tố quyết định nhưng trong thời kỳ kháng chiến Pháp, Mỹ, Việt Nam không thể giành được thắng lợi nếu không có sự ủng hộ của các nước, của phong trào yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Trong lịch sử, đã có những lúc Việt Nam phải lựa chọn giữa bên này hay bên kia nhưng Việt Nam đã rất kiên định đoàn kết quốc tế, không đứng về bên nào. Bởi thế, trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, dù có lúc nội bộ các nước Liên xô và Trung Quốc có mâu thuẫn thì Việt Nam vẫn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của cả hai người anh em vì chúng ta trước sau như một kêu gọi đoàn kết quốc tế, vì sự nghiệp chung.

Thứ hai, chúng ta cũng đã thực hiện đúng nguyên tắc đối ngoại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra. Đó là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Có nghĩa là chúng ta không bao giờ được phép nhân nhượng trong những vấn đề có tính chiến lược, chủ đạo, như độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, nhưng trong thực hiện có thể linh hoạt, biết lùi biết tiến, biết cương biết nhu đúng lúc.

Và cuối cùng, như Bác Hồ nói: “Ngoại giao chỉ là cái tiếng, thực lực là cái chiêng”, chúng ta phải tăng cường nội lực của mình. Ngoại giao sẽ làm tốt hơn công việc của mình nếu như bên trong chúng ta có một nền chính trị ổn định, nền kinh tế phát triển vững mạnh. Đây là những bài học rất quan trọng cho thời gian qua và cả thời gian tới.

Một điểm nữa là về mặt con người. Nếu như năm 1945, khi Việt Nam mới giành được chính quyền, còn vô vàn khó khăn, đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phải kiêm cả chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao, thì ngày nay, chúng ta đã có một đội ngũ hùng hậu với nhiều nhà ngoại giao có kinh nghiệm, trưởng thành và được đào tạo bài bản tại các trường Đại học, viện nghiên cứu hàng đầu của thế giới, từ Mỹ đến Nga, Anh, Pháp, Australia.

Bên cạnh được đào tạo những kiến thức về lịch sử, văn hóa của Việt Nam, họ có kiến thức chuyên môn giỏi, trình độ ngoại ngữ tốt và thực sự là những Đại sứ của Việt Nam trên trường quốc tế đóng vai trò rất lớn trong thành công của ngoại giao Việt Nam.

Bên cạnh đó, yếu tố quốc tế cũng góp một phần trong thành công của Việt Nam. Nếu trong Chiến tranh Lạnh, sự phân cực rất rõ ràng, thế giới chia thành hai phe đối đầu nhau, đen-trắng, cộng sản và tư bản, hạn chế các các nước thể hiện được vị thế và vai trò của mình thì kể từ sau Chiến tranh Lạnh, sự đối đầu ý thức hệ cũng không còn, xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập trở nên nổi trội trong đời sống quốc tế. Trong bối cảnh rộng mở, toàn cầu hóa đó, các nhà ngoại giao Việt Nam có cơ hội cọ xát, thể hiện năng lực, bản lĩnh của mình.

Đặc biệt, sự phát triển của khoa học công nghệ, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngoại giao số đang được chú trọng. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, internet, mạng xã hội… được cho là một cách quảng bá hình ảnh tốt giúp truyền tải tới bạn bè quốc tế về một Việt Nam với tư cách là một quốc gia đổi mới, năng động, sáng tạo và hòa bình.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-hoi-xiii-ket-hop-hai-hoa-giua-doi-moi-ben-trong-voi-hoi-nhap-ben-ngoai-dam-bao-trong-am-ngoai-em-135287.html