Đại kế giáo dục: Người thầy là gốc
Đổi mới giáo dục phải trên cơ sở không làm phức tạp những vấn đề đơn giản. Trong đó, cần quan tâm đặc biệt đến đội ngũ nhà giáo bởi người thầy có tận tâm thì chất lượng giáo dục mới được nâng lên.
Đó là quan điểm của GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục trước những đổi thay của ngành giáo dục nước nhà thời gian qua. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề trong ngành giáo dục đang được xã hội quan tâm.
PV: Thưa ông, đến nay chúng ta đã trải qua ba cuộc cải cách giáo dục. Ở lần đổi mới này, chương trình và sách giáo khoa (SGK) đang là tâm điểm của dư luận khi nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
GS Phạm Minh Hạc: Công cuộc đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện của chúng ta đến nay có những việc đã bắt đầu, có những việc đang làm trong đó có việc thay SGK. Năm học này ngoài SGK lớp 1 thì có SGK lớp 2 và lớp 6, sau này là các lớp khác. Điều đáng tiếc là lớp 1 có 5 bộ sách thì lên các lớp trên tôi theo dõi chỉ còn 3 bộ.
Nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này. Suy nghĩ của tôi đó là với lớp 1, cơ bản nhất là các cháu đi học, từ chỗ không biết chữ đến biết chữ, không biết viết đến biết viết… Ở lứa tuổi mới bắt đầu làm quen với tri thức, làm sao càng đơn giản càng tốt. Chúng ta đã dạy chữ đến nay đã là một thế kỷ rồi. Cần xem lại các kinh nghiệm cũ và không nên làm phức tạp vấn đề lên.
SGK quan trọng, nhưng cũng chỉ là tư liệu; và trong không gian tri thức mở như hiện nay, kiến thức trong SGK không phải là nguồn tư liệu duy nhất, chỉ cần được hướng dẫn phương pháp, người học sẽ có nhiều nguồn để tìm.
Yếu tố cơ sở vật chất, trang thiết bị có tác động không nhỏ tới chất lượng dạy học, nhưng với sự linh hoạt, sáng tạo của người dạy, yếu tố này cũng có thể được khắc phục.
Chỉ riêng yếu tố người thầy là không thể thay thế; thậm chí có tính chất quyết định đối với thành công của hoạt động dạy học.
Giáo viên ngày nay không chỉ truyền thụ kiến thức, không chỉ là người thiết kế để trò thi công, mà quan trọng hơn, phải là người truyền cảm hứng đến người học. Đây là yêu cầu mới đặt ra với đội ngũ nhà giáo hiện nay, ông đánh giá như thế nào?
-Vai trò quan trọng của người thầy chúng ta đã nói từ lâu rồi. Trước đây, không có điều kiện, học sinh (HS) tự học với sự hướng dẫn của thầy cô giáo. Nay nhiều gia đình quan tâm tới việc học tập của con nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết cách dạy con nên nhìn chung, vai trò của giáo viên theo tôi vẫn quyết định phần lớn chất lượng dạy học hiện nay, nhất là ở cấp tiểu học.
Mục tiêu mới đặt ra cho việc dạy và học, cho phẩm chất năng lực cần đạt được của HS thì người thầy phải thay đổi là đương nhiên. Chúng ta đã đề cập nhiều đến tự chủ đại học còn tự chủ ở phổ thông vẫn chưa rõ. Tôi cho rằng, người thầy cần phải được quyền chủ động hơn trong việc dạy học. Giáo viên phải sáng tạo dựa trên chương trình, bài học trong SGK. Còn sáng tạo như thế nào lại phụ thuộc vào mỗi giáo viên sao cho phù hợp với đối tượng HS ở lớp đó, trường đó, vùng miền đó… SGK viết cho tất cả HS nhưng khi giáo viên lên lớp, HS không em nào giống em nào nên đòi hỏi những phương pháp tiếp cận khác nhau, linh hoạt.
Tương tự như vậy, sẽ không có một “bài giảng mẫu” nào có thể áp dụng thành công trong mọi tiết học ở khắp các địa phương nên kể cả khi có kho học liệu số, bạt ngàn các tiết dạy mẫu thì thầy cô cũng không thể “bê nguyên xi” về để giảng dạy. Để làm được điều đó, không chỉ là năng lực chuyên môn, phương pháp sư phạm, kỹ năng, thái độ mà còn là sự tận tâm với trò…
Muốn có thầy giỏi, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thu hút được HS giỏi đầu quân vào các trường sư phạm. Nhưng trong rất nhiều nghề nghiệp hiện nay, dường như giáo viên không phải là một lựa chọn hấp dẫn với nhiều bạn trẻ, thưa ông?
- Đúng vậy. Để có được đội ngũ giáo viên tốt, cần phải quan tâm tới chất lượng đầu vào của các trường sư phạm. Thời gian vừa qua, do nhiều lý do mà chất lượng đầu vào ngành sư phạm chưa cao. Tôi cho rằng cần phải có sự sàng lọc lại.
Chính sách mới về hỗ trợ tiền sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm mới đây theo tôi là một trong những giải pháp góp phần thu hút được người giỏi vào sư phạm. Nhưng đó không phải gốc vấn đề, quan trọng là đầu ra có xin được việc làm hay không, chế độ đãi ngộ thế nào.
Một quốc gia muốn phát triển, thì phải đi lên từ giáo dục. Và cái gốc của giáo dục, vẫn là giáo viên. Chúng ta vẫn nghe nói rằng ngân sách Nhà nước chi cho ngành giáo dục theo Nghị quyết của Quốc hội là 20% nhưng số tiền này đã được phân bổ như thế nào, có hợp lý không thì lại là một “bí ẩn”. Đây là vấn đề chúng tôi, những cựu giáo chức tha thiết lắm nhưng chưa có lời giải đáp rõ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hệ thống giáo dục và những lần cải cách
Giáo dục Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến năm 1950 đã tiến hành cuộc cải cách giáo dục (CCGD) lần thứ nhất. Mục đích của cuộc CCGD lần này là phải hủy bỏ triệt để nền giáo dục nô lệ cùng với những tàn dư của nó về nội dung, phương pháp, và phải xây dựng cơ sở tư tưởng mới về nền giáo dục dân chủ nhân dân theo những thiết chế giáo dục và hệ thống tổ chức giáo dục tương ứng. Năm 1952 đã biên soạn xong toàn bộ SGK cấp I theo chương trình mới, còn cấp II và III mới chỉ biên soạn được một số tài liệu giảng dạy môn lịch sử, chính trị, giáo dục công dân. Các môn khác vẫn tạm sử dụng những bài mẫu in trong tờ “Giáo dục tập san”.
Cuộc CCGD lần thứ hai (1956) phục vụ cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuộc CCGD lần thứ hai là một bước đi cơ bản ban đầu quan trọng trong quá trình xây dựng nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa. Hệ thống giáo dục đã được cải tạo, nhất là giáo dục phổ thông theo mô hình của các nước Xã hội Chủ nghĩa, mà chủ yếu là của Liên Xô trước đây.
Năm 1979, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IV quyết định tiến hành cuộc CCGD lần thứ ba, để xây dựng nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa khi cả nước thống nhất. Hệ thống giáo dục 12 năm ở miền Nam và hệ thống giáo dục 10 năm ở miền Bắc được thay thế bằng một hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm mới. Cuộc CCGD lần này được triển khai bắt đầu từ năm học 1981-1982.
Các cuộc CCGD của Việt Nam đã đưa đến những thành tựu to lớn trong việc đào tạo các thế hệ trẻ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc rồi cả nước, đưa nền giáo dục Việt Nam sánh vai với các nước ở khu vực và đạt một số thành tựu ở quốc tế về khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, do tác động của nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường, giáo dục Việt Nam cũng mắc phải những “căn bệnh” của “thương mại hóa”, nội dung, mục tiêu, tính chất giáo dục, phương pháp quản lý, phương pháp dạy học đã không còn phù hợp… đòi hỏi phải thực hiện đổi mới giáo dục một cách toàn diện như một yêu cầu tất yếu và coi đây như một cuộc CCGD tiếp theo - cuộc CCGD lần thứ tư.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dai-ke-giao-duc-nguoi-thay-la-goc-560613.html